Hà Nội: Thị trường bán lẻ và dịch vụ khởi sắc

Sau một thời gian trầm lắng, từ cuối tháng 2 đến nay, tại các cửa hàng, trung tâm thương mại thị trường ấm dần. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 2 tháng đầu năm đạt 122,452 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3% (cùng kỳ tăng 9,9%). Kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt khá cao so với cùng kỳ, đảm bảo cân đối chi ngân sách...
Thị trường bán lẻ và dịch vụ ở Hà Nội sôi động trở lại
Thị trường bán lẻ và dịch vụ ở Hà Nội sôi động trở lại

Thương mại- dịch vụ tiếp tục tăng trưởng

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Hà Nội thực hiện 2 tháng đầu năm 108.761 tỷ đồng, đạt 30,8% dự toán. Chi ngân sách địa phương thực hiện 2 tháng đầu năm là 10.879 tỷ đồng, đạt 10,4% dự toán, bằng 114,2% so với cùng kỳ.

Phó GĐ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Văn Quân cho biết, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt khá cao so với cùng kỳ; đảm bảo cân đối chi ngân sách. Trong đó kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tháng 2 đạt 1.247 triệu USD, tăng 17,2% so với tháng 2/2022 (cùng kỳ tăng 53%). Lũy kế 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 2.301 triệu USD, giảm 4,8% (cùng kỳ tăng 30,9%). Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tháng 2 đạt 3.097 triệu USD, tăng 13,2% so với tháng 2/2022 (cùng kỳ tăng 37,8%). Lũy kế 2 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu đạt 5.751 triệu USD, tăng 0,1% (cùng kỳ tăng 23%).

Trong 2 tháng đầu năm trên địa bàn Thủ đô là mùa lễ hội nên tín hiệu đáng mừng cho ngành thương mại - Dịch vụ và du lịch sẽ gặt hái được nhiều thành tựu kinh tế. Thương mại - Dịch vụ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 đạt 59,490 nghìn tỷ đồng, tăng 16,8% so với tháng 2/2022 (cùng kỳ tăng 11,1%). Lũy kế 2 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 122,452 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3% (cùng kỳ tăng 9,9%).

Ngành du lịch phục hồi mạnh. Trong tháng 2/2023, Thủ đô Hà Nội đón 1,98 triệu lượt khách, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ 2022, tăng 13% so với tháng 1-2023. Thu từ du lịch được 7.000 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt trên 283.000 lượt khách, khách du lịch nội địa ước đạt 1,7 triệu lượt khách, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2022, khách du lịch nội địa đạt 130 nghìn lượt khách, tăng 39%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Như vậy, trong 2 tháng đầu năm 2023, ngành Du lịch Hà Nội đã đón 3,73 triệu lượt khách, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 535.000 lượt khách; khách du lịch nội địa ước đạt 3,2 triệu lượt khách, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Về chiến lược phát triển du lịch Hà Nội, Phó GĐ Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết: Hà Nội đặc biệt chú ý đến phát triển du lịch các vùng ngoại thành. Sở Du lịch Hà Nội đang khuyến khích, chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch nông thôn. Bên cạnh đó, những dòng sản phẩm “độc, lạ” trong đó có du lịch thể thao, cắm trại, trải nghiệm trên sông cũng sẽ là những sản phẩm thế mạnh nhiều tiềm năng của vùng ngoại ô Hà Nội trong thời gian tới.

Tiềm năng ngành chế biến thực phẩm còn dồi dào

Hà Nội đang là một trong những địa phương có năng lực sản xuất nông nghiệp lớn tại khu vực phía Bắc, tuy nhiên Hà Nội vẫn chưa thể tự chủ được nguồn cung thực phẩm chế biến. Bên cạnh đó dân số trẻ, đa phần có nhu cầu sử dụng thực phẩm chế biến ngày càng nhiều.

Với năng lực bảo quản và chế biến hiện nay trung bình mỗi tháng, Hà Nội chỉ sản xuất được khoảng hơn 1.000 tấn thực phẩm chế biến. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng trong một tháng của gần 11 triệu người dân đang sinh sống tại Thủ đô vào khoảng 5.350 tấn. Điều này đồng nghĩa, nguồn cung thực phẩm chế biến của Hà Nội mới đáp ứng được gần 20% tổng nhu cầu hàng tháng. Thị trường đồ ăn sẵn ở Thủ đô còn nhiều tiềm năng phát triển.

Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm chế biến về lâu dài, đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội kiến nghị, UBND TP tiếp tục quan tâm, kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện cho các DN lớn tham gia xây dựng hạ tầng khu sản xuất, dịch vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt là đầu tư nâng cấp, xây dựng mới những nhà máy giết mổ, sơ chế, chế biến theo hướng hiện đại nhằm nâng cao chất lượng thực phẩm; tiến tới từng bước tự chủ nguồn cung nông sản chế biến.

Một nhiệm vụ quan trọng của TP là tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển DN và thu hút đầu tư. Trong tháng 2 có 2.045 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 23.482 tỷ đồng (tăng 48% về số lượng DN và giảm 17% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước). Lũy kế 2 tháng đầu năm, có 3.691 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 38.218 tỷ đồng (tăng 2% về số lượng DN và giảm 39% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước). Tổng số DN đăng ký trên địa bàn TP hiện có 353.704 DN.

Trong tháng 2, TP thu hút 14,37 triệu USD vốn FDI. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2023, thu hút 36,7 triệu USD, trong đó: 39 dự án mới với tổng vốn đầu tư 10,9 triệu USD; 12 lượt tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm 16,5 triệu USD và 41 lượt góp vốn với số vốn góp 9,3 triệu USD.
Kinh tế Hà Nội hứa hẹn nhiều điểm khởi sắc
Thị trường bán lẻ Hà Nội vẫn hút “ông lớn” nước ngoài
Thị trường bán lẻ kỳ vọng khởi sắc

Nguyễn Vũ - Hải Anh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.