Thơ phải tôn lên vẻ đẹp cho con người, vì con người

Mới đây, nhân dịp Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21, tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm “Thơ hiện nay với hôm nay”, ghi nhận những ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, để thơ trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.
Thơ phải tôn lên vẻ đẹp cho con người, vì con người
Nhà thơ Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu tại tọa đàm

Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định, cuộc tọa đàm chỉ khuôn hẹp về không gian và thời gian nhưng không khuôn hẹp về vấn đề. Tọa đàm đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Thơ là gì và thơ có giá trị như thế nào đối với đời sống? Đây là hai câu hỏi vang lên suốt trong hành trình tìm kiếm, khám phá của lịch sử thơ ca và vang lên từng giờ, từng ngày với những người sáng tác thơ.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương nhấn mạnh: “Bản thân tôi nghĩ, thơ để duy trì thế đứng của con người trong thế giới này. Một thế giới đẹp, lộng lẫy, nhưng cũng chông gai suồng sã không kém; một thế giới mà tình thân ái và tính hướng thiện đánh nhịp cho sự phát triển của xã hội nhưng sự cạnh tranh và bản năng hoang dã cũng chưa mất đi, thậm chí còn phát sinh, còn gia tăng; một thế giới mà sự sống được tôn sùng nâng niu nhưng súng đạn vẫn được sản xuất và đâu đó trên thế giới máu của đồng loại ta vẫn sộc lên. Thơ tồn tại ở trong tình thế như thế, rất dũng cảm. Thơ không phải là một công cụ, nó có tính độc lập riêng, không phải là công cụ cho bất cứ một phe phái một chủ nghĩa nào cả. Có điều, thơ nghiêng về phía ánh sáng của cái thiện, nó ủng hộ sự sống, sự tồn tại của con người. Thơ góp phần vào sự hình thành, tồn tại và phát triển của dân tộc ta”.

Vì vậy, tại cuộc tọa đàm, các đại biểu, độc giả đã ghi nhận những ý kiến chia sẻ nhận định về hình dáng, diện mạo, sức mạnh của thơ hiện nay và thơ có giá trị thế nào trong thời đại phong phú và nhiều biến động như hiện tại.

Nhà thơ Trần Anh Thái ghi nhận, thơ ca nhiều năm nay đã có đời sống mới, diện mạo mới, đa diện, đa thanh, phong phú, sinh động với vô vàn các quan niệm nghệ thuật, khuynh hướng thơ ca, phong cách sáng tác. Thơ ca mang hơi thở mới, mỹ cảm mới, chức năng mới. Các nhà thơ đi sâu khám phá bản thân, đồng thời không rời bỏ ý thức trách nhiệm xã hội. Tuy nhiên, nhà thơ Trần Anh Thái vẫn bày tỏ lo lắng khi thơ chất lượng thấp tràn lan, cái non yếu chiếm lĩnh, cái đích thực bị khuất lấp, chìm vào im lặng.

Tại tọa đàm, nhà thơ Vũ Quần Phương chỉ ra diện mạo "nghịch lý" của thơ hiện nay. Trong khi số lượng người làm thơ tăng, câu lạc bộ thơ “mọc” khắp nơi, số tập thơ ấn hành hằng năm tăng gấp 30-40 lần các giai đoạn trước thì lượng người đọc thơ lại giảm đi rất nhiều. Theo nhà thơ Vũ Quần Phương, nguyên nhân gây ra nghịch lý ấy là do công tác biên tập dễ dãi, để những tập thơ non yếu, không có nhiều giá trị về tư tưởng và nghệ thuật được ra đời, che lấp những tập thơ chất lượng.

Nhà văn Nguyễn Hiếu cho rằng, thơ hiện nay đa phần là những cảm xúc riêng tư, tập trung vào những đề tài quá cũ nên thiếu sự gắn bó với suy nghĩ, tâm tư của con người thời điểm hiện tại (kinh tế thị trường và đời sống xã hội nhiều biến động). Điều đó khiến cho thơ hiện nay thiếu sự độc đáo, hơi thở cuộc sống, các nhà thơ chưa tạo được phong cách, cá tính riêng biệt.

Chia sẻ về hướng đi để mang thơ đến gần hơn với độc giả, phát huy được sứ mệnh, những giá trị chân, thiện, mỹ, nhà thơ Đoàn Văn Mật cho rằng thơ ca hiện nay đang chảy giữa hai bờ ước lệ. Một bên bờ được dựng lên bởi sự êm ả điệu hồn truyền thống. Còn bờ còn lại là những ngôi nhà ngôn ngữ lấp lánh giai âm hiện đại. Giữa hai bên bờ ấy là dòng chảy không ngừng của hiện thực đời sống. Nếu như đời sống cần thi ca để cất lên giai điệu của mình, lấp đầy những khoảng trống, xóa đi những ngăn cách, khơi lên dòng chảy không ngừng hoặc ít nhất là làm mới những gì đã cũ, thì thi ca cần đời sống để tồn tại, lưu dấu và làm nên những giá trị cốt yếu vì con người.

Theo nhà thơ Đoàn Văn Mật, dù ở thời đại nào, thơ ca cũng có những bến bờ được tạo dựng bằng hiện thực đời sống. Dù thơ có phản ánh hiện thực đời sống theo cách trực tiếp hay gián tiếp, đề tài hiện đại hay truyền thống thì điều cốt lõi vẫn là người làm thơ phải viết được tác phẩm tôn lên mọi vẻ đẹp cho con người, vì con người, cho đời sống và vì đời sống. Chỉ có như vậy mới tạo nên sự vững bền cho thơ ca và nhà thơ mới hoàn thành sứ mệnh của mình.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cũng khẳng định, cần tôn trọng người làm thơ hiện đại, cổ vũ, tạo điều kiện cho họ sáng tác. Theo ông, thơ Việt Nam có thành tựu lớn, tác động sâu sắc đến tình cảm, xây dựng nhân cách con người và có sức thẩm thấu. Khi thơ được các nhạc sĩ chắp cánh còn có thể vươn xa hơn nữa. Về việc xuất bản thơ, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cho rằng cần có sự kiểm duyệt đặc biệt, cách quản lý khéo léo để vừa tạo điều kiện cho các nhà thơ không chuyên phát triển, vừa bảo đảm được chất lượng của các tác phẩm.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết sự kiện lần đầu chuyển địa điểm từ Văn Miếu Quốc Tử Giám sang Hoàng thành Thăng Long, với mong muốn lan tỏa tình yêu thơ ở nhiều không gian khác nhau. Thay vì tập trung trong buổi sáng như mọi năm, ban tổ chức sắp xếp các hoạt động suốt ngày rằm (tức 5/2), gồm: Lễ khai mạc Đường Sách diễn ra lúc 8h-8h30, tọa đàm Thơ Hiện nay với Hôm nay (9h-11h), Đêm thơ Nguyên Tiêu (19h-21h).

Hà Nội: 91 tác phẩm được trao giải Hà Nội: 91 tác phẩm được trao giải "Thầy cô trong mắt em"
Trao giải cuộc thi sáng tác tác phẩm ca ngợi Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” Trao giải cuộc thi sáng tác tác phẩm ca ngợi Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”

An Nhiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.