Hà Nội nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công chứng

Trên địa bàn TP hiện có 122 tổ chức hành nghề công chứng (10 Phòng công chứng và 112 Văn phòng công chứng) với 420 công chứng viên. Trong năm 2022, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn TP đã công chứng được 568.897 hợp đồng, giao dịch, nộp vào ngân sách hơn 38 tỷ đồng.
Hội Công chứng viên TP Hà Nội tổ chức tập huấn định kỳ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động công chứng
Hội Công chứng viên TP Hà Nội tổ chức tập huấn định kỳ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động công chứng

Đã đăng tải 1.322 thông tin ngăn chặn và giải tỏa ngăn chặn theo đề nghị của các cơ quan, đơn vị và giải quyết 78 đơn (kiến nghị, đề nghị) của công dân liên quan đến việc thông tin ngăn chặn; Cấp thẻ công chứng viên cho 30 trường hợp; Thực hiện thay đổi nội dung đăng ký hoạt động cho 118 tổ chức; Tiếp nhận, đăng ký tập sự 162 trường hợp.

Theo ông Tuấn Đạo Thanh - Hội Công chứng viên TP Hà Nội, trong những năm qua, các văn bản công chứng, văn bản chứng thực đều đã được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật có liên quan, góp phần ổn định KT-XH, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng đã có hành vi vi phạm pháp luật, đã để xảy ra tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến nội dung hay trình tự, thủ tục công chứng văn bản công chứng, chứng thực văn bản chứng thực hay mức thu phí, thù lao, chi phí khác hoặc thái độ ứng xử, phong cách làm việc của công chứng viên...

Điều này không những không bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người yêu cầu công chứng mà còn gây ảnh hưởng không tốt đến uy tín nghề nghiệp của giới công chứng trên địa bàn Thủ đô. Chính vì vậy, việc “nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công chứng trên địa bàn TP” luôn là yêu cầu mang tính cấp thiết cũng như lâu dài đối với hoạt động bổ trợ tư pháp này.

Dưới góc nhìn của một công chứng viên đang trực tiếp hành nghề trên địa bàn, ông Thanh cho rằng, để “nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công chứng trên địa bàn TP”, trong năm 2023 cũng như các năm tiếp theo, chúng ta cần phải triển khai quyết liệt, đồng bộ một số giải pháp”.

Cụ thể, đối với cá nhân công chứng viên: Căn cứ theo quy định của pháp luật cũng như tham chiếu dưới góc độ thực tế, công chứng viên chính là chủ thể trực tiếp cũng như quan trọng bậc nhất trong hoạt động công chứng. Trình độ chuyên môn và kèm theo đó là đạo đức hành nghề của cá nhân mỗi công chứng viên sẽ là điều kiện tiên quyết quyết định đến chất lượng dịch vụ công chứng. Chính vì vậy, mỗi công chứng viên cần phải chủ động nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ thông qua việc cập nhật liên tục nội dung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến lĩnh vực công chứng; thường xuyên trau dồi bản lĩnh nghề nghiệp, tuân thủ nghiêm túc đạo đức hành nghề công chứng; tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm theo quy định.

Đối với các tổ chức hành nghề công chứng: Có thể khẳng định rằng, hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của công chứng viên không thể tách rời, thoát ly ra khỏi hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng. Do đó, từng tổ chức hành nghề công chứng nói chung cũng như cá nhân công chứng viên đóng vai trò Trưởng phòng/Trưởng văn phòng công chứng cần phải tăng cường công tác quản lý, giám sát, chấn chỉnh hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của từng cá nhân công chứng viên đang hành nghề tại tổ chức hành nghề công chứng do mình phụ trách;

Đầu tư, mua sắm các trang thiết bị cần thiết để từng bước triển khai “số hóa” một số công đoạn liên quan đến thủ tục, trình tự công chứng theo quy định của pháp luật nhằm tiết giảm thời gian, chi phí cho người yêu cầu công chứng; Đôn đốc, nhắc nhở các bộ phận có liên quan mật thiết đến hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ công chứng…để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người yêu cầu công chứng, góp phần giảm thiểu các sai phạm không đáng có trong hoạt động công chứng.

Được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2011 cho đến nay, tổ chức và hoạt động của Hội Công chứng viên TP đã dần được hoàn thiện và đi vào nền nếp. Trong thời gian tới, Hội Công chứng viên TP Hà Nội cần phải tích cực triển khai, thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 26, Nghị định số 29/2015/NĐ-CP ngày 15/03/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng cũng như các văn bản khác có liên quan;

Thường xuyên nắm bắt, phản ánh các hành vi tiêu cực, thiếu chuẩn mực trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của cá nhân công chứng viên cũng như tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn TP đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xem xét, xử lý theo quy định; Tổng hợp, kiến nghị tới các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để kịp thời hướng dẫn, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của công chứng viên.

Sở Tư pháp TP tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực công chứng; Phối hợp với Hội Công chứng viên TP thực hiện có hiệu quả Quy chế Phối hợp quản lý hoạt động công chứng trên địa bàn TP; Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho cá nhân, tổ chức khi sử dụng dịch vụ công chứng.

Thông qua thực hiện các nội dung công tác theo dõi, thi hành pháp luật đã góp phần nâng cao ý thức, tình hình tuân thủ, chấp hành pháp luật cán bộ, công chức cũng như người dân được nâng lên… Công tác chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra tra việc thi hành pháp luật của các cơ quan Nhà nước và người có thẩm quyền trên địa bàn quận được thực hiện thường xuyên theo định kỳ.
Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, chống tham nhũng và CCHC
Hà Nội: Nâng cao hiệu quả công tác tổ chức, theo dõi thi hành pháp luật
Hà Nội: Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.