Xuất khẩu công nghệ số còn nhiều dư địa

Khi thị trường phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin trong nước ước chỉ đạt khoảng 2 tỷ USD nhưng toàn thế giới là hơn 1.800 tỷ USD. Đây là khoảng trống khổng lồ để các doanh nghiệp và hàng trăm nghìn kỹ sư Việt Nam có thể khai thác thị phần xuất khẩu công nghệ thông tin. Nắm bắt cơ hội trên, 15 doanh nghiệp tại Hà Nội đã ký kết liên minh doanh nghiệp chuyển đổi số xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Xuất khẩu công nghệ số còn nhiều dư địa

Hà Nội liên minh doanh nghiệp công nghệ để xuất khẩu công nghệ.

Mảnh đất xuất khẩu công nghệ số còn nhiều dư địa

Ngành công nghiệp công nghệ số thời gian qua tiếp tục là một điểm sáng của kinh tế Việt Nam với doanh thu tăng trưởng hơn 10% hàng năm. Cho thấy thị trường công nghệ số thế giới còn nhiều dư địa cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam biết “mở cõi”, bước ra phục vụ thị trường nước ngoài. Khi thị trường phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin trong nước ước chỉ khoảng 2 tỷ USD nhưng toàn thế giới là hơn 1.800 tỷ USD. Đây là khoảng không khổng lồ để các doanh nghiệp và hàng trăm nghìn kỹ sư Việt Nam có thể khai thác...

Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, nhu cầu chuyển đổi số đang ngày càng tăng trên toàn cầu, thị trường quốc tế còn rất nhiều dư địa cho Việt Nam. Mục tiêu xuất khẩu công nghiệp công nghệ số năm 2023 sẽ đạt 137 tỷ USD.

Định hướng phát triển ngành Thông tin và Truyền thông giai đoạn 2024 - 2025, tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp công nghệ số vào GDP trong 3 năm tới sẽ ở mức từ 6 - 6,5% mỗi năm

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT, 2 tháng đầu năm 2023, doanh thu cũng đã đạt hơn 20 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu hiện đang chiếm một tỷ trọng đáng kể với hơn 90%. Năm 2022 ước đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng 8,7% so với năm 2021. Doanh thu thị trường phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam trong năm 2022 đạt 1,977 tỷ USD (khoảng 46.500 tỷ đồng).

Hiện, Việt Nam có hơn 40.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin với 550.000 kỹ sư. Trong số này, khoảng 1.400 doanh nghiệp công nghệ số có sản phẩm vươn ra thị trường nước ngoài. Tổng doanh thu tại thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin mới chỉ đạt hơn 2,2 tỷ USD.

Những robot "Make in Vietnam" đang được cung cấp cho 30.000 doanh nghiệp tại 20 quốc gia như Nhật Bản, Đức và Trung Đông, giúp gia tăng năng suất 30%. Tăng trưởng thị trường của các robot trong những năm qua luôn duy trì hơn 20%.

Đặc biệt, năm 2022 lần đầu tiên doanh thu giải pháp, dịch vụ phần mềm của một doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ công nghệ số tại nước ngoài đạt hơn 1 tỷ USD. Vì vậy mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nêu nhiều giải pháp để tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu công nghệ số cho doanh nghiệp Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Xuất khẩu công nghệ cần tính đến, thứ nhất là thị trường nhân lực công nghệ thông tin còn thiếu như Nhật Bản. Thứ hai, thị trường các big tech global không đủ điều kiện phục vụ và lan tỏa. Những thị trường đó còn rất nhiều, khoảng 60 - 70% các nước. Chẳng hạn Australia, thị trường công nghệ thông tin khoảng 13 tỷ USD, nhưng chỉ có gần 100.000 nhân lực tại Australia phục vụ thị trường này. Đây là thị trường rất tiềm năng.

Bên cạnh việc chọn các thị trường phù hợp với mô hình và năng lực, theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt cần gia tăng tỷ lệ làm chủ công nghệ lõi để có được những hợp tác giá trị cao hơn.

Ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng Giám đốc FPT cho hay: Tỷ lệ gia công phần mềm đúng nghĩa giảm từ 90% xuống còn dưới 40%, cái đó đóng góp vào tốc độ tăng trưởng chung của thị trường toàn cầu gần 40%/năm. Có những thị trường như Mỹ, chúng tôi đã tăng trưởng 60%/năm. Bằng việc phát triển, làm chủ các sản phẩm "Make in Việt Nam", doanh số xuất khẩu của tập đoàn năm 2023 hiện đã vượt 1 tỷ USD.

Thúc đẩy xuất khẩu công nghệ số

Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, mang sản phẩm dịch vụ số "Make in Vietnam" đi ra thế giới, giải các bài toán về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của các nước, trở thành các tập đoàn, doanh nghiệp số toàn cầu.

Mới đây, 15 doanh nghiệp tại Hà Nội đã ký kết liên minh doanh nghiệp chuyển đổi số thị trường Nhật Bản - JDXP. Mục tiêu của liên minh là xuất khẩu 3 tỷ Yen ngay trong năm nay.

Ông Phạm Văn Tuần - Giám đốc Công ty TNHH Kỹ sư Công nghệ cao Việt Nam, Thành viên liên minh JDXP cho biết: Khi thành lập, chúng tôi sử dụng chung nguồn lực, tiết kiệm được nguồn lực, tiết kiệm được chi phí. Khách hàng của mỗi công ty trở thành khác hàng chung của group. Sự tín nhiệm của các hiệp hội tăng lên và vì vậy lượng việc cũng nhiều hơn.

Ngay sau khi thành lập liên minh, nhóm các doanh nghiệp chuyển đổi số thị trường Nhật Bản đã thu hút được sự quan tâm của khách hàng. Ông Yoshida, lãnh đạo một tập đoàn giải pháp công nghệ trong lĩnh vực giáo dục, y tế của Nhật Bản đã trực tiếp tới Việt Nam để đề xuất hợp tác với nhóm.

Ông Masataka Yoshida - Giám đốc điều hành Tập đoàn HONKI (Nhật Bản) chia sẻ: Hiện tại thì ở Nhật Bản chúng tôi, nhu cầu sử dụng các công nghệ số cũng lớn nhưng lại đang rất thiếu nguồn nhân lực. Vì thế tôi tìm đến nhóm các doanh nghiệp Việt Nam để hợp tác với họ giải quyết bài toán này. Khi hợp tác với nhóm nàyn, bản thân khách hàng hiểu rằng họ sẽ có được sự hậu thuẫn về chuyên môn cũng như nhân sự của 15 công ty thành viên, cũng như khi họ làm việc với JDXP và uy tín cũng không chỉ của một công ty mà là của cả 15 thành viên, của tổ chức. Đây là chuyến hợp tác thành công của chúng tôi.

Đánh giá về năng lực và triển vọng phát triển của các kỹ sư công nghệ của nước ta ra thị trường thế giới, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định: Các doanh nghiệp và kỹ sư Việt Nam hoàn toàn có cơ hội lớn bởi tổng doanh thu thị trường phần mềm và dịch cụ công nghệ thông tin của toàn bộ các BigTech mới chỉ chiếm khoảng 30% (hơn 530 tỷ USD), mới đáp ứng được một phần nhu cầu thị trường. Khoảng 70% thị phần còn lại của thị trường toàn cầu (hơn 1.270 tỷ USD) đang bỏ ngỏ, mặc dù cũng đang có nhiều doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin hàng đầu thế giới khác của các nước cùng tham gia cung cấp, khai thác như Accenture, Capgemino, Infosys, TCS, IBM… nhưng tổng thị phần tối đa cũng chỉ đạt 220 tỷ USD.

Như vậy, thị trường vẫn còn hơn 1.000 tỷ USD dành cho các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ phần mềm và hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin như ITO, BPO, coding, quản trị hệ thống và nhiều dịch vụ IT khác… Đây cũng là mảng mà một số doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam khai thác nhiều năm nay.

Đẩy mạnh giao thương để nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc
Kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu
Làm gì để giữ và phát triển mốc 10 tỷ USD/tháng kim ngạch xuất nhập khẩu với Trung Quốc?

Nguyễn Vũ

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.