Thổ Nhĩ Kỳ trấn áp nạn cướp bóc và lừa đảo sau trận động đất kinh hoàng

Hãng thông tấn nhà nước Anadolu Agency của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, có 42 nghi phạm bị bắt vì tội cướp bóc và 6 đối tượng bị bắt vì tội lừa đảo nạn nhân ở Gaziantep sau trận động đất ngày 6/2.
Thổ Nhĩ Kỳ trấn áp nạn cướp bóc và lừa đảo sau trận động đất kinh hoàng
Động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Hãng thông tấn Anadolu ngày 11/2 đưa tin 42 nghi phạm bị bắt vì tội cướp bóc ở tỉnh Hatay và 6 người bị bắt vì lừa đảo một nạn nhân ở Gaziantep qua điện thoại. Khi bị bắt, các nghi phạm đang mang theo tiền, điện thoại thông minh, máy tính, vũ khí, đồ trang sức và thẻ ngân hàng. Tình trạng này đã kéo dài từ những ngày đầu xảy ra thảm họa. “Nhiều người đập vỡ cửa kính và hàng rào của các cửa hàng và ô tô”, Reuters dẫn lời anh Bok (26 tuổi) khi đang tìm xác của người đồng nghiệp.

Cô Gizem, một nhân viên cứu hộ từ tỉnh Sanliurfa của Thổ Nhĩ Kỳ cũng chia sẻ, cô đã chứng kiến tình trạng hôi của trong 4 ngày được điều động tới TP Antakya làm nhiệm vụ: “Chúng tôi không thể can thiệp nhiều vì phần lớn những kẻ cướp bóc đều mang theo dao. Có ngày người dân tóm được một kẻ cướp bóc và đuổi theo hắn", cô Gizem nói thêm, cướp bóc vẫn xảy ra dù thành phố Antakya có sự hiện diện dày đặc của cảnh sát và quân đội để phân làn giao thông, giúp đỡ lực lượng cứu hộ và phân phát thực phẩm. Những người bán hàng luôn canh gác cùng lực lượng an ninh, sẵn sàng truy đuổi bất cứ ai họ cho là kẻ cướp.

Cô này mô tả Antakya là nơi chết chóc và hủy diệt khi cô đến nơi. "Chúng tôi không thể cầm được nước mắt", cô Gizem nói khi tiếng còi xe cấp cứu liên tục hú phía sau.

"Nếu các nạn nhân không chết vì bị đè dưới đống đổ nát, họ cũng sẽ chết vì các vết thương, họ sẽ chết vì bị nhiễm trùng. Ở đây không có nhà vệ sinh. Đó là một vấn đề lớn", cô Gizem nói thêm khu vực này còn không có đủ túi để đựng thi thể. “Thi thể nằm la liệt khắp các con đường mà chỉ có tấm chăn đắp trên người", cô Gizem cho biết.

Để ngăn mùi hôi thối, người dân địa phương không còn cách nào khác là đeo khẩu trang. Tại thành phố Antakya, hàng dài người xếp hàng tại các nhà vệ sinh di động tạm thời. Song nhiều người cho biết họ chỉ đơn giản là tìm một chỗ khuất để giải quyết nhu cầu vệ sinh, từ đó những lời phàn nàn về mùi hôi thối ngày càng gia tăng.

"Tôi nghĩ ngay bây giờ thứ cần thiết nhất là các sản phẩm vệ sinh. Chúng tôi không có nhà vệ sinh, tôi lo sợ một số căn bệnh sẽ lây lan", một người đàn ông giấu tên được điều tới thành phố Antalya hỗ trợ cứu nạn nói.

Bên cạnh các cửa hàng điện tử và quần áo bị cướp bóc, một số cây ATM cũng bị phá hoại và bị lấy sạch tiền. Tại một cửa hàng điện thoại thông minh, chỉ còn lại biển hiệu của các nhãn lớn. Mọi thứ khác đều đã bị lấy đi, ngoại trừ vài mảnh bao bì. Video xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy những kẻ cướp bóc bị đánh đập.

Aylin Kabasakal, cư dân Hatay, không giấu được sự thất vọng trước tình huống này. "Chúng tôi đang bảo vệ nhà cửa, xe hơi của mình. Những kẻ cướp bóc đang cướp phá nhà của chúng tôi. Không còn gì để nói. Những gì chúng tôi đã trải qua là cơn ác mộng", cô nói. "Cơ quan chức năng phải bảo vệ nhà của chúng tôi".

Chủ cửa hàng Nizamettin Bilmez nói rằng có thể hiểu các trường hợp người dân đột nhập vào siêu thị để tìm thức ăn. "Khăn ướt cho trẻ em, đồ ăn, thức uống bị cướp là chuyện bình thường, vì hàng viện trợ không kịp đến trong những ngày đầu", anh cho hay.

Các tổ chức viện trợ của Đức đã đình chỉ hoạt động cứu hộ trong khu vực động đất với lý do vấn đề an ninh, cuộc đụng độ giữa các nhóm người và tiếng súng.

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ chưa bình luận về bất kỳ tình trạng bất ổn nào, nhưng Tổng thống Tayyip Erdogan hôm 11/2 cho biết chính phủ sẽ xử lý kiên quyết những kẻ cướp bóc và các hành vi tội phạm khác, đồng thời lưu ý tình trạng khẩn cấp đã được ban bố.

"Chúng tôi đã ban bố tình trạng khẩn cấp. Điều này đồng nghĩa từ giờ trở đi, những người liên quan cướp bóc hoặc bắt cóc nên biết rằng chính quyền sẽ xử lý nghiêm khắc các trường hợp phạm pháp", ông Erdogan nói.

Công tố viên hiện có thể giam nghi phạm cướp bóc 7 ngày thay vì 4 ngày như trước đó, theo quyền hạn được mở rộng trong tình trạng khẩn cấp.

Em bé 10 ngày tuổi sống sót kỳ diệu sau gần 4 ngày mắc kẹt dưới đống đổ nát
Những trường hợp sống sót kỳ diệu sau thảm hoạ động đất ở ​​Thổ Nhĩ Kỳ
Những đứa trẻ vô danh sau thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ

Dương Kim Quyên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.