Họa sĩ Trần Nam Long: Phố xưa, hè cũ và những vòm cây

Triển lãm Phố xưa hè cũ khai mạc chiều 2/3 tới đây tại 29 Hàng Bài thuộc về một gương mặt hoàn toàn mới mẻ của làng hội họa: Trần Nam Long.
Họa sĩ Trần Nam Long: Phố xưa, hè cũ và những vòm cây

Trần Nam Long trình diện công chúng bằng những bức chân dung phố được anh vẽ từ năm 2021 trở lại đây. Hi hữu có bức vẽ năm 2019, khi chỉ là một cậu bé 14 tuổi. Phố xưa, hè cũ nhưng hiện hữu trong không - thời gian đương đại. Cái xưa - cũ vì thế càng thế càng gồ lên từng xấp tháng năm.

Hơn 50 tác phẩm bày trong triển lãm có chung một chủ đề Hà Nội. Trong chủ đề Hà Nội, Long lại chọn một góc hẹp hơn nữa là Phố. Trong Phố, anh chọn biệt thự cổ và chung cư cũ, kể câu chuyện của riêng anh.

Đó là câu chuyện của thời gian.

Họa sĩ Trần Nam Long: Phố xưa, hè cũ và những vòm cây
Bên ô cửa - Sơn dầu - 60 x 60cm - 2022 - Họa sĩ Trần Nam Long

Long bị thu hút bởi vật thể thời gian. Có lẽ vậy. Trong mỗi bức “chân dung phố” của mình, Long gẩy gót tỉ mỉ, kỹ lưỡng và kỳ công vào những bức tường loang lổ vôi vữa với những vệt nước ẩm ướt ố hoen, vào những ô cửa sổ khung sắt rỉ vàng và xập xệ bản lề xộc xệch những thanh gỗ chứng nhân đã sống cả đời người, vào những khung chớp kính bị bỏ rơi trong mỗi cuộc dọn nhà ngày Tết nên mờ mịt đi vì bụi. Và những bậc thềm còn nồng mùi nồm ẩm, những ngõ sâu thiếu ánh sáng nhơm nhớp nước phảng phất mùi than tổ ong bị cái nắng yếu ớt cuối đông tò mò rọi đến.

Long không bỏ qua bất kỳ chi tiết nào mang dấu vết thời gian trên gương mặt phố. Những dây phơi quần áo vắt ngang nơi chiếu nghỉ cầu thang, tấm bạt xanh chắn mưa hắt đã nhàu rách, những cục nóng điều hòa trơ trọi ngoài ban công không ai ghé thăm, đường dây điện rối bời từng đám ơ hờ vắt vẻo trên cột treo công tơ đầu ngõ.

Họa sĩ Trần Nam Long: Phố xưa, hè cũ và những vòm cây
Họa sĩ trẻ Trần Nam Long.

Nếu mới xem tranh Long lần đầu, người ta dễ nhầm lẫn rằng anh theo trường phái hiện thực ảnh. Vì Long đi sâu vào đặc tả như một kiến trúc sư dựng phối cảnh với luật xa gần cùng các chi tiết kết cấu, kiến trúc chuẩn xác đến kinh ngạc. Nhưng không phải. Anh vẽ gần với ấn tượng hơn. Như cách anh đặt chiếc lọ hoa vào sau cái khung cửa tầng 2 già nua của căn nhà cổ, đặt chiếc xe đạp vào bức tường tróc vôi cạnh cổng căn biệt thự trên đường Phan Huy Chú. Hay rón rén ngắm hai con chim sẻ đang gõ mỏ xuống bậc cầu thang sứt sẹo, nứt nẻ vì tuổi tác trước một căn nhà vắng vẻ không tên. Và nhất là cách Long đặt nhật trình vào trong những vòm cây.

Những vòm cây của Long luôn có ánh sáng trốn vào nghỉ ngơi. Ánh sáng là thể xác của thời gian. Ánh sáng hiện lên khởi đầu một ngày, ánh sáng chìm xuống kết thúc một ngày, anh sáng trôi và thời gian chảy. Những vòm cây của Trần Nam Long khi thì giấu ánh sáng trong những khóm lá ôm ấp dịu dàng bí ẩn, khi tung hứng nô đùa với ánh sáng trên những chiếc lá cứng cáp khỏe khoắn, khi ve vuốt mơn trớn ánh sáng trên những khía lá vừa độ xuân thì. Nhìn những vòm cây của Long có thể thấy vết trượt của ánh sáng và dấu chân của thời gian buông lại. Ngay cả khi đó chỉ là một bức ký họa bút trắng trên giấy đen, thì ánh sáng vẫn là nhân vật chủ đạo mà anh ưu ái tỉa tót, nắn nót từng đường gẩy.

Họa sĩ Trần Nam Long: Phố xưa, hè cũ và những vòm cây
Phố Ngô Sĩ Liên - Sơn dầu - 90 x 70 cm - 2022 - Họa sĩ Trần Nam Long

Trần Nam Long không qua một trường lớp đào tạo hội họa chuyên nghiệp nào, dù có thầy hướng dẫn. Anh chủ yếu tự học từ nhỏ. 13 tuổi, Trần Nam Long được biết đến ít nhiều nhờ tài năng đặc biệt và sở hữu một nhóm công chúng nhỏ. Ở tuổi 18, có lẽ không nên gọi anh là cậu bé hay họa sĩ nhí nữa.

Cũng không cần thiết phải kể về chuyện anh không nghe được, không nói được, đôi chân không lành lặn và chứng tự kỷ bẩm sinh. Bởi vì, một họa sĩ dù tài danh đến đâu thì người ta cũng sẽ quên đi. Chỉ những tác phẩm của anh ta là sống mãi. Hãy cứ để phố xưa, hè cũ và những vòm cây của Trần Nam Long kể về anh.

Hẳn rằng, khi vẽ, anh chẳng bận tâm tới những khái niệm, những trường phái, những triết lý hay những thanh âm. Nhìn cách Long vẽ và nhìn tranh của anh, ta thấy một sự hồn nhiên của con chim én trong chân ngôn của Cao Huy Thuần: “Một con én chỉ biết đưa thoi, mùa xuân có đến hay không én không đặt vấn đề”.

Vĩnh biệt họa sĩ kháng chiến Lê Lam
Có một "Tiếng vọng/Bản ngã" đậm dấu ấn họa sĩ Nguyễn Sơn
Ấn tượng triển lãm tranh "Hành trình đi..." của 5 họa sĩ tài năng

Huỳnh Hường

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.