80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam: Khởi nguồn và động lực phát triển

Nhằm tiếp tục phát huy giá trị lịch sử, thực tiễn Đề cương về văn hóa Việt Nam, ngày 27/3, Hội thảo khoa học cấp quốc gia "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển" được tổ chức tại Hà Nội và trực tuyến tại 63 tỉnh, TP.
Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo. Ảnh: Tư liệu.
Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo. Ảnh: Tư liệu.

Hội thảo do Bộ VHTT&DL, Ban Tuyên giáo T.Ư, Hội đồng Lý luận T.Ư, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức.

Hội thảo gồm 2 phiên: Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam; Văn hóa, con người Việt Nam - Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Có khoảng 300 đại biểu tham dự trực tiếp, hội thảo có sự có mặt của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo Bộ VHTT&DL, các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể; đại diện lãnh đạo 63 tỉnh, thành; các Viện Nghiên cứu, cơ sở đào tạo; các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học; đại diện các cơ quan báo chí, truyền thông.

Bám sát lý luận, thực tiễn

Năm 1943 “Đề cương về văn hóa Việt Nam” do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo đã đi vào lịch sử như một bản Cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa. Thực tiễn đấu tranh cách mạng và xây dựng nền văn hóa mới ở Việt Nam 80 năm qua đã cho thấy ý nghĩa và giá trị mang tầm thời đại của văn kiện này.

Với Đề cương về văn hóa Việt Nam, lần đầu tiên Đảng ta đã trình bày rõ ràng những quan điểm cơ bản của mình về văn hóa; về vị trí của văn hóa trong tiến trình cách mạng giải phóng dân tộc; về sự tất yếu phải thực hiện cách mạng tư tưởng văn hóa sau khi cách mạng chính trị thành công và định hướng xây dựng một nền văn hóa mới Việt Nam.

Cụ thể, Văn hóa “bao gồm cả tư tưởng, học thuật và nghệ thuật”, thuộc kiến trúc thượng tầng của xã hội; nền tảng kinh tế của một xã hội quyết định toàn bộ văn hóa của xã hội ấy.

Đảng đã xác định văn hóa là một mặt trận đấu tranh cách mạng quan trọng, không thể thiếu trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, và khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với văn hóa và cách mạng văn hóa.

Thức tỉnh và thu hút, tập hợp giới trí thức, văn nghệ sỹ Việt Nam vào sự nghiệp cứu quốc dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng. Huy động sức mạnh văn hóa trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Định hướng xây dựng một nền văn hóa Việt Nam mới dựa trên 3 nguyên tắc: Dân tộc, khoa học, đại chúng. Xác định tính chất của nền văn hóa mới Việt Nam: Dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung.

Tuy rất ngắn gọn trong 1.500 chữ, thế nhưng Đề cương về văn hóa Việt Nam đã thể hiện một cách sâu sắc và dễ hiểu những quan điểm của Đảng về văn hóa và cách mạng văn hóa ở Việt Nam, trên cơ sở những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê nin.

Những quan điểm đó đã có tác dụng soi đường và định hướng tư tưởng, nhận thức, phương châm hoạt động văn hóa cho toàn thể dân tộc qua các thời kỳ lịch sử khác nhau, đóng góp vào thắng lợi chung của cuộc đấu tranh cách mạng ở Việt Nam. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, những ý nghĩa và giá trị của bản "Đề cương về văn hóa Việt Nam" sẽ vẫn tiếp tục được khẳng định và phát huy.

Trên cơ sở đó, Hội thảo sẽ nhìn lại và khẳng định nền tảng lý luận, giá trị, nguyên tắc cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam, từ đó tìm ra những định hướng, giải pháp góp phần khơi dậy khát vọng cống hiến, tạo động lực chấn hưng văn hóa, phát triển toàn diện con người Việt Nam trong bối cảnh mới nhằm hiện thực hóa Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, triển khai có hiệu quả Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và cụ thể hóa lộ trình triển khai Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.

Kế thừa, phát huy giá trị

Trải qua 80 năm, các luận điểm của Đề cương xác định về vai trò, sứ mệnh của văn hóa như nguồn lực nội sinh cho phát triển; sự gắn kết của văn hóa với kinh tế, chính trị, xã hội; ý nghĩa trung tâm của con người trong phát triển văn hóa; và các nguyên tắc vận động của văn hóa đã được chứng minh là những giá trị nền tảng cốt lõi, định hình đường lối và chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

“Đề cương về Văn hóa Việt Nam” năm 1943 trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
“Đề cương về Văn hóa Việt Nam” năm 1943 trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Theo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng: Trước những biến động không ngừng của bối cảnh lịch sử và các yêu cầu phát triển mới liên tục xuất hiện, các luận điểm của Đề cương vẫn còn nguyên giá trị, sức ảnh hưởng của mình và tiếp tục được vận dụng, kế thừa, bổ sung và hoàn thiện trong hệ thống các văn kiện của Đảng về văn hóa.

