Kỳ thi đánh giá năng lực vào ĐH 2023: Những điều cần lưu ý

Năm 2023, ĐH Quốc gia TP HCM, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TP HCM và Bộ Công an tiếp tục tổ chức các kỳ thi tuyển sinh riêng. Đáng chú ý, nhiều trường cùng công nhận và dùng chung kết quả của các kỳ thi này để xét tuyển đầu vào.
Với nhiều kỳ thi, đợt thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy được tổ chức trong năm 2023, thí sinh nên cân nhắc để lựa chọn kỳ thi phù hợp với mục tiêu xét tuyển ĐH của mình
Với nhiều kỳ thi, đợt thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy được tổ chức trong năm 2023, thí sinh nên cân nhắc để lựa chọn kỳ thi phù hợp với mục tiêu xét tuyển ĐH của mình

Thêm nhiều trường công nhận kết quả đánh giá năng lực của nhau

Theo đề án của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, trường sẽ tổ chức kỳ thi độc lập đánh giá năng lực để xét tuyển ĐH hệ chính quy từ năm 2023 vào các ngành đào tạo của trường, đồng thời cung cấp kết quả để các trường ĐH khác xét tuyển nếu có nhu cầu.

GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, dự kiến có ít nhất 8 trường ĐH sẽ sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển. Trường dự kiến tổ chức thi một hoặc hai đợt vào cuối tháng 4 và tháng 5/2023.

Trường ĐH Sư phạm TP HCM, sẽ tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt với dự kiến hai đợt thi vào tháng 4 và tháng 6/2023. Năm nay, để thuận tiện cho thí sinh, Trường ĐH Sư phạm TP HCM và Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ công nhận kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của nhau. Đối với các trường ĐH sư phạm còn lại, có thể không cần tổ chức thi mà sẽ sử dụng kết quả của hai kỳ thi do hai trường trên tổ chức để làm dữ liệu xét tuyển vào trường.

TS Nguyễn Quốc Chính - GĐ Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP HCM cho biết, năm 2023 ĐH Quốc gia TP HCM cơ bản vẫn duy trì ổn định kỳ thi đánh giá năng lực như năm 2022 với việc tổ chức hai đợt: đợt 1 vào cuối tháng 3/2023 và đợt 2 vào cuối tháng 5/2023. ĐH Quốc gia TP HCM sẽ tiếp tục tổ chức các điểm thi tại 17 tỉnh thành như năm trước, đồng thời đang xem xét mở rộng thêm điểm thi ở tỉnh Lâm Đồng và một số điểm thi ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhằm tạo điều kiện thuận tiện cho thí sinh được tham gia kỳ thi này.

Năm 2023, dự kiến sẽ có thêm nhiều trường đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi này. ĐH Quốc gia TP HCM và ĐH Quốc gia Hà Nội thống nhất sẽ công nhận kết quả hai kỳ thi đánh giá năng lực của nhau để tạo thuận lợi cho thí sinh khi không phải tham gia nhiều kỳ thi. Việc tham dự kỳ thi đánh giá năng lực sẽ giúp thí sinh có thêm cơ hội trúng tuyển vào ngành và trường phù hợp với lựa chọn của bản thân.

ĐH Quốc gia Hà Nội vừa yêu cầu các Trường ĐH, khoa thành viên phải dành chỉ tiêu cho phương thức sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực học sinh THPT do ĐH này tổ chức. Trong đó có những ngành xét tuyển tới 50% chỉ tiêu. ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến sẽ tổ chức các đợt thi đánh giá năng lực vào năm 2023 từ tháng 3 đến tháng 6 với quy mô khoảng 100.000 lượt thi tại 8 tỉnh thành. Thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến từ tháng 2/2023.

Các phương thức tuyển sinh của ĐH Quốc gia Hà Nội năm nay giữ ổn định như năm trước gồm: xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và dự bị ĐH, người nước ngoài xét tuyển theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, quy định đặc thù và các quy định liên quan của ĐH Quốc gia Hà Nội; Xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do ĐH Quốc gia Hà Nội quy định; xét kết quả thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức đạt tối thiểu 80/150 điểm trở lên.

