Trả lại đúng công năng của vỉa hè

Vỉa hè không chỉ là không gian dành cho người đi bộ mà còn là “bộ mặt” thể hiện trật tự đô thị và trình độ văn minh, phát triển của một thành phố. Giành lại vỉa hè là việc làm khó nhưng không phải là nhiệm vụ “bất khả thi”.
Lực lượng chức năng ra quân, xử lý nghiêm những trường hợp không chấp hành quy định, lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán, kinh doanh
Lực lượng chức năng ra quân, xử lý nghiêm những trường hợp không chấp hành quy định, lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán, kinh doanh.

Vỉa hè, lòng đường bị "tái chiếm như thế nào?

Chưa khi nào câu chuyện lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè tại Hà Nội lại “nóng” như hiện nay. TP Hà Nội đã nhiều lần ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh, trông giữ phương tiện vẫn diễn ra ngang nhiên ở nhiều con đường, tuyến phố. Người đi bộ buộc phải xuống lòng đường tham gia giao thông cùng với ô tô, xe máy.

Tại hầu hết các tuyến phố ở quận Hoàn Kiếm, hàng hóa, xe cộ không chỉ chiếm trọn vỉa hè mà còn tràn xuống lòng đường, vừa gây mất mỹ quan đô thị, vừa gây mất an toàn giao thông. Ông Phạm Tình, một Việt kiều đến phố cổ Hà Nội cho biết: “Phải đi dưới lòng đường, chúng tôi cảm thấy không an toàn, vì xe ô tô và xe máy chạy rất ẩu. Nhiều khi tôi bị giật mình vì tiếng còi xe, thậm chí té ngã. Đi xuống lòng đường, nhiều chỗ mấp mô, có người bạn của tôi đã bị vấp ngã.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội thừa nhận rất khó để có giải pháp cho vấn nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Tuy nhiên, đây là việc phải làm để bảo đảm an toàn cho người đi bộ và mỹ quan đô thị. “Việc giành lại vỉa hè cho người đi bộ nói rằng khó thì muôn vàn sự khó. Nhưng nếu quyết tâm thì chúng ta sẽ làm được”, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh quả quyết.

Còn theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, khi đã ban hành kế hoạch cụ thể, rõ ràng thì khâu tổ chức thực hiện không được "đầu voi, đuôi chuột"; không để lúc ra quân thì rầm rộ, mới thực hiện thì quyết liệt nhưng sau đó thì "chùn bước" để vỉa hè lại tiếp tục bị chiếm dụng. Điều này nếu lặp lại như chiến dịch năm 2017.

Giải pháp căn cơ từ quy hoạch

Nhìn từ góc độ quy hoạch, TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc, Tổng biên tập NXB Giao thông Vận tải - nêu rõ, vỉa hè có 4 chức năng, bao gồm lối đi riêng cho người đi bộ (tối thiểu 1,5 m), chứa đựng hạ tầng và tiện ích đô thị (hệ thống cấp điện, nước, đường cáp quang, trồng cây xanh…), bảo đảm bố trí được vào điểm tiếp cận các công trình giao thông khác (cầu vượt và hầm dành cho người đi bộ) và chức năng không gian công cộng đô thị.

Ông Thủy cho rằng, không chỉ Hà Nội mà nhiều đô thị lớn ở nước ta, khi xây dựng các tuyến phố không tính đến chỗ để xe cho các cửa hàng kinh doanh. Còn những tuyến đường mới mở do thiếu đồng bộ trong việc nghiên cứu quy hoạch, thiết kế đô thị và quản lý xây dựng nên đường vẫn chưa đủ rộng theo quy định.

Vị chuyên gia này cho biết, Hà Nội cần tính toán được những nhu cầu về số lượng phương tiện tham gia giao thông cần dừng đỗ, mật độ người đi bộ trên từng tuyến phố nhằm phân tích và xây dựng quy hoạch cho khu vực đỗ xe, khu vực bán hàng mà không ảnh hưởng đến không gian đi bộ.

Để những phân tích chính xác, sát thực tế, theo ông Thủy, phải có đầy đủ dữ liệu như dân số, khách du lịch, số người tham gia giao thông, số phương tiện giao thông… ở hiện tại và dự đoán trong tương lai (ít nhất trong 10 - 15 năm).

Từ thực tế, có ý kiến cho rằng, thay vì cấm, Hà Nội cũng như nhiều đô thị khác có thể cân nhắc việc cho thuê vỉa hè để kinh doanh, khoán quản cho từng phường, quận. Như vậy sẽ tạo nên một nề nếp cố định, dễ quản lý và ngăn ngừa vi phạm hơn rất nhiều, bởi chính những người được cho thuê vỉa hè sẽ trở thành nhân tố tiên phong, tích cực nhất giữ gìn trật tự.

Phải chăng đây cũng là một lời giải cho bài toán trật tự, văn minh đô thị, hơn nữa còn là một cơ hội đối với tầng lớp thị dân còn nghèo hoặc chưa có nghề nghiệp ổn định(?). Trước mắt, người dân Hà Nội đang tiếp tục kỳ vọng, năm 2023 sẽ là năm dấu ấn, công tác giữ gìn trật tự, văn minh đô thị, an toàn giao thông sẽ đạt được hiệu quả cao như nhiều chiến dịch nổi bật được lực lượng chức năng thực thi trong năm 2022.

Khó khăn là vậy, nhưng nếu các cơ quan chức năng xử lý khéo léo, có biện pháp giải quyết thật sự hài hòa, giúp người dân ổn định kinh tế thì vỉa hè tin chắc sẽ không còn bị tái lấn chiếm. Sự tác động tương hỗ mang lại từ không gian vỉa hè cũng sẽ khiến bộ mặt Thủ đô khang trang, sạch đẹp.

Theo kế hoạch, từ ngày 1/3, Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội đồng loạt ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn. Các lực lượng tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm theo hình thức "cuốn chiếu" làm từng tuyến phố, từng khu vực, không bỏ sót vi phạm. Lực lượng chức năng kiên quyết cưỡng chế các trường hợp chống đối, lập biên bản vi phạm hành chính thu giữ phương tiện đồ vật vi phạm, tháo dỡ các biển quảng cáo, mái che, mái vẩy vi phạm chiếm dụng hè phố, lòng đường gây mất mỹ quan đô thị theo đúng quy định của pháp luật.
Giải pháp nào để lập lại trật tự vỉa hè nhưng đảm bảo sinh kế của người dân?
Kinh tế vỉa hè gắn với mỹ quan đô thị

Triệu Tâm

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.