Phát huy giá trị di sản văn hóa góp phần tạo nên sức mạnh nội sinh, phát triển bền vững Thủ đô

Tại Hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” được TP Hà Nội tổ chức mới đây, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô đã nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của đông đảo các đại biểu, chuyên gia.
Phát huy giá trị di sản văn hóa góp phần tạo nên sức mạnh nội sinh, phát triển bền vững Thủ đô
Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Di sản Văn hóa Thế giới của Hà Nội

Hà Nội là nơi có hệ thống di sản văn hóa đồ sộ, phong phú, đa dạng nhất so với các tỉnh thành trong cả nước. Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, hiện TP có 5.922 di tích lịch sử - văn hóa, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, UNESCO đã công nhận và ghi danh có 3 di sản văn hóa phi vật thể, 01 di sản Tư liệu thế giới, 1 di sản văn hóa. Hà Nội cũng là nơi có nhiều làng nghề nhất cả nước (1.350 làng nghề), 1.173 lễ hội và sự kiện văn hóa, nghệ thuật, 115 không gian sáng tạo đa lĩnh vực.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng sở hữu nhiều danh hiệu văn hóa như: TP vì hòa bình; TP sáng tạo; Thủ đô ngàn năm văn hiến... Hệ thống di sản văn hóa này với những giá trị tiềm ẩn trong đó đã tạo nền tảng quan trọng cho phát triển kinh tế nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng của Thủ đô.

ThS. Nguyễn Hồng Chi (Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội) cho rằng phát huy giá trị di sản văn hóa là điều kiện để phát huy tối đa nguồn lực của các giá trị di sản văn hóa, góp phần tạo nên sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng quyết định phát triển bền vững Thủ đô. Phát huy các giá trị di sản văn hóa trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến; đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần bồi đắp và phát triển hệ giá trị văn hóa Thăng Long – Hà Nội, đưa Hà Nội trở thành TP Sáng tạo, quảng bá và nâng cao vị thế, hình ảnh Thủ đô, Việt Nam ra khu vực và thế giới.

Theo ThS. Nguyễn Hồng Chi, Hà Nội xác định nhiệm vụ phát huy giá trị các di sản văn hóa thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa tại Thủ đô giai đoạn hiện nay là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội trên tinh thần “Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho sự phát triển bền vững”, thì cần sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội cho bảo vệ và phát huy giá trị di sản, tạo điều kiện thuận lợi nhất để Nhân dân trực tiếp tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản.

TS. Bùi Thị Kim Chi (Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nêu quan điểm: Hà Nội cần đẩy nhanh quá trình và thực hiện triệt để Nghị quyết số 09-NG/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy Hà Nội, Kế hoạch số 217/KH-UBND ngày 12/8/2022 của UBND TP Hà Nội. Thực hiện tốt chủ trương tư liệu hóa các di sản văn hóa của Hà Nội. Chú ý đánh giá tiềm năng chuyển hóa, tích hợp giá trị di sản văn hóa vào trong sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Từ đó có định hướng rõ ràng cho việc đầu tư, phát huy giá trị của di sản văn hóa cho phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội.

Hà Nội cũng cần mở rộng quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống, tập trung truyền thông cho các hoạt động tôn vinh nghệ nhân, phát huy giá trị di sản văn hóa bởi các nghệ nhân. Đẩy mạnh thực hiện các cam kết với UNESCO về “TP Sáng tạo” thông qua thực hiện nghiêm Luật Sở hữu trí tuệ, tổ chức các hội thi sáng tạo, các dự án phát triển đô thị Hà Nội cần chú ý đến không gian sáng tạo mang đặc trưng văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

Để bảo đảm sự đồng bộ, tránh chồng chéo trong thực hiện phát huy giá trị di sản văn hóa cho phát triển công nghiệp văn hóa, Hà Nội cần sớm thành lập một cơ quan chuyên trách. Cơ quan này sẽ chủ trì hình thành những đề án chuyên sâu ở từng lĩnh vực. Với một đầu mối quản lý thì sẽ thuận tiện theo dõi, đôn đốc, giám sát quá trình phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô toàn diện hơn.

Cũng theo ThS. Nguyễn Hồng Chi, TP cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào các hoạt động sáng tạo, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa chất lượng cao, xây dựng thương hiệu mạnh, phát triển mạng lưới doanh nghiệp. Trong đó, rất cần hình thành một số tập đoàn lớn trong các lĩnh vực thế mạnh của công nghiệp văn hóa Hà Nội. Thu hút sự tham gia của cộng đồng, chú ý đến sự tham gia của lớp thanh niên, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân trong các hoạt động nuôi dưỡng, khuyến khích sự sáng tạo. Chấp nhận rủi ro trong hoạt động này vì bản thân công nghiệp văn hóa có tính rủi ro cao.

Xây dựng văn hóa kinh doanh lấy chữ “Tín” làm trọng Xây dựng văn hóa kinh doanh lấy chữ “Tín” làm trọng
Khu phố cổ Hà Nội mãi là hạt nhân tạo nên di sản đô thị Khu phố cổ Hà Nội mãi là hạt nhân tạo nên di sản đô thị
Cần xây dựng chiến lược giữ gìn, phát huy tối đa giá trị các di tích, di sản Cần xây dựng chiến lược giữ gìn, phát huy tối đa giá trị các di tích, di sản

Ngọc Vinh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.