Hà Nội lập quy hoạch 4 khu công nghiệp mới

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 769/QĐ-UBND về việc bổ sung danh mục, kế hoạch lập các quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn thành phố.
Hà Nội lập quy hoạch 4 khu công nghiệp mới

Hà Nội lập quy hoạch 4 khu công nghiệp mới.

Theo đó, danh mục được bổ sung gồm 4 đồ án: Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn (thuộc các xã Minh Trí, Tân Dân, huyện Sóc Sơn) có quy mô 302,8ha.

Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu công nghiệp Đông Anh (các xã Nguyên Khê, Xuân Nộn, Thụy Lâm, Liên Hà và thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh), quy mô 300ha.

Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu công nghiệp Bắc Thường Tín (các xã Liên Phương, Văn Bình, Ninh Sở và Văn Phú, huyện Thường Tín), quy mô 112ha.

Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu công nghiệp Phụng Hiệp (các xã Tô Hiệu, Thắng Lợi, Nghiêm Xuyên và Dũng Tiến, huyện Thường Tín), quy mô 174,8ha.

UBND TP Hà Nội giao Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội chịu trách nhiệm tổ chức lập 4 quy hoạch nói trên. Thời gian lập quy hoạch dự kiến kéo dài từ năm 2023 - 2025. Ranh giới, quy mô các quy hoạch được xác định cụ thể trong giai đoạn lập quy hoạch.

Hiện trên địa bàn Hà Nội có tổng số 10 khu công nghiệp đang hoạt động, có 4 dự án nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp đã và đang tiến hành xây dựng (một phần đã đưa vào khai thác sử dụng) với tổng công suất thiết kế khoảng 22.420 chỗ ở.

Hiện đã hoàn thành được 8.388 chỗ ở và đã bố trí cho công nhân thuê được 8.082 chỗ; bao gồm: Dự án nhà ở công nhân thí điểm tại Kim Chung, huyện Đông Anh; dự án nhà ở công nhân tại khu công nghiệp Phú Nghĩa; dự án nhà ở công nhân của Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam và dự án nhà ở công nhân Công ty TNHH Young Fast (tại khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai) và 1 dự án nhà ở công nhân tại khu công nghiệp Quang Minh đang được triển khai.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá hiện trạng các KCN đang hoạt động, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đề xuất phương án phát triển hệ thống KCN giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là 24 khu, với tổng diện tích 5.831,8ha.

Các KCN gắn kết với hệ thống, mạng lưới giao thông theo quy hoạch Thủ đô. Vị trí, định hướng quy hoạch, xây dựng các KCN cơ bản được bố trí tiếp cận theo các tuyến đường Vành đai (2, 3 và Vành đai liên vùng 4, 5), các trục đường quốc lộ, cao tốc hướng tâm (1, 2, 3, 5, 6), Đại lộ Thăng Long, các trục đường phát triển kinh tế (Bắc - Nam, Cienco 5, Đỗ Xá - Quan Sơn) và các sân bay, cảng sông Hồng.

Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học phục vụ công tác lập Quy hoạch Thủ đô
Cần thiết có quy hoạch, kế hoạch xây dựng cụ thể để CNQP trở thành mũi nhọn công nghiệp quốc gia
Góp phần hoàn thiện quy hoạch chung của Hà Nội

Ngô Sơn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.