Nhóm lừa đảo bằng hình thức đổi ngoại tệ đối mặt với mức phạt nào?

Nhóm nam thanh niên “vô công rỗi nghề” không chịu kiếm việc làm tử tế mà lại bàn bạc nhau lên kế hoạch để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của một phụ nữ. Pháp luật sẽ nghiêm trị các đối tượng này với mức phạt như thế nào?
Các đối tượng không có việc làm ổn định, cần tiền tiêu xài đã nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Các đối tượng không có việc làm ổn định, cần tiền tiêu xài đã nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Nhóm thanh niên với kế hoạch lừa tiền của người phụ nữ

CA quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với nhóm đối tượng lừa đảo dưới hình thức thu đổi ngoại tệ. Theo đó, các đối tượng trong vụ án gồm Hoàng Tiến Dũng (SN 1987, trú tại huyện Đông Anh, Hà Nội), Phan Hà Hải (SN 1995, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội); Vũ Văn Việt (SN 1992, trú tại huyện Kiến Xương, Thái Bình); Trần Minh Hải (SN 1997, trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội).

Các đối tượng này đã bị tạm giữ hình sự để tiếp tục điều tra làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với chiêu thức thu đổi ngoại tệ. Bên cạnh việc tạm giữ hình sự các đối tượng trên, Cơ quan điều tra đang tổ chức truy bắt các đối tượng bỏ trốn gồm Nguyễn Minh Nghĩa (SN 1992, trú tại huyện Yên Thế, Bắc Giang) và Doãn Tiến Mạnh (SN 1992, trú tại huyện Ba Vì, Hà Nội).

Trước đó, khoảng 16h ngày 1/3/2023, CA quận Tây Hồ, Hà Nội nhận được đơn trình báo của chị N.T.T (SN 1989, trú tại Lạng Sơn) về việc chị T bị một nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức giả là khách hàng cần thu đổi và thanh toán đồng Nhân dân tệ. Sau khi nhận được tin báo, CA quận Tây Hồ đã khẩn trương tổ chức xác minh, điều tra làm rõ sự việc. Khoảng 19h cùng ngày (1/3), bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng đã xác định được danh tính, đồng thời nhanh chóng đưa các đối tượng trên đến trụ sở để làm rõ.

Tại cơ quan CA, các đối tượng đã thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội. Theo đó, do các đối tượng không có việc làm ổn định, cần tiền tiêu xài nên đã nảy sinh ý định giả làm khách hàng cần thanh toán tiền mua hàng hoá tại Trung Quốc bằng đồng Nhân dân tệ. Sau khi bàn bạc thống nhất, các đối tượng đã đến gặp chị N.T.T để nhờ chị T chuyển tiền Nhân dân tệ vào tài khoản tại ngân hàng Trung Quốc do các đối tượng chỉ định. Tuy nhiên, sau khi chị T chuyển tiền theo yêu cầu, các đối tượng lấy lý do tài khoản ngân hàng Trung Quốc chưa nhận được tiền nên không trả tiền mặt cho chị T rồi bỏ trốn, chiếm đoạt số tiền 430.000.000 đồng của bị hại.

Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ phải nhận hình phạt thích đáng

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Tạ Văn Phú, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định rõ về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nêu trên được chia làm 4 khung hình phạt.

Tại Khung 1, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm bao gồm Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; Tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

Tại Khung 2, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; Tái phạm nguy hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt.

Tại Khung 3, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:C hiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

Tại Khung 4, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp. Hình phạt bổ sung cho các trường hợp trên bao gồm việc người phạt tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Quay trở lại trường hợp nêu trên, chiếu theo các khoản trong Điều 174, việc các đối tượng gây ra vụ trộm trị giá gần 500.000.000 có căn cử để xử phạt hành chính theo khung 3. Các đối tượng có thể đối mặt với hình phạt từ 7 cho đến 15 năm tù, đồng thời có thể bị phạt tiền bổ sung từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Khởi tố nhóm đối tượng mạo danh Bệnh viện Mắt Trung ương để lừa người cao tuổi
Phát hiện nhóm đối tượng sản xuất khoảng 100 tấn sách giả ở ngoại thành Hà Nội
Nhóm đối tượng lừa đảo hàng trăm triệu bằng hình thức đổi ngoại tệ

Duy Minh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.