“Dở khóc dở cười” chuyện phạt nồng độ cồn

Lực lượng CSGT đang tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý tài xế có chất ma túy, nồng độ cồn. Xử phạt mang tính răn đe là một phần, quan trọng là để họ hiểu sự nguy hiểm và không còn tái phạm. Tuy nhiên, trong quá trình làm nhiệm vụ, lực lượng chức năng gặp không ít trường hợp “cười ra nước mắt”.
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Những tình huống “khó đỡ”

Suốt thời gian vừa qua, câu chuyện nóng bỏng nhất được nhiều người nhắc đến là sự xuất hiện những chốt kiểm tra nồng độ cồn trên các tuyến đường. Mức tiền phạt tăng cao thực sự đủ sức răn đe những ai xem thường tính mạng bản thân và tính mạng người khác. Sau chầu chén chú chén anh, người điều khiển xe gắn máy có thể bị phạt lên tới 8 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 22 tháng, người điều khiển xe ô tô có thể bị phạt tới 40 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 24 tháng.

Hiệu quả tức thì của việc xử lý ma men cầm lái là các quán nhậu khuyến mại dịch vụ độc đáo: “Chúng tôi có đội ngũ nhân viên đưa bạn về tận nhà... Bạn hãy an tâm vui chơi cùng gia đình và bạn bè... Sự an tâm của bạn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi". Một bối cảnh dở khóc dở mếu của các chủ nhân nhà hàng lo ngại là nếu lực lượng chức năng đóng chốt kiểm tra nồng độ cồn đối diện hoặc gần vị trí kinh doanh của họ, không khác gì ép họ phải đóng cửa.

Đã có nhiều câu chuyện cười ra nước mắt khi xử lý nồng độ cồn được lực lượng chức năng ghi nhận khi làm nhiệm vụ. Điển hình như mới đây, có trường hợp vi phạm nồng độ cồn đến mức kịch khung xử phạt là ông N.P.D., ở quận 6, TP HCM. Ông D. bị CSGT yêu cầu dừng phương tiện để kiểm tra hành chính, đo nồng độ cồn khi vừa ra khỏi quán.

Kết quả đo nồng độ cồn của người đàn ông này hiển thị 0,532mg/l khí thở. Mặc dù hơi thở nồng nặc mùi bia, rượu nhưng ông D. vẫn khẳng định chưa uống. Sau đó, ông D. trần tình "nguyên nhân lạ" khiến cơ thể "có nồng độ cồn" là do ăn hải sản và hoa quả lên men. CSGT phải nhờ người làm chứng quá trình lập biên bản xử lý và niêm phong xe máy của ông D. mang về trụ sở.

Ai cũng ủng hộ xử phạt nghiêm khắc ma men cầm lái. Tuy nhiên, có một điều vẫn tồn tại băn khoăn, nồng độ cồn thấp ở mức 0-0,24 mg/lít khí thở, liệu có dấu hiệu của yếu tố ngoài bia rượu? Một thống kê của Cục CSGT trong quá trình xử lý tài xế có sử dụng rượu bia vài năm gần đây, dưới 2,5% số người lái ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức thấp (dưới 0,25 mg/ lít khí thở) và chưa có trường hợp nào bị xử phạt.

Đại diện Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia, cho biết hiện nay vẫn chưa có trường hợp nào vì ăn trái cây hoặc uống siro bị xử phạt vì không có nồng độ cồn trong máu. Người dân nào bị kiểm tra chắc chắn mình bị oan, có thể đề nghị lực lượng chức năng kiểm tra mẫu thử máu.

Xung quanh câu chuyện này, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, sản phẩm trái cây, thuốc ho để lại nồng độ cồn trong cơ thể rất nhỏ. Trên thực tế, có những trường hợp người điều khiển phương tiện ăn trái cây như (vải, sầu riêng...) hoặc uống thuốc ho mà hơi thở có nồng độ cồn thì người vi phạm có thể được trình bày ý kiến.

Tuy nhiên, việc những sản phẩm trái cây hoặc thuốc ho nếu có để lại nồng độ cồn trong cơ thể thường rất nhỏ. Ngoài ra, CSGT khi xử phạt nồng độ cồn còn căn cứ vào các biểu hiện của người vi phạm như tình trạng tâm lý, diễn biến hành vi, lời nói, cử chỉ, sắc mặt và qua hơi thở khi nói chuyện để có căn cứ xử lý vi phạm. Nếu trường hợp chưa rõ ràng qua hơi thở có nồng độ cồn thì có thể yêu cầu CSGT đưa đi xét nghiệm máu sẽ có kết quả chính xác.