PGS.TS Vũ Duy Hải - Phó trưởng phòng tuyển sinh ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay từ năm 2023 lần đầu tiên bài thi đánh giá tư duy của trường này sẽ diễn ra theo hình thức trắc nghiệm trên máy tính trong thời gian một buổi. Theo đó, kỳ thi sẽ tổ chức ba đợt: đợt 1 vào tháng 5/2023 tại Hà Nội, đợt 2 vào tháng 6/2023 tại Hà Nội và đợt 3 vào tháng 7/2023 tại một số địa điểm như Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, Đà Nẵng, Tuyên Quang, Thái Nguyên... Năm 2022, có 21 trường ĐH đã sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy này để xét tuyển sinh.

Thí sinh nên cân nhắc để lựa chọn kỳ thi phù hợp với mục tiêu xét tuyển ĐH

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho biết dự kiến năm nay thí sinh bắt đầu đăng ký xét tuyển vào tháng 7. Tuy nhiên thời điểm này, nhiều cơ sở giáo dục ĐH đã thông báo nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển năm 2023 theo các phương thức xét tuyển sớm như xét học bạ THPT, điểm thi đánh giá năng lực, tuyển sinh riêng, ưu tiên xét tuyển... Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT khuyến cáo kết quả chỉ được công nhận chính thức sau khi thí sinh đủ điều kiện tốt nghiệp THPT. Nếu không cần thiết thì các trường không cần xét tuyển sớm, vì cuối cùng tất cả thí sinh đều đăng ký vào hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của bộ.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - GĐ Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay, bài thi được xây dựng theo hướng đánh giá các năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, năng lực ngôn ngữ tiếng Việt, lập luận, tư duy logic, tính toán, xử lý dữ liệu và năng lực tìm hiểu, ứng dụng khoa học.

Như vậy, hầu như không đánh giá khả năng học thuộc lòng của thí sinh. Độ khó của các câu hỏi trong đề thi tăng dần từ cấp độ 1 đến cấp độ 3; trong đó, 20% câu hỏi cấp độ 1, có 60% cấp độ 2 và 20% cấp độ 3. Đề thi sẽ có khoảng 70% kiến thức chương trình lớp 12, còn lại là kiến thức lớp 10 và 11. Điểm bài thi được chấm tự động bằng phần mềm và hiển thị trên máy tính sau khi thí sinh kết thúc bài làm hoặc hết thời gian thi. Thí sinh cũng lưu ý ĐH Quốc gia Hà Nội không tiến hành chấm phúc khảo bài thi, bởi mỗi thí sinh thi một đề thi khác nhau, nếu phúc khảo phải rà soát lại hơn 10.000 câu hỏi trong ngân hàng đề thi. Các nước trên thế giới cũng không phúc khảo đối với các kỳ thi trên máy tính.

Với nhiều kỳ thi, đợt thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy được tổ chức trong năm 2023, ông Nguyễn Tiến Thảo khuyên thí sinh nên cân nhắc để lựa chọn kỳ thi phù hợp với mục tiêu xét tuyển ĐH của mình. Năm nay, ĐH Quốc gia Hà Nội khống chế mỗi thí sinh chỉ được đăng ký thi tối đa 2 lượt/năm, mỗi lần thi cách nhau tối thiểu 28 ngày. Việc giới hạn số lượt dự thi xuất phát từ thực tế năm 2022 với hơn 20.000 lượt thí sinh dự thi từ 2 lần trở lên nhưng điểm bài thi không thay đổi, gây lãng phí xã hội, đồng thời ảnh hưởng đến các thí sinh khác có nhu cầu. Kỳ thi của ĐH Quốc gia Hà Nội được sử dụng để xét tuyển vào khoảng 60 trường ĐH cả nước.

Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP HCM được khoảng 86 trường ĐH trên cả nước sử dụng xét tuyển. Theo ông Nguyễn Quốc Chính - GĐ Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP HCM, năm nay, kỳ thi sẽ mở rộng thêm 4 địa điểm tại các tỉnh Lâm Đồng, Tiền Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long, nâng tổng số địa điểm thi lên 21 tỉnh, thành. Với đợt thi đầu tiên vào ngày 26/3. Đợt 2 tổ chức thi vào ngày 28/5, thí sinh bắt đầu đăng ký từ 5/4 đến ngày 28/4.
Tuyển sinh Đại học năm 2023: Các mốc thời gian thí sinh cần lưu ý
Lịch thi đánh giá tuyển sinh năm 2023 dự kiến của khối ngành Công an
Lưu ý quan trọng về định hướng đề thi tốt nghiệp THPT 2023

Thái Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.