Đề xuất ngừng sử dụng hóa đơn đối với doanh nghiệp trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên

Cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên; hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên.
Đề xuất ngừng sử dụng hóa đơn đối với doanh nghiệp trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên
Đề xuất ngừng sử dụng hóa đơn đối với doanh nghiệp trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên

Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động, đáp ứng các yêu cầu về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực BHXH.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quá trình thực hiện Luật BHXH năm 2014 bộc lộ những điểm hạn chế, bất cập như: Diện bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng BHXH trên thực tế còn thấp; các quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động, người lao động (NLĐ) trong thực hiện pháp luật về BHXH vẫn còn khoảng trống; quy định về thời gian đóng tối thiểu để hưởng lương hưu chưa phù hợp với thực tế tham gia BHXH và nhu cầu hưởng lương hưu của NLĐ; tính tuân thủ pháp luật về BHXH còn thấp, vẫn còn tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH; một số chế độ BHXH chưa được quy định để tăng sự hấp dẫn của BHXH; mức hỗ trợ của một số chế độ, chính sách còn chưa hấp dẫn; vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc thực hiện pháp luật về BHXH còn có vướng mắc về cả quy định pháp lý và thực tiễn thực hiện; quy định về công nghệ thông tin, công nghệ, phương tiện kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu của thời đại 4.0...

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất xây dựng dự thảo Luật BHXH nhằm giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành, tạo khung pháp lý thông thoáng, linh hoạt hơn trong tham gia, thụ hưởng các quyền lợi về BHXH. Đồng thời, đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động trong quá trình tham gia và thụ hưởng các quyền lợi về BHXH, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng các yêu cầu về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực BHXH.

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) gồm 9 chương và 133 điều (luật hiện hành gồm 9 chương và 125 điều) trên cơ sở kế thừa kết cấu của Luật BHXH hiện hành, nhưng có bổ sung một số chính sách mới. Nổi bật là hai nhóm chính sách hướng tới mục tiêu mở rộng diện bao phủ, tăng thêm quyền lợi cho người tham gia.

Chính sách thứ nhất là xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt thông qua việc bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội và quy định liên kết giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội với tầng BHXH bắt buộc và tầng BHXH tự nguyện.

Đối tượng áp dụng trợ cấp hưu trí xã hội là công dân từ đủ 60 tuổi trở lên và đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định. Điều kiện hưởng là những người từ đủ 80 tuổi trở lên, mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khác, thì sẽ được hưởng trợ cấp xã hội do ngân sách Nhà nước bảo đảm. Như vậy, chính sách này có phần giống với trợ cấp xã hội hằng tháng dành cho người cao tuổi cô đơn hiện nay, nhưng được thiết kế hoàn chỉnh hơn để có tính liên kết với các chính sách BHXH khác.

Các chế độ trợ cấp hưu trí xã hội gồm khoản tiền 500.000 đồng/người/tháng; được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Khi không may qua đời, đối tượng hưởng trợ cấp hưu trí xã hội được trợ cấp mai táng phí, mức 10 triệu đồng/người.

Tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Ban soạn thảo đề xuất Chính phủ quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ, phấn đấu đến năm 2030, nước ta có khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu có khoản tiền lương hưu, trợ cấp hằng tháng.

Chính sách thứ 2 là mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH. Trong đó, bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt. BHXH tự nguyện được đề xuất bổ sung một số chế độ thai sản với mức 2 triệu đồng/lần sinh con…

Tăng cường các biện pháp xử lý trốn đóng BHXH

Ngoài những chính sách nêu trên, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng BHXH. Với nhóm chính sách này, những hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, nhất là hành vi trốn đóng, chậm đóng, nợ đóng, trục lợi BHXH sẽ bị xử lý nghiêm.

Các biện pháp đề xuất để xử lý trốn đóng BHXH đó là, người sử dụng lao động phải nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên tổng số tiền trốn đóng (tương tự như tiền chậm nộp thuế hiện nay). Cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên; hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên.

Ngoài ra, Công đoàn và cơ quan BHXH có thẩm quyền khởi kiện vụ việc về BHXH ra Tòa án. Nếu có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự, cơ quan BHXH sẽ kiến nghị khởi tố theo quy định…

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cũng bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây ra thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Với nhóm chính sách này, Ban soạn thảo dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về tiền lương đóng BHXH, chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất…

Nhóm chính sách thứ 5 được đề xuất sửa đổi, bổ sung là đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả. Các điểm mới của chính sách đều hướng tới mục tiêu nhất quán là xây dựng chế độ BHXH theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tổng số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội của các cơ quan, đơn vị bình quân giai đoạn 2016-2020 là khoảng 10.000 tỷ đồng. Xét theo thời gian chậm đóng bảo hiểm xã hội, các cơ quan, đơn vị chậm đóng kéo dài trên 3 năm hiện chiếm tỉ trọng cao, bình quân giai đoạn 2016-2020 là trên 30%. Đặc biệt, số tiền chậm đóng BHXH khó có khả năng thu hồi có xu hướng tăng nhanh, từ 1.562 tỷ đồng năm 2016 tăng lên đến khoảng 2.600 tỷ đồng năm 2020.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, phần lớn các doanh nghiệp phá sản, chấm dứt hoạt động thời gian qua khi thanh lý tài sản không thu hồi được hoặc thu hồi được rất ít so với các khoản tiền chậm đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp. Như vậy, người lao động không được ghi nhận đối với khoảng thời gian doanh nghiệp bị chậm đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp dẫn đến quyền lợi của họ bị ảnh hưởng.

Đề xuất phương án tháo gỡ khó khăn cho người lao động trong doanh nghiệp nợ BHXH
Đề xuất 9 nhóm đối tượng được tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng từ 1/7/2023
Đề xuất tăng mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng

Phú An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.