“Tài xế không cần quá lo lắng nếu thực sự mình ăn trái cây hoặc sử dụng thuốc ho có nồng độ cồn, bởi sẽ không bị xử lý vi phạm hành chính khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. CSGT sẽ sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để không xử phạt oan người không sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện”, luật sư Thái nêu quan điểm.

Những rắc rối pháp lý

Cũng liên quan đến vấn đề nồng độ cồn, một số bạn đọc thăc mắc hỏi, nếu một người cố tình lách luật bằng việc khi uống rượu, bia xong, người này không điều khiển phương tiện giao thông (ô tô, xe máy, xe đạp, xe đạp điện…) mà cưỡi động vật (ngựa, trâu, bò…) ra đường thì có bị xử phạt không?

Luật sư Thái cho biết, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định việc xử lý hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà cơ thể vượt quá nồng độ cồn. Theo đó, người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô; xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự; máy kéo, xe máy chuyên dùng; xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), xe thô sơ khác... có nồng độ cồn trong máu/hơi thở đều bị xử lý.

Theo quy định đang có hiệu lực pháp luật thì chưa điều chỉnh vấn đề sử dụng động vật để thay thế phương tiện thực hiện hành vi đã nêu trên. Tuy nhiên, luật sư Thái cho rằng, người cưỡi ngựa trên đường có thể bị xử phạt các lỗi điều khiển súc vật đi vào phần đường của xe cơ giới và không đủ dụng cụ đựng chất thải của súc vật hoặc không dọn sạch chất thải của súc vật thải ra đường, hè phố theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

"Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định: Người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, tùy theo hành vi vi phạm sẽ bị xử lý với các mức phạt khác nhau như phạt tiền từ 60 - 200 nghìn đồng. Trường hợp chủ gia súc thả gia súc hoặc dẫn dắt gia súc đi trên đường gây tai nạn giao thông chết người thì chủ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vô ý làm chết người” theo quy định tại Điều 128, BLHS năm 2015, với khung hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm. Phạm tội làm chết 2 người trở lên, thì bị phạt tù từ 3 - 10 năm", luật sư Thái viện dẫn.

Dẹp bỏ được tệ nạn ma men cầm lái sẽ xây dựng được tiền đề cho lối sống lành mạnh. Là chuyên gia trong lĩnh vực an toàn giao thông, TS. Khuất Việt Hùng chia sẻ: “Người Việt Nam có văn hóa hiếu khách, quý bạn nên thường mời chén rượu, cốc bia. Nhiều khi mời cố thành ép uống, có người say quá nên ép người khác uống một cách quá khích. Nhưng người được mời hay người bị ép hoàn toàn có nhiều cách để từ chối. Hơn nữa, bất kỳ ai cũng đủ khả năng chuẩn bị cho mình phương án đi lại trước khi có cuộc nhậu. Những cách thức như vậy vừa an toàn cho người uống, vừa văn minh, lịch sự”.

“Với máy đo nồng độ cồn chuyên dụng, có kiểm định của các cơ quan quản lý, chỉ người nào sử dụng rượu, bia, chất kích thích khi được đo thì máy mới báo nồng độ cồn, còn ăn hoa quả thì khó có thể đo được nồng độ cồn trong khí thở. Trên thực tế xử lý, đơn vị chưa gặp trường hợp nào như vậy. Chúng tôi cũng đã có những hướng dẫn, tập huấn bài bản cho chiến sĩ để giải thích cho người vi phạm cũng như chứng minh bằng nhiều cách để người vi phạm tâm phục khẩu phục”, Trung tá Vũ Mạnh Nam, Đội phó đội CSGT số 7 CA TP Hà Nội cho biết.
“Mạnh tay” xử lý vi phạm nồng độ cồn góp phần định hình nét đẹp trong văn hóa giao thông
Chi tiết các mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông
Cục CSGT lên tiếng việc uống nước hoa quả, siro cũng vi phạm nồng độ cồn
Đã xử lý gần 117.400 trường hợp vi phạm nồng độ cồn sau 2 tháng thực hiện cao điểm
Hà Nội: Tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo về xử lý vi phạm nồng độ cồn
Các “ma men” tự chuốc thêm tội khi có thái độ chống người thi hành công vụ

Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.