Bộ Tài chính đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe

Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi. Nội dung gây chú ý nhất là đề xuất tiếp tục tăng thuế đối với rượu bia và bổ sung nhiều mặt hàng như đồ uống có đường, thức uống đại mạch, nước giải khát không cồn... vào diện chịu thuế. Tuy nhiên, việc áp thuế đối với các sản phẩm này đang được các bên liên quan đưa ra ý kiến khác nhau.
Dù đã tăng thuế TTĐB với rượu bia lên mức 65% nhưng thời gian qua tình hình sử dụng rượu bia ở Việt Nam vẫn cao
Dù đã tăng thuế TTĐB với rượu bia lên mức 65% nhưng thời gian qua tình hình sử dụng rượu bia ở Việt Nam vẫn cao

Sử dụng rượu bia ở Việt Nam vẫn cao

Theo Bộ Tài chính, dù đã tăng thuế TTĐB với rượu bia lên mức 65% nhưng thời gian qua tình hình sử dụng rượu bia ở Việt Nam vẫn cao và có xu hướng tăng nhanh. Ví dụ năm 2019, lượng bia tiêu thụ bình quân là 47,6 lít/người, bằng 1,2 lần so với 4 năm trước đó. Mặt khác, Bộ Tài chính dẫn số liệu từ Bộ Y tế cho biết, mức điều chỉnh tăng thuế TTĐB với rượu bia chưa đủ mạnh để tác động đến giảm tiêu dùng.

Cụ thể là năm 2016, sau khi tăng thuế TTĐB, tổng sản lượng tiêu thụ bia vẫn tăng 3,6%. Chưa kể, giá rượu bia của Việt Nam hiện rất rẻ và sức mua tăng mạnh. Theo tính toán của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thuế rượu bia mới chiếm khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi ở nhiều nước tỉ lệ thuế chiếm 40%-85% giá bán lẻ. Với mức tăng thuế để giá tăng 10% sẽ làm giảm khoảng 5% tiêu thụ rượu bia.

Bộ Tài chính cũng dẫn số liệu kết quả điều tra dinh dưỡng giai đoạn 2000 - 2010 và 2010 - 2020 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia để đưa ra luận cứ áp thuế. Cụ thể, tỷ lệ thừa cân, béo phì của trẻ em Việt Nam tăng lên nhanh chóng ở tất cả lứa tuổi và khu vực, thành thị cũng như nông thôn. Các nước đã dần áp thuế TTĐB với đồ uống có đường. Năm 2012 mới chỉ có khoảng 15 quốc gia, đến 2021 có ít nhất 50 nước thu sắc thuế trên. Trong khu vực có 6 nước gồm: Thái Lan, Philippines, Malaysia, Lào, Campuchia, Myanmar áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt.

Theo luật sư Lê Thị Nhung, GĐ Cty Lee và Cộng sự, đây là giải pháp hiệu quả giúp giảm tiêu dùng rượu, bia mang lại nhiều lợi ích khác không chỉ cho người sử dụng, gia đình họ mà còn cho toàn xã hội. Trong bối cảnh hiện nay Việt Nam nằm trong top quốc gia tiêu thụ nhiều bia, rượu nhất thế giới. Rượu bia là sản phẩm có hại cho sức khỏe và gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng về mặt xã hội như tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, mất an ninh trật tự, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Đề xuất này chỉ làm tăng giá sản phẩm, đồng thời có thể định hướng sản xuất, tiêu dùng, sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến DN sản xuất.

Nhiều ý kiến trái chiều

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cũng đưa ra quan điểm, việc đảm bảo nguồn thu thông qua tăng thuế là cần thiết nhưng Nhà nước cần cân nhắc thêm thời điểm phù hợp hơn, nhất là năm 2023 dự báo nhiều thách thức không lường trước được. Cụ thể như tín dụng thắt chặt, lãi suất ngân hàng tăng cao, các chi phí đầu vào đã tăng 15%-30% do nguyên liệu nhập khẩu phụ thuộc vào biến động kinh tế thế giới. Hơn nữa, việc áp thuế TTĐB với sản phẩm này không giúp giảm tình trạng thừa cân béo phì. Dẫn kinh nghiệm tại Anh, nước ngọt có tỷ lệ đường trong sản phẩm càng cao thì chịu thuế càng nhiều. Như đồ uống không đường, hoặc độ đường ít hơn 6% thì thuế suất là 0%...

Ông Việt góp ý, Bộ Tài chính nên tính thuế theo hàm lượng đường, điều này sẽ góp phần xây dựng thói quen, thúc đẩy tiêu dùng có trách nhiệm của người dân. Tăng thuế sẽ đẩy giá tăng ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân, trong khi đó Nhà nước vẫn đang tiếp tục triển khai, gia hạn thêm các gói hỗ trợ. Vì vậy chúng tôi kiến nghị Nhà nước xem xét lộ trình sửa đổi Luật Thuế TTĐB phù hợp hơn, nên từ sau năm 2025.

Cũng bình luận về vấn đề trên, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng, nước ngọt cũng chiếm một tỉ trọng trong chi tiêu hằng ngày của gia đình và trong rổ tính lạm phát của Việt Nam. Nếu tăng thuế TTĐB 10% tất cả đồ uống có đường sẽ tạo mặt bằng giá mới đối với nhiều mặt hàng trong đời sống. Vì vậy, cần đánh giá rõ tiêu thụ nước ngọt có đến mức tạo ra mặt bằng chung về béo phì, tim mạch hay chưa? Nếu thực tế chỉ một vài trường hợp do nghiện hoặc lạm dụng thì chưa thuyết phục để cần hạn chế tiêu dùng thông qua tăng thuế.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội tư vấn Thuế Việt Nam, cho biết, việc bổ sung Thuế TTĐB là cần thiết, nhưng cần phải có sự thảo luận, phối hợp giữa bên liên quan để đưa ra mức thuế phù hợp với từng sản phẩm."Đương nhiên khi đưa vào diện chịu thuế cũng như là tăng thuế suất lên là bao nhiêu thì sản phẩm sẽ ảnh hưởng. Thứ nhất ảnh hưởng đến nhà sản xuất, về giá thành sản xuất của họ. Thứ hai là ảnh hưởng đến nhà phân phối. Thứ ba là ảnh hưởng đến nhà tiêu dùng. Như vậy, mục đích của vốn định lượng tiêu dùng đó không chỉ có thuế mà còn có các biện pháp kiểm soát khác và đôi lúc các biện pháp khác còn tốt hơn". Bà Cúc nhấn mạnh.

Bộ Tài chính cho biết, mục tiêu của dự Luật này nhằm thực hiện chủ trương chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí có hại cho sức khỏe và môi trường. Đồng thời, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Dự kiến, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV vào tháng 5/2024.
Chưa thể bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu
Đề xuất thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.