“Thăng Long tứ trấn” – điều ít biết về 4 ngôi đền thiêng trấn giữ đất Hà thành

Kinh thành Thăng Long ngàn năm văn hiến lưu giữ hàng nghìn di tích với bề dày lịch sử, kiến trúc độc đáo gắn với huyền tích kỳ ảo. Đặc biệt, tại mảnh đất Hà thành có 4 ngôi đền thiêng, được mệnh danh là “Thăng Long tứ trấn”, trấn giữ bốn hướng Đông - Tây - Nam - Bắc. Tương truyền, 4 ngôi đền này đã bảo vệ, che chở cho kinh thành Thăng Long được bình an, thịnh vượng.

Điều đặc biệt của “Thăng Long tứ trấn”

Hệ thống “Thăng Long tứ trấn” gồm 4 ngôi đền thờ 4 vị thần trấn giữ những vị trí huyết mạch của mảnh đất Thăng Long. Theo phong tục từ xa xưa, vào ngày đầu xuân năm mới, nhà vua thường đến dâng hương tại “Thăng Long tứ trấn”. Theo thời gian, truyền thống đó vẫn được tiếp nối đến ngày nay.

Tương truyền, khi đi lễ “Thăng Long tứ trấn”, chúng ta cần tuân theo một số quy ước đặc biệt. Chúng ta cần đi lễ tất cả 4 đền trong cùng một ngày và theo thứ tự lần lượt như sau:

+ Đền Bạch Mã, thờ thần Long Đỗ, trấn phía Đông.

+ Đền Voi Phục, thờ thần Linh Lang Đại Vương, trấn phía Tây.

+ Đền Kim Liên, thờ thần Cao Sơn Đại Vương, trấn phía Nam.

+ Đền Quán Thánh thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ, trấn phía Bắc.

Mỗi ngôi đền đều lưu giữ trong mình một câu chuyện lịch sử, nét văn hóa truyền thống dân gian độc đáo.

Đền Bạch Mã, thờ thần Long Đỗ, trấn phía Đông

Tương truyền, khi Lý Công Uẩn dời đô ra thành Đại La, cho xây thành nhưng gặp rất nhiều trở ngại, xây mãi không xong. Vua sai người đến đền Bạch Mã cầu thần, chợt thấy một con ngựa trắng từ trong đền đi ra một vòng từ Đông sang Tây, đi đến đâu để lại dấu vết đến đó, rồi trở lại đền và biến mất. Vua điều quân xây thành theo vết chân ngựa thì quả nhiên thành công. Do đó, đền được lấy tên là Đền Bạch Mã (đền ngựa trắng) và tôn thờ thần Long Đỗ làm Thành Hoàng phía Đông của kinh thành Thăng Long.

Đền Bạch Mã
Đền Bạch Mã

Ngôi đền trấn giữ phía Đông kinh thành Thăng Long xưa tọa lạc ở địa phận thuộc phường Hà Khẩu, tổng Đông Thọ, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, Thăng Long, nay là số 76 phố Hàng Buồm, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Với diện tích hơn 500m2, di tích lịch sử đền Bạch Mã không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn sở hữu nét kiến trúc điêu khắc đặc sắc từ thời Lý, Trần mang tính nghệ thuật cao và lưu giữ những tư liệu quý giá về lịch sử Thăng Long – Hà Nội. Hội Đền Bạch Mã được tổ chức vào ngày 12 và 13/2 âm lịch hằng năm với nhiều hoạt động như dâng hương, tế lễ, múa sư tử và biểu diễn nghệ thuật dân gian.

Đền Voi Phục, thờ thần Linh Lang Đại Vương, trấn phía Tây

Đền Voi Phục được xây dựng vào năm 1065 của thời nhà Lý và trấn giữ phía Tây kinh thành Thăng Long xưa. Ngôi đền được vua Lý Thánh Tông cho xây dựng trấn phía Tây Nam kinh thành Thăng Long cũ, thuộc địa phận làng Thủ Lệ, nay là công viên Thủ Lệ.

