Sửa đổi nghị định về kinh doanh xăng dầu: Nhiều ý kiến đóng góp hoàn thiện

Dự thảo Nghị định mới về quản lý, điều hành giá xăng dầu đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến các bộ, ngành có nhiều điểm mới rất quan trọng và thu hút được sự quan tâm lớn của dư luận.
Sửa đổi nghị định về kinh doanh xăng dầu: Nhiều ý kiến đóng góp hoàn thiện
Đại diện doanh nghiệp phát biểu ý kiến tại hội thảo.

Ngày 14/2, tại Hà Nội, Bộ Công Thương và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội thảo "Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu".

Nên mở rộng nguồn nhập hàng

Góp ý tại Hội thảo, ông Hà Danh Tùng, đại diện Cty TNHH Thương mại vận tải xăng dầu Hà Giang cho rằng: Trước tiên cần phải công nhận "sự tồn tại" của doanh nghiệp (DN) bán lẻ xăng dầu, để từ đó đưa ra các giải pháp giúp các DN bán lẻ có quyền và nghĩa vụ bình đẳng như các thương nhân phân phối nhằm đảm bảo sự công bằng.

Theo ông Tùng, xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, DN có lời hay thua lỗ vẫn phải bán hàng và muốn ngừng bán phải có lý do chính đáng, nếu không sẽ bị phạt. Các DN bán lẻ chỉ được lấy hàng ở một nơi sau khi ký hợp đồng, vì vậy có thể sẽ bị chèn ép và nhà phân phối cho chiết khấu bao nhiêu cũng phải nhận. Bởi vậy, các DN bán lẻ đang bị kẹt và mọi sự cạnh tranh bị triệt tiêu.

Trong khi đó, DN phân phối nhập hàng về để bán buôn song vẫn có các cửa hàng của mình, cạnh tranh với DN bán lẻ. Vậy nên, ông Tùng kiến nghị ban soạn thảo cần ghi nhận lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh định mức trong khâu bán lẻ một cách hợp lý, để đảm bảo không có sự phân biệt đối xử.

Ông Giang Chấn Tây, GĐ Cty Bội Ngọc cho biết, quy định chỉ được lấy hàng 1 thương nhân đầu mối khiến DN bán lẻ ở thế vô cùng khó, vì thực tế thị trường xăng dầu thời gian qua cho thấy nhiều đơn vị bán lẻ không có chiết khấu khiến cửa hàng lỗ liên tiếp, dẫn đến không có tài chính nhập hàng, phải đóng cửa cây xăng. Vì vậy, các DN đề nghị cho DN bán lẻ cũng phải được mua xăng tối thiểu là từ 3 thương nhân đầu mối.

Cùng quan điểm trên, ông Hoàng Trung Dũng, thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn TP Hà Nội cho rằng, nên mở rộng nguồn nhập hàng tối thiểu cho DN bán lẻ xăng dầu từ 3 nơi thay vì một nơi, nhằm tạo nên sự cạnh tranh về giá. Vì nếu thương nhân bán lẻ chỉ lấy hàng từ một đầu mối, mà đầu mối đó chẳng may bị đứt gãy nguồn cung thì sẽ ảnh hưởng đến thị trường xăng dầu, nên nếu linh hoạt mở rộng địa bàn nhập hàng cho đại lý bán lẻ thì thị trường sẽ thông và hoạt động của thị trường xăng dầu sẽ có sự bình ổn.

Dưới góc độ là thương nhân đầu mối, ông Nguyễn Trọng Nam, Ban Chính sách kinh doanh, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex cho rằng, kinh doanh xăng dầu là ngành nghề nhiều thành phần kinh tế tham gia, trong đó thương nhân đầu mối phải có trách nhiệm dự trữ tồn kho trong 20 ngày.

Tuy nhiên, hiện nay trong công thức giá chỉ tính 10 ngày, là biên độ giá quá ngắn nên nếu giá xuống thì lỗ tồn kho rất lớn. Đây chính là lý do khiến thương nhân đầu mối không đủ nguồn lực để chia sẻ lại thù lao chiết khấu cho DN bán lẻ.

“Do đó, tại dự thảo sửa đổi Nghị định kinh doanh xăng dầu, việc thay đổi thời gian điều hành không quan trọng bằng việc phải bao quát được tình trạng giá lỗ do tồn kho”, ông Nam đề xuất. Tức là, tính giá trong 20 ngày.

Áp dụng mệnh lệnh hành chính chỉ là giải pháp tình thế

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định, việc xây dựng dự thảo là cơ hội để tư duy, nhìn nhận lại cách thức điều hành mặt hàng xăng dầu, công cụ quản lý của Nhà nước, quan hệ cung cầu, cạnh tranh. Nhà nước nên can thiệp đến đâu hay để thị trường tự quyết định. Mục tiêu là để thị trường đạt được mục tiêu cao nhất là đảm bảo cung cầu xăng dầu, kiểm soát CPI, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy cạnh tranh và cộng đồng DN phát triển.

Phó Tổng thư ký kiêm trưởng Ban pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho rằng, việc áp dụng mệnh lệnh hành chính chỉ là giải pháp tình thế. Như việc vừa qua cơ quan quản lý Nhà nước xử lý nghiêm trước tình trạng cây xăng đóng cửa, ông Tuấn cho rằng đây là giải pháp tình thế nếu như không giải quyết bài toán chi phí, thuế, tiến tới thị trường thì mới hiệu quả, trong khi thực tế DN đang kinh doanh lỗ: "Chúng tôi cho rằng, về quan điểm trong việc soạn thảo dự thảo Nghị định lần này, cần nhất quán quan điểm về cạnh tranh bình đẳng, tự do kinh doanh và công khai minh bạch. VCCI tin rằng khi mà đáp ứng yêu cầu này thì sẽ đáp ứng yêu cầu của DN, người dân".

PGS.TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, với thị trường độc quyền, Nhà nước không để cho thị trường tự quyết định, tức là DN và người tiêu dùng vì người ta lợi dụng vị thế độc quyền, vị trí thống lĩnh thị trường, nâng giá cao lên, gây bất lợi cho người tiêu dùng. Thị trường xăng dầu hiện nay chưa phải là thị trường cạnh tranh hoàn hảo, nên buộc Nhà nước phải định giá.

Trước những ý kiến góp ý cộng đồng DN và các chuyên gia, đại diện Bộ Công Thương cho biết, các phương án đưa ra mang tính tham khảo, lựa chọn, chưa phải là tối ưu tuyệt đối, đồng thời khẳng định, không chạy theo giải quyết vấn đề mang tính tình thế, mà sẽ hướng tới quản lý bền vững, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến xây dựng để thị trường xăng dầu ổn định.

Hà Nội: Phát hiện cửa hàng xăng dầu hết hạn chứng nhận kinh doanh
Vĩnh Phúc: Xử phạt cơ sở kinh doanh xăng dầu tự ý ngừng bán hàng
Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu dịp Tết Nguyên đán 2023

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.