Quá trình chuyển dịch từ ba nguyên tắc dân tộc, đại chúng, khoa học của nền văn hóa cách mạng cho đến các giá trị tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam trong giai đoạn phát triển đất nước và hội nhập quốc tế cho thấy vị thế và tầm ảnh hưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam như một cương lĩnh khởi nguồn cho việc xác lập và hoàn thiện tư duy lý luận về phát triển văn hóa, phát triển con người ở Việt Nam.

Đơn cử, nguyên tắc “Dân tộc hoá” theo tinh thần của Đề cương là nhằm “chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập” vẫn giữ nguyên giá trị và phát huy tác dụng đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam.

Tuy nhiên, theo GS Từ Thị Loan - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam trong bối cảnh mới, nội hàm của nó cần được hiểu rộng và sâu hơn, đa chiều và đa nghĩa hơn. Cụ thể, bên cạnh việc đề cao dân tộc hóa với ý nghĩa “chống mọi sự nô dịch”, hiện nay dân tộc hóa còn cần phải hiểu là nền văn hóa có khả năng tiếp thu, “Việt hóa” những ảnh hưởng tốt đẹp của văn hóa bên ngoài, bồi bổ, làm giàu và nâng tầm cho văn hóa dân tộc. Đây chính là quá trình tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, biến các giá trị đó thành của mình, qua lăng kính dân tộc mình, có chọn lọc và kiểm nghiệm.

Như vậy, khái niệm này không chỉ “chống” các ảnh hưởng xấu từ bên ngoài, mà còn phải “thu nạp”, “thâu hóa” những ảnh hưởng tốt đẹp, học tập và nâng cao vị thế văn hóa Việt Nam. Sự điều chỉnh, bổ sung này đã được Đảng ta thể hiện rất rõ trong Nghị quyết T.Ư 5 khóa VIII - bản Cương lĩnh thứ hai về văn hóa - trong quan điểm “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và được làm sâu sắc, đầy đủ hơn trong các văn kiện tiếp theo về văn hóa, văn nghệ.

“Đại chúng hóa” theo tinh thần của Đề cương là nhằm “chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng”. Trong bối cảnh hiện nay, nguyên tắc đại chúng hóa và tính chất dân chủ của nền văn hóa vẫn giữ nguyên giá trị cốt lõi. Để tương thích với những điều kiện lịch sử mới, nguyên tắc này cần được bổ sung, phát triển và vận dụng linh hoạt hơn ở nhiều khía cạnh. Trong đó, đại chúng hóa không đơn giản chỉ là phát triển văn hóa đại chúng mà còn khẳng định vai trò chủ thể sáng tạo và vận động phát triển văn hóa thuộc về đông đảo các tầng lớp Nhân dân. Đồng thời, xóa bỏ mọi bất bình đẳng về trình độ, điều kiện hưởng thụ, sự chênh lệch văn hóa giữa các tầng lớp, bộ phận dân cư, dân tộc, vùng miền trong cả nước…

Còn “Khoa học hóa” theo tinh thần của Đề cương là nhằm “chống lại tất cả những gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ”. Cho đến nay, nguyên tắc “khoa học hóa” vẫn giữ nguyên một số giá trị hạt nhân, tuy nhiên, cũng như hai nguyên tắc trên, để phù hợp với điều kiện và bối cảnh mới. “Đơn cử, hoa học hóa hiện nay còn là việc tạo dựng một môi trường nghiên cứu thực sự tự do, dân chủ, cởi mở, là nơi làm khoa học theo đúng nghĩa, chứ không phải nơi làm công tác tư tưởng, làm chính trị” - GS Từ Thị Loan chia sẻ.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông chia sẻ: Tôi mong rằng trong Hội thảo lần này, các nhà quản lý, nhà khoa học, văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa nghệ thuật sẽ có những nghiên cứu mới, bổ sung làm rõ những những giá trị to lớn và tầm ảnh hưởng của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” trong 80 năm qua; đặc biệt là quá trình vận dụng, phát huy giá trị của văn kiện này trong thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa, con người hiện nay.

Trên cơ sở đó, các nhà nghiên cứu và các nhà quản lý văn hóa sẽ cùng nhau trao đổi, đề xuất những giải pháp, những sáng kiến để phát triển, chấn hưng văn hóa Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời gian tới.

Sắp phát sóng phim tài liệu đặc biệt “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam”
Nhiều hoạt động kỷ niệm 80 năm "Đề cương về văn hóa Việt Nam"

Minh An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.