Hà Nội: Đầu tư chuyên sâu cho các vùng nông nghiệp hàng hóa

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường khẳng định, TP Hà Nội sẽ đầu tư chuyên sâu cho các vùng nông nghiệp hàng hóa đã hình thành theo hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu, hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm.
Cùng với dồn điền đổi thửa, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, đến nay, hầu hết các huyện trên địa bàn TP. Hà Nội đều tổ chức quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp phù hợp với lợi thế của địa phương.
Đến nay, hầu hết các huyện trên địa bàn TP Hà Nội đều tổ chức quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp phù hợp với lợi thế của địa phương.

Theo thống kê, toàn TP Hà Nội đã chuyển đổi được hơn 40.227ha đất lúa sang các mô hình sản xuất nông nghiệp mới. Trong đó, có 101 vùng sản xuất rau an toàn tập trung đã thực hiện 37 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng với diện tích 2.080,9ha; 3.150 trang trại, trong đó có 130 trang trại ứng dụng công nghệ cao; 50 vùng sản xuất hoa, cây cảnh với diện tích 5.300ha.

Huyện Mê Linh là thủ phủ trồng hoa của Hà Nội, trong tổng diện tích 236ha trồng hoa thì chủ yếu trồng hoa hồng, cúc vàng. Ngoài ra, nông dân Mê Linh còn trồng một số loại hoa khác như: Ly, loa kèn, mẫu đơn, lay-ơn... để xuất đi các tỉnh, TP khác trong cả nước và cả sang Trung Quốc.

Tại huyện Sóc Sơn, chỉ tính từ năm 2017 đến nay, địa phương đã chuyển đổi được hơn 500ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các vùng chuyên canh tập trung.

Cụ thể, vùng trồng rau hữu cơ - rau an toàn VietGAP, rau công nghệ cao với quy mô từ 2ha trở lên tại các xã: Thanh Xuân, Tân Dân, Hiền Ninh…; vùng trồng cây ăn quả với quy mô từ 5ha trở lên tại các xã: Phú Cường, Phú Minh, Nam Sơn…; vùng trồng cây dược liệu, thảo dược với quy mô từ 2ha trở lên tại các xã: Bắc Sơn, Minh Trí, Xuân Giang…

Các vùng nông nghiệp tập trung, quy mô lớn này đã giúp nông dân tích tụ ruộng đất, thực hiện sản xuất chuyên canh, nâng cao thu nhập.

Còn tại huyện Đông Anh, nhờ quy hoạch vùng sản xuất rau với diện tích 1.180ha; trong đó, có hơn 500ha sản xuất rau an toàn tập trung, quy mô lớn, đến nay huyện đã kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm rau an toàn tại các vùng sản xuất tập trung.

Để duy trì sản xuất nông nghiệp an toàn, huyện Đông Anh đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân về hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Theo khảo sát của cơ quan chức năng, hiện số lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng tại địa phương này đã giảm khoảng 15% so với những năm trước; nông dân sử dụng chủ yếu là phân bón hữu cơ, vi sinh, thảo mộc trong canh tác nông nghiệp.

Hiện tại, huyện Thường Tín đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn như: Vùng sản xuất lúa hàng hóa với diện tích 1.745ha tại các xã: Thắng Lợi, Nghiêm Xuyên…; vùng sản xuất rau an toàn 545ha tại các xã: Hà Hồi, Tân Minh, Thư Phú; vùng nuôi trồng thủy sản với diện tích 1.159ha tại các xã: Nghiêm Xuyên, Dũng Tiến…

Từ các vùng sản xuất, Thường Tín đã hình thành được 14 mô hình liên kết chuỗi, 15 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, từ đó tạo sự chuyển biến tích cực, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, nâng cao thu nhập cho người dân.

Sau dồn điền, đổi thửa, các huyện: Phú Xuyên, Thanh Oai, Ứng Hòa, Ba Vì, Mỹ Đức... đã tích cực chuyển đổi, hình thành được nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Tuy nhiên, việc phát triển các vùng sản xuất chuyên canh vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc như sau khi dồn điền đổi thửa, nhiều địa phương hạ tầng phục vụ sản xuất vẫn chưa hoàn thiện khiến phương tiện khó vào thu mua nông sản. Bên cạnh đó, xây dựng thương hiệu cho nông sản và kết nối tiêu thụ sản phẩm vẫn còn nhiều vướng mắc…

Chia sẻ về về định hướng quy hoạch vùng nông nghiệp của Hà Nội, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, TP Hà Nội sẽ đầu tư chuyên sâu cho các vùng nông nghiệp hàng hóa đã hình thành theo hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu, hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm.

Theo đó, đối với cây ăn quả sẽ tập trung vào các vùng chuyên canh theo nhóm cây chủ lực (bưởi, chuối, nhãn…) quy mô hơn 20.000ha; rau màu hơn 5.000ha; hoa, cây cảnh hơn 9.000ha...Đồng thời, khai thác có hiệu quả diện tích đất bãi sông Hồng, sông Đà, sông Đáy, sông Đuống để tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng trang trại gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm.

“Cùng với đó, phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, hình thành các trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư. Hà Nội cũng sẽ hình thành các cụm nông nghiệp công nghệ cao, nhà máy chế biến nông sản” - ông Tạ Văn Tường nhấn mạnh.

Hà Nội: Tập trung phát triển cơ giới hóa, cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp Hà Nội: Tập trung phát triển cơ giới hóa, cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp
Hà Nội: Xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại Hà Nội: Xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại
Hà Nội: Đẩy mạnh xây dựng vùng nông nghiệp hàng hóa an toàn gắn với mã số vùng trồng Hà Nội: Đẩy mạnh xây dựng vùng nông nghiệp hàng hóa an toàn gắn với mã số vùng trồng

Minh Phong

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.