Trước bức xúc của một travel blogger về tình trạng mặc trang phục không phù hợp trên sông Nho Quế

Việc giữ gìn bản sắc, truyền thống dân tộc cần được nâng cao

Hà Giang, vùng đất địa đầu Tổ quốc là một trong những nơi thiêng liêng, hùng vĩ bất kỳ người Việt nào cũng mong muốn một lần được đặt chân đến. Cùng với Mã Pì Lèng hiểm trở, sông Nho Quế đã trở thành huyền thoại, đi vào thơ ca và là một trong những con sông đẹp nhất miền hoa đá Hà Giang.
Sông Nho Quế là đã tạo nên vô số thác ghềnh trắng xóa giữa những thung lũng, hẻm vực ẩn hiện trong những đám mây bảng lảng
Sông Nho Quế là đã tạo nên vô số thác ghềnh trắng xóa giữa những thung lũng, hẻm vực ẩn hiện trong những đám mây bảng lảng

Sông Nho Quế là một phụ lưu của sông Gâm, bắt nguồn từ Trung Quốc, khi chảy vào Việt Nam thì tạo ra một đoạn là biên giới Việt - Trung ở vùng cực bắc đất nước tại xã Lũng Cú và Ma Lé, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Đến Việt Nam, sông Nho Quế chạy qua nhiều lớp đá tai mèo lởm chởm như bãi chông tua tủa. Nhờ dòng chảy mạnh, Nho Quế đã tạo nên vô số thác ghềnh trắng xóa giữa những thung lũng, hẻm vực ẩn hiện trong những đám mây bảng lảng, khiến Hà Giang vừa hùng vĩ vừa mơ màng, trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng thu hút nhiều du khách.

Từ trên cao nhìn xuống, dòng sông Nho Quế như sợi chỉ xanh lung linh bắc xuống từ trời, ẩn hiện giữa núi rừng đại ngàn đông bắc. Nằm dưới chân những ngọn núi tai mèo hiểm trở của Hà Giang, dòng sông Nho Quế quanh năm êm đềm chảy giữa những vách đá, tạo thành một đường biên giới màu xanh biếc giữa đèo Mã Pì Lèng và đường Săm Pun.

Trải nghiệm giá trị văn hóa Hà Giang đã chạm đến trái tim, cảm xúc trong hành trình du lịch của nhiều du khách. Không chỉ người trẻ mà ngay cả những người có tuổi cũng muốn đến với Hà Giang. Trong hành trình chinh phục đèo dốc Hà Giang, Bà Huỳnh Mỹ Lý và bà Đỗ Thị Lá (68 tuổi, TP HCM) đã nhận về nhận hàng chục ngàn lượt yêu thích trên mạng xã hội. Hai bà lão U70 đặt tour 3 đêm 2 ngày tới du lịch Hà Giang - địa điểm họ vô cùng yêu thích khi chiêm ngưỡng qua những bức ảnh, thước phim trên mạng xã hội.

Và đương nhiên nơi này cũng thu hút rất nhiều người trẻ, địa điểm du lịch này không chỉ được khách trong và ngoài nước vô cùng ưa chuộng. Có dịp đến con sông trứ danh này, nhiều du khách sẽ không thể bỏ qua việc chụp hình khi đi thuyền trên sông. Tưởng chừng như việc chụp hình này là một nét đẹp du lịch vùng cao nhưng hiện nó đang dấy lên một vấn đề đáng lo ngại, khi nhiều người sử dụng trang phục của nước ngoài chụp ảnh đăng lên MXH.

Nhìn thấy tình cảnh không hay này diễn ra trên con sông Nho Quế, chàng travel blogger nổi tiếng đã thẳng thắn chia sẻ quan điểm của mình: Không biết từ khi nào, trên con sông nổi tiếng đất Việt này chỉ ngập tràn bóng dáng của những bộ cổ phục, trang phục truyền thống từ... các nước khác.

Việc chàng travel blogger nổi tiếng Khoai Lang Thang nhắc đến chính là việc trang phục của các du khách khi chụp hình trên sông Nho Quế. Trên trang cá nhân của mình, anh chàng đã đăng tải một dòng trạng thái khá dài để nêu lên cảm xúc và quan điểm về vấn đề này. Điều khiến Khoai Lang Thang buồn hơn nữa chính là một người bạn nước ngoài đã hỏi anh chàng rằng: "Nho Quế có phải của Việt Nam không?".

Nho Quế trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng thu hút nhiều du khách
Nho Quế trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng thu hút nhiều du khách

Tuy cũng hiểu rằng mặc trang phục nào là quyền tự do cá nhân của mỗi người, nhưng anh chàng cũng mong rằng nếu có du khách nào đi du lịch tại địa điểm này thì hãy "hạn chế mặc đồ của những nước khác nha".

Trước thực trạng, những bộ trang phục rực rỡ được nhiều du khách lựa chọn nhưng đáng tiếc lại là trang phục của một nước nào đó, nhận được rất nhiều lượt bình luận và chia sẻ. Điều bất ngờ hơn nữa là một số hoa hậu, diễn viên nổi tiếng cũng mặc những bộ trang phục này khi du lịch tại Hà Giang.

Bên dưới dòng trạng thái, rất nhiều ý kiến, bình luận được đưa ra. Dù ý kiến nào cũng có, nhưng đa phần mọi người đều đồng tình với quan điểm mà Khoai Lang Thang đưa ra. Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng lỗi sai nằm ở chỗ những người cho thuê đồ vì du khách cũng chỉ thấy trang phục nào đẹp thì mới thuê bởi không phải ai cũng biết đó có phải là trang phục của nước khác.

Bên cạnh đó, qua việc thăm dò ý kiến về việc: Bạn nghĩ sao về việc mặc trang phục của nước khác chụp hình trên dòng sông Nho Quế này? Đã nhận được kết quả hết sức bất ngờ: Không nên mặc như vậy 83%; Quyền tự do của mỗi người, ai thích mặc gì là quyền của họ10%; Mình thấy bình thường5%; Ý kiến khác1%.

Điều này cho thấy phần lớn mọi người đều mong muốn và ủng hộ việc mặc trang phục phù hợp với văn hóa của nước mình. Bởi trang phục cũng đi liền với các giá trị văn hóa, có sức quảng bá và khẳng định được những giá trị và bản sắc, niềm tự hào của từng địa phương, dân tộc.

Như chia sẻ của bạn Vũ Hoàng: Mình cãi nhau với vợ mấy lần vì cái vụ này rồi. Ở Việt Nam nhưng lại cứ xây dựng hoặc mặc những trang phục nước ngoài/kiểu nước ngoài để thu hút du lịch, sống ảo? Nước mình không đẹp hay sao mà phải làm thế? Họ đến với mình vì vẻ đẹp của nước mình, để tìm hiểu về văn hoá, cảnh vật, con người nơi họ đến, chứ không phải để xem những thứ hàng "fake" phỏng theo hàng "real" ở nơi họ sống.

Làm thế nào để gìn giữ truyền thống “Tôn sư trọng đạo” trong thời đại mới?
Người dân cần nâng cao cảnh giác đối với hành vi tuyển dụng cộng tác viên qua mạng

Linh Huy

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.