Làm gì để giữ và phát triển mốc 10 tỷ USD/tháng kim ngạch xuất nhập khẩu với Trung Quốc?

Trong tháng 1/2023, kim ngạch xuất, nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt trên 10 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường quan trọng hàng đầu, là đối tác thương mại số 1 của Việt Nam. Để giữ được thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của nước ta thì người Việt "Đừng cố nhét cho đầy container khi xuất hàng sang Trung Quốc".
Làm gì để giữ và phát triển mốc 10 tỷ USD/tháng kim ngạch xuất nhập khẩu với Trung Quốc?

Ảnh minh họa.

Việt Nam - Trung Quốc: Đối tác thương mại lớn

Quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc có tính bổ sung lẫn nhau trong cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa là rất lớn. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 1/2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 3,87 tỷ USD. Chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ quốc gia láng giềng đạt 7,23 tỷ USD trong tháng.

Nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất trong tháng 1 là điện thoại và linh kiện với kim ngạch đạt 1,7 tỷ USD.

Ngoài ra, nhiều nhóm hàng khác đạt kim ngạch từ một trăm đến hàng trăm triệu USD như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng…

Hiện, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với một số mặt hàng nông sản của Việt Nam (thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với nhóm hàng rau quả, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su; thị trường xuất khẩu lớn thứ ba với nhóm hàng thủy sản, chỉ sau Mỹ, Nhật Bản).

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Trung Quốc trong tháng 1/2023 đạt 7,23 tỷ USD. Hàng hóa nhập khẩu đa dạng từ sản phẩm, linh kiện điện tử; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; nguyên phụ liệu; hàng tiêu dùng; hàng nông sản…

Với tổng kim ngạch hơn 11 tỷ USD, Trung Quốc là đối tác thương mại song phương duy nhất của Việt Nam có quy mô kim ngạch hơn 10 tỷ USD trong tháng đầu năm 2023.

Theo ông Tô Ngọc Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), Trung Quốc là thị trường quan trọng hàng đầu, là đối tác thương mại số 1 của Việt Nam. Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc năm 2022 đạt 175,5 tỷ USD. Tỷ trọng xuất nhập khẩu với Trung Quốc trong tổng xuất nhập khẩu của Việt Nam chiếm đến 24%. Trong đó, thị trường xuất khẩu lớn nhất thuộc mặt hàng rau quả với tỷ trọng 53,7%; sắn và các sản phẩm từ sắn với tỷ trọng 91,47%; cao su với tỷ trọng 71%. Ngoài ra, Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của thủy sản Việt Nam (sau Hoa Kỳ và Nhật Bản).

Với vị trí địa lý gần gũi, nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc có sức cạnh tranh mạnh mẽ, góp phần tích cực vào tăng trưởng của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.

Thị trường Trung Quốc giờ cũng khó tính như Mỹ, EU

Thị trường xuất khẩu trong bối cảnh hiện nay, khó chồng khó, ngày càng trở nên khó đoán. Nhà sản xuất giờ không những phải đối đầu với biến đổi khí hậu mà còn phải ứng phó với biến chuyển xu thế tiêu dùng. Áp lực cạnh tranh giờ không dừng lại ở các nước láng giềng mà thậm chí đến từ chính thị trường trong nước.

Một điểm nữa là “sức ì” của nhà sản xuất trong nước và tư tưởng hài lòng với con số lợi nhuận. Nhất là quan điểm ở một số địa phương vẫn còn tư duy xem Trung Quốc là thị trường dễ tính.

Như hiện nay, mặt hàng sầu riêng đang trong những ngày sốt giá chưa từng có, loại quả có giá tiền triệu, xuất khẩu sang Trung Quốc. Giá sầu riêng từ tháng 1 đến nay vẫn giữ ở mức cao, gần như đạt đỉnh. Tại nhà vườn, sầu riêng Thái loại A do HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Long, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) kết nối doanh nghiệp thu mua với giá khoảng 180.000 đồng/kg. Sầu riêng Ri6 được thu mua với giá gần 150.000 đồng/kg, đắt gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022.

Sầu riêng Việt Nam xuất sang Trung Quốc bao nhiêu hết bấy nhiêu. Tại các siêu thị ở Bắc Kinh khoảng 280.000 đồng/kg, trái sầu 3 - 4kg có giá bạc triệu.

Thông thường, giá cao đi cùng với chất lượng. Tuy nhiên, một số nhà vườn đang chạy theo lợi nhuận, thấy giá cao, hàng khan hiếm ép vựa mua cả hàng xấu, cắt hàng non (có lợi về cân nặng) chứ không có sự chọn lọc. Một số thương lái thiếu hàng cũng gom mua các loại sầu mà không phân biệt chất lượng.

TS Trà My - Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc bức xúc nói: Thời gian qua, tôi đi thực tế ở các địa phương, một số cơ sở đóng gói sầu riêng ở Tiền Giang và thấy có sản phẩm không đủ chuẩn về chất lượng nhưng người ta vẫn đưa vào. Có vẻ họ vẫn còn thói quen 'nhét' cho đầy container. Thời điểm này sầu riêng nghịch vụ, nguồn hàng khan hiếm nhưng không nên làm như vậy, bởi sẽ ảnh hưởng đến uy tín, hàng rất dễ bị trả về, thậm chí gây hậu quả lớn hơn nhiều. Thị trường Trung Quốc giờ cũng khó tính như Mỹ, EU vậy.

Một điểm đáng lưu ý là đa phần sầu riêng của Việt Nam xuất vào Trung Quốc chỉ là nông sản, thực phẩm chưa có thương hiệu. Nên một trái sầu riêng của Việt Nam chỉ có giá 200.000 đồng nhưng hàng có thương hiệu như của Malaysia lại tới cả trăm USD. Đây là điểm yếu “thiệt đơn”, “thiệt kép” với mặt hàng hoa quả của Việt Nam trong xuất khẩu

Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất trăn trở về vấn đề xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam vào Trung Quốc trong năm nay. Ông nói: "Thời gian gần đây Trung Quốc đã khai thông tuyến đường sắt với Lào và Thái Lan. Như vậy, thời gian vận chuyển hàng hóa, trong đó có các sản phẩm nông sản từ Thái Lan sang Trung Quốc sẽ giảm bớt 1 ngày. Cùng với đó, chi phí vận chuyển sẽ giảm trên 20%. Đây là vấn đề đặt ra cho chúng ta. Hàng hóa của các nước này sẽ trở nên cạnh tranh rất lớn với Việt Nam. Nếu doanh nghiệp của chúng ta không cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm và giảm chi phí thì đây là thách thức trong vấn đề xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc".

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Thành công của hợp tác giao thương không chỉ dừng ở việc buôn bán có lãi một vài chuyến, mà cần phải tạo ra một hệ sinh thái ngành hàng, cũng như sức lan tỏa trong toàn xã hội, giúp người dân yên tâm sản xuất trên chính cánh đồng của mình.

Kim ngạch xuất khẩu Việt Nam năm qua nhiều điểm sáng
Lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu vượt mốc 30 tỷ USD/tháng
Hết tháng 11, kim ngạch xuất nhập khẩu vượt 600 tỷ USD

Ngô Sơn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.