Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Văn hóa là nguồn lực quan trọng để phát triển Thủ đô

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, văn hóa là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng một Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại. Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa là cách hiệu quả nhất để phát triển văn hóa của Thủ đô.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội thảo khoa học.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội thảo khoa học.

Ngày 21/3, TP Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Phát huy giá trị của Thủ đô hơn 1.000 năm tuổi

Phát biểu tại Hội thảo, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Hội thảo là một trong những bước cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, những tư tưởng chỉ đạo quan trọng của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, đặc biệt là của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc “Văn hóa thực sự là nền tảng, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế và các lĩnh vực trọng yếu khác của đất nước”; tiếp tục triển khai các nội dung được thảo luận tại các Hội thảo khoa học do Trung ương tổ chức về Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa ngày 17/12/2022 tại Bắc Ninh và về 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam ngày 27/2/2023 tại Hà Nội.

Theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, trải qua bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử, Thủ đô Hà Nội luôn phát huy vai trò là trái tim của cả nước, là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và sản sinh ra nhiều nhân tài kiệt xuất của đất nước.

Trên thế giới, hiếm có Thủ đô nào có lịch sử, truyền thống văn hóa hơn 1.000 năm tuổi như Thủ đô Hà Nội. Mỗi người dân Hà Nội luôn tự hào về Thủ đô yêu dấu, luôn ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ góp phần xây dựng và phát triển Thủ đô Văn hiến - văn minh - hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.
Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Thủ đô Hà Nội được biết đến là “Thành phố di sản”, với quỹ di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng gồm 5.922 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 21 di tích và cụm di tích quốc gia đặc biệt; 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Hà Nội có những di sản văn hóa vật thể vô giá, đó là những dấu tích của thành quách nguy nga, công trình kiến trúc tâm linh (đình, chùa, đền miếu, phủ…), tượng đài, công viên, vườn hoa, sông hồ…

Hà Nội còn là “đất trăm nghề”, là địa bàn có số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước với trên 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có hơn 300 làng nghề thủ công truyền thống tiêu biểu, có khoảng 70 không gian sáng tạo và 1.095 lễ hội và sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang bản sắc văn hóa vùng đồng bằng sông Hồng, gắn liền với những câu chuyện lịch sử trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Hà Nội là nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm", được biết đến là “Thủ đô Anh hùng”, “Thành phố Vì hòa bình”, “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”..., thành phố đầu tiên của Việt Nam tham gia “Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO”. Đây chính là những tài sản vô giá để Thủ đô Hà Nội phát huy nguồn lực văn hóa, tiếp thêm sức sáng tạo cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, góp phần xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại.

Phát huy giá trị, nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, văn hoá là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng một Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại. Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hoá là cách hiệu quả nhất để phát triển văn hoá của Thủ đô.

Trong nhiều năm qua, Thành phố Hà Nội luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, coi văn hóa là động lực, là một trong các nguồn lực phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô. Liên tục trong nhiều nhiệm kỳ, Đảng bộ Thành phố đều ban hành chương trình riêng về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội văn minh.

Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, ngày 22/02/2022, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhằm tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, đảm bảo phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao; hoạt động có tính chuyên nghiệp, với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, có chất lượng, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu.

Quán triệt và nhận thức một cách toàn diện, sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng về văn hóa, dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng, phát triển văn hóa, thành phố Hà Nội đã tập trung đầu tư cho phát triển văn hóa với mục tiêu là bảo vệ, bảo tồn giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, văn hóa dân tộc; phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, các công trình văn hóa. Thành phố đã dành nguồn lực đầu tư 03 lĩnh vực: y tế, giáo dục - đào tạo và văn hoá giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp khoảng 49.200 tỷ đồng. Trong 2 năm 2021-2022, đã hoàn thành tu bổ, tôn tạo 181 di tích, trong đó có 4 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 114 di tích cấp quốc gia, 63 di tích cấp Thành phố.

Làm rõ hơn nội hàm, giải pháp phát triển Thủ đô

Điểm qua một số kết quả nổi bật trong năm 2022, Bí thư Thành ủy cho biết, năm 2022, Thành ủy đã chỉ đạo, đôn đốc, nghiên cứu các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm tiến độ nhằm khơi thông nguồn lực cho Thủ đô; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ.

Đồng thời, Thành ủy đã ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội và Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý đất đai và quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn TP Hà Nội; Quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Thành phố cũng đang tập trung triển khai các đề án, dự án rất quan trọng khác, như: Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô; tập trung đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; tổng kết, đánh giá đề xuất sửa đổi Luật Thủ đô; đề án khai thác nguồn lực từ tài sản công…

Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, Hội thảo là sự tiếp nối, kế thừa và vận dụng những kết quả của các hội nghị, hội thảo khoa học vào thực tiễn cuộc sống đang diễn ra hết sức sôi động trên địa bàn Thành phố. Để tiếp tục làm rõ tư tưởng chỉ đạo coi văn hóa là động lực, là nguồn lực xây dựng và phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và các đại biểu tham dự triển lãm trong chương trình Hội thảo.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và các đại biểu tham dự triển lãm trong chương trình Hội thảo.

Với tinh thần dân chủ, khoa học và cầu thị, Thành phố mong muốn có sự đồng hành, tham gia đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu bằng các luận cứ khoa học, trách nhiệm và tình cảm đối với Thủ đô về vai trò của văn hóa trong xây dựng và phát triển, tiếp tục làm rõ hơn nội hàm và giải pháp phát triển Thủ đô.

Đặc biệt trong năm 2023, Thành phố đang triển khai đồng thời 3 nội dung quan trọng, đó là: xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi, lập Quy hoạch Thủ đô, Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây cũng là cơ hội đặc biệt quan trọng để nhìn nhận, đánh giá một cách tổng thể, toàn diện, chuẩn bị các luận chứng khoa học và thực tiễn để xây dựng thể chế, chính sách phát triển; định vị các không gian phát triển, chú trọng đến không gian văn hóa, huy động các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

“Thành phố Hà Nội mong sẽ nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn, sâu sắc của các cơ quan nghiên cứu, hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, các nhà khoa học, các chuyên gia về văn hóa học, văn hóa Hà Nội ở cả trong và ngoài nước. Qua Hội thảo này, Thành phố sẽ có thêm nhiều sáng kiến tư vấn trong phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa nhằm xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, có thể sánh ngang tầm các thủ đô và thành phố hàng đầu trong khu vực” - Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam: Khởi nguồn và động lực phát triển
Liên hoan Ca múa nhạc Hà Nội năm 2023 với chủ đề “văn hóa - hội tụ - bản sắc và phát triển”
Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại“

Ngọc Tú - Thuỷ Tiên - Lại Tấn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.