Video bổ cau và phát ngôn “đúng nhận sai cãi”: Hành vi mê tín, dị đoan có thể bị phạt tù đến 6 năm

Trước những ồn ào từ video bổ cau và phát ngôn “đúng nhận, sai cãi” của tài khoản TikTok tự xưng là “cô đồng” T.H, các cơ quan chức năng đã vào cuộc làm rõ và xử lý vụ việc. Đồng thời, theo ý kiến của các chuyên gia pháp lý, đây là hành vi mê tín dị đoan và là hiện tượng bói toán.
Đĩa tiền và cau đặt trước mặt người phụ nữ tên T.H trong quá trình xem bói
Đĩa tiền và cau đặt trước mặt người phụ nữ tên T.H trong quá trình xem bói.

Những ngày qua, mạng xã hội xôn xao nhiều đoạn clip ghi lại hình ảnh một người phụ nữ T.H. hiện đang làm việc tại Kinh Môn (Hải Dương) nổi tiếng qua những video xem bói cho người khác qua hình thức bổ cau.

Trên tài khoản TikTok của người này hiện có hơn 150.000 lượt theo dõi, người phụ nữ này thường xuyên đăng tải các đoạn video hầu đồng hay ngồi bổ cau và nói về "lá số tử vi" của người khác.

Trong các video này, cô đồng T.H luôn xưng với người xem bói là cô và con, chuyên xem về đường tình duyên, đất cát, nhà cửa, công danh sự nghiệp, vận hạn…

Không chỉ xem số mệnh, dự đoán về công việc, tình duyên, người phụ nữ còn nói về gia thế, thậm chí chỉ đích danh họ tên các thành viên trong gia đình của người hỏi.

Trong một clip xem bói thu hút hơn 2,5 triệu lượt xem trên nền tảng, người này nói: "Nhà mình tên Tuấn cũng có, tên Đức cũng có, tên Thủy cũng có, Tiến và Lam cũng có, Hưng và Thành cũng có luôn... Bổ quả cau này ra, có người tên Hoa... đúng nhận sai cãi cho cô".

Câu nói "đúng nhận, sai cãi cho cô" của cô đồng T.H. ngay sau khi được lên sóng đã nhanh chóng tạo xu hướng trên nền tảng xã hội như TikTok hay Facebook.

Sau khi video của T.H xuất hiện, việc bổ cau cùng câu nói “đúng nhận, sai cãi” đã trở thành trend và được nhiều người sử dụng cũng như bắt chước theo. Ngoài hành động đúng nguyên mẫu là bổ cau, nhiều bạn trẻ còn sáng tạo như bổ dưa hấu, bổ rau củ… Mặc dù những clip này “cover” lại mang phong cách tấu hài, tuy nhiên, nó cũng khiến nhiều người cảm thấy lo ngại.

Việc T.H “tung” video xem bói trên TikTok vì mục đích gì chưa nói đến. Nhưng những video xem bói như của T.H mới đây không còn là chuyện lạ trên mạng xã hội. Trước đó, dư luận cũng như cộng đồng mạng xã hội đã ghi nhận khá nhiều các trường hợp xem bói online hoặc những đối tượng livestream xem bói, giải số tử vi trên mạng xã hội.

Năm 2021, cộng đồng mạng xã hội đã xôn xao về một người đàn ông ở Khoái Châu - Hưng Yên đã tự xưng được nhận lộc thánh, có khả năng xem bói, nhìn trước vận hạn. Đều đặn vào 20h mỗi tối, người đàn ông này lại phát trực tiếp trên mạng xã hội để xem bói online. Dù chỉ là những câu chuyện bịa đặt, mang đầy màu sắc ma mị, mê tín dị đoan nhưng mỗi lần người này phát trực tiếp đều thu hút hàng chục nghìn lượt theo dõi. Càng đông người xem, những đòn tâm lý đánh vào lòng tin của người dân càng nặng nề.

Kết thúc màn hù dọa khiến cho người nhờ xem bói dựng tóc gáy, người này bắt đầu vào phần nội dung chính, đó là rao bán hàng online.

Việc xuất hiện nhiều kiểu, nhiều hành vi xem bói trên các nền tảng xã hội cũng là điều không lạ. Theo các chuyên gia tâm lý, khi người ta đang bị khủng hoảng về niềm tin, hoặc đang trông chờ hoặc thất vọng vào việc gì đó, người ta sẽ tìm cách để bấu víu, để hy vọng. Việc xem bói để “biết trước tương lai” như một liều thuốc an thần giúp người ta an tâm hơn.

Thế nhưng hành vi xem bói giống như uống rượu, hút thuốc, gây ra cảm giác sảng khoái tinh thần ban đầu. Cơ thể có vẻ sung sức, được chia sẻ, giải tỏa sau những lần dùng đầu tiên. Nhưng dần về sau, khi đã hình thành thói quen, bắt đầu xuất hiện các “biến chứng” như: Chỉ tin và làm theo lời “thầy” bói phán, đem của cải, tiền bạc dâng cho các nghi lễ mê tín, làm gì cũng cần xem ngày, xem vận mệnh... Cuộc sống của họ dần xoay theo lời chỉ dẫn vô căn cứ.

Quay lại câu chuyện của T.H, nhiều ý kiến cho rằng, sự việc cũng như phát ngôn của T.H là điều không có căn cứ. Đồng thời nhiều nhận định cho rằng lời nói của T.H thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội. Nhiều lo ngại những video nhảm nhí này có ảnh hưởng xấu đến giới trẻ, cần phải xử lý và gỡ bỏ.

Trước sự việc trên, theo luật sư Nguyễn Thị Mai, Đoàn Luật sư Hà Nội, hiện nay các khái niệm mê tín dị đoan trong văn bản quy phạm chưa có. Tuy nhiên, cũng có thể nhận định rằng đây là mê tín dị đoan vì là hiện tượng bói toán.

Và pháp luật hiện hành đã ngăn cấm các hoạt động này và có chế tài xử phạt. Theo quy định tại điểm đ khoản 7 Điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo thì hành vi tổ chức hoạt động mê tín dị đoan sẽ bị xử phạt với mức phạt là phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Đối với người thực hiện hành vi mê tín, dị đoan mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội hành nghề mê tín dị đoan, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này theo quy định tại Điều 320 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với hình phạt là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Hành vi của ông Huỳnh có thể bị xử lý ra sao?
Phòng ngừa các hiện tượng mê tín dị đoan, không đốt đồ mã tại các cơ sở thờ tự

Minh Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.