2 tháng đầu năm chỉ số xuất siêu đạt 2,82 tỷ USD

2 tháng đầu năm 2023, bức tranh kinh tế cho thấy những gam màu sáng, tín hiệu đáng mừng là xuất siêu đạt 2,82 tỷ USD. Tuy nhiên, vẫn còn đó những thách thức như: 51,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, CPI tăng 4,6%...
2 tháng đầu năm chỉ số xuất siêu đạt 2,82 tỷ USD

Ảnh minh họa.

Theo số liệu Tổng cục Thống kê báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 2 ước tính tăng 5,1% so với tháng trước và tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 2 ước đạt 25,88 tỷ USD, tăng 9,8% so với tháng trước và tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất siêu 2,82 tỷ USD

Tổng cục Thống kê cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 2/2023 ước đạt 25,88 tỷ USD, tăng 9,8% so với tháng trước và tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 49,44 tỷ USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2023, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89,8%.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 2/2023 ước đạt 23,58 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước và giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 46,62 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2023, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,6%.

Trong 2 tháng đầu năm, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 13,1 tỷ USD. Còn Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 14,6 tỷ USD.

Tính chung 2 tháng đầu năm, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 2,82 tỷ USD.

Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch tăng

Liên quan tới hoạt động thương mại, Tổng cục Thống kê cho hay tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 ước đạt 481,8 nghìn tỷ đồng, giảm 6% so với tháng trước và tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 994,2 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 0,9%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,2% (cùng kỳ năm 2022 giảm 1,1%). Mặc dù vậy, quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng hai tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 77,7%

Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 2 đạt 933 nghìn lượt người, tăng 7,1% so với tháng trước và gấp 31,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Khách quốc tế đến Việt Nam tăng nhanh do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, khách quốc tế đến nước ta đạt 1.804,1 nghìn lượt người, gấp 36,6 lần cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chưa bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch COVID-19.

CPI tăng 0,45% so với tháng trước

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2023 tăng 0,45% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng Hai tăng 0,97% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,31%.

Bình quân 2 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022; lạm phát cơ bản tăng 5,08%, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,6%).

Lạm phát cơ bản tháng 2/2023 ở mức nền cao hơn CPI chung nên có mức tăng so với cùng kỳ năm trước cao hơn.

Chỉ số giá vàng tháng 2/2023 tăng 0,92% so với tháng trước; tăng 2,62% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 2 tháng đầu năm 2023, chỉ số giá vàng trong nước tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 2/2023 tăng 0,2% so với tháng trước do nguồn cung bảo đảm; tăng 3,67% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 2 tháng đầu năm 2023, chỉ số giá đô la Mỹ trong nước tăng 3,42% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số toàn ngành công nghiệp tăng 5,1%

Sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm, ước tính tăng 5,1% so với tháng trước và tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Tăng ở 44 địa phương và giảm ở 19 địa phương trên cả nước.

Về tình hình hoạt động doanh nghiệp, Tổng cục Thống kê cho biết trong tháng 2, cả nước có 8.841 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm trước, giảm 73,9% so với tháng trước và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Đáng nói, có 3.802 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 89,1% và tăng 9,7%; có 2.636 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 61,5% và tăng 37,5%; có 1.167 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 42,7% và giảm 5,4%.

Tính chung 2 tháng đầu năm, cả nước có 37,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy bình quân một tháng có gần 19 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 51,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 14,5%, bình quân một tháng có 25,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/2/2023 tăng 0,5% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 1,1% so với cùng thời điểm năm trước.

Trong 8 tháng đầu năm 2022, xuất siêu đạt gần 4 tỷ USD
Nửa đầu tháng 3 Việt Nam xuât siêu 93 triệu USD
Hết tháng 11, kim ngạch xuất nhập khẩu vượt 600 tỷ USD

Nguyễn Vũ

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.