Sở dĩ gọi là đền Voi Phục vì tại cửa đền có đắp hai con voi quỳ ngay ở cổng đi vào. Đền thờ Linh Lang đại vương - ngài là Hoàng tử, con của Vua Lý Thánh Tông và Vương Phi Hạo Nương.

Đền Voi Phục
Đền Voi Phục

Trải qua biết bao biến cố thăng trầm của thời gian, đền Voi Phục đã nhiều lần được trùng tu, sửa chữa và đến ngày nay vẫn còn lưu giữ nhiều chi tiết chạm khắc hình rồng cùng các họa tiết trang trí hoa lá tinh xảo. Đền không chỉ có vẻ đẹp kiến trúc đặc sắc mà còn mang nhiều ý nghĩa tâm linh trong bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc.

Đền Kim Liên, thờ thần Cao Sơn Đại Vương, trấn phía Nam

Đền Kim Liên được xây dựng vào thế kỉ 16-17, còn gọi là đền Cao Sơn là ngôi đền trấn giữ bảo vệ kinh thành ở phía Nam và là nơi thờ thần Cao Sơn Đại Vương. Tương truyền, thần là con trai của Lạc Long Quân và Âu Cơ, đã có công cùng Sơn Tinh chống lại Thủy Tinh mang lại sự bình yên cho muôn dân trăm họ.

Đền Kim Liên
Đền Kim Liên

Theo thời gian, đền Kim Liên đã được sửa chữa, tu tạo lại, bổ sung thêm cổng tam quan và các kiến trúc mới tạo nên đình Kim Liên. Các công trình trong đền được trang trí với các họa tiết và hoa văn sinh động mang đậm phong cách kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn. Ngoài ra, đền còn lưu giữ những tấm bia đá mang nhiều giá trị lịch sử đặc sắc.

Hàng năm, người dân làng Kim Liên lại tổ chức lễ hội truyền thống vào ngày 16 tháng 3 âm lịch với các hoạt động tế lễ để báo đáp ơn thần Cao Sơn Đại Vương.

Đền Quán Thánh thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ, trấn phía Bắc

Trấn giữ phía Bắc của kinh thành là đền Quán Thánh (hay còn được gọi là đền Trấn Vũ) thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, vị thần đã có công trừ tà diệt quái. Đền được lập từ khi Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long (1010). Vua cho rước bài vị của thần về ở phía tây bắc thành, gọi là Huyền Thiên Trấn Vũ Đại Đế Quán. Đây là nơi thời tự của đạo Giáo, dân chúng quen gọi là đền Trấn Vũ hoặc đền Quán Thánh. Ngày nay, đền tọa lạc tại ngã tư đường Quán Thánh giao cắt với đường Thanh Niên, đối diện Hồ Tây.

“Thăng Long tứ trấn” – điều ít biết về 4 ngôi đền thiêng trấn giữ đất Hà thành
Đền Quán Thánh

Điểm đặc biệt thu hút du khách là bức tượng ngài Huyền Thiên Trấn Vũ uy nghiêm được đúc bằng đồng đen với chiều cao gần 4m và nặng khoảng 4 tấn an tọa trong hậu cung. Tượng Trấn Vũ thể hiện sự tài hoa và khéo léo của những nghệ nhân Hà thành trong nghệ thuật đúc đồng và tạc tượng. Kiến trúc trong đền có giá trị nghệ thuật cao với những mảnh chạm khắc trên gỗ vô cùng độc đáo. Hàng năm, lễ hội đền Quán Thánh cũng được diễn ra vào ngày 3/3 âm lịch.

Từ nhát cuốc đầu tiên đến di sản văn hóa thế giới
Cổng làng - dấu ấn thiêng liêng của Thăng long Hà Nội

Diệu Viên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.