Cần khai mở thị trường xuất khẩu mới cho hàng hoá Việt

Theo Tổng cục Hải quan, ước tính, tổng giá trị xuất khẩu cả nước tháng 1 chỉ đạt hơn 25 tỷ USD, giảm 13,6% so tháng trước và giảm 21,3% so cùng kỳ năm 2022. Kết quả này cho thấy hoạt động xuất khẩu đang đối mặt nhiều khó khăn như đã dự báo từ trước.
Cần khai mở thị trường xuất khẩu mới cho hàng hoá Việt

Xuất khẩu giảm cần tìm thị trường mới

Tháng 1 xuất khẩu giảm 13,6%

Nhiều mặt hàng trong năm trước có giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh nhưng trong tháng đầu năm nay lại giảm về giá trị xuất khẩu. Như, xuất khẩu thủy sản trong tháng 1/2023 tiếp đà giảm sâu chỉ đạt 600 triệu USD, giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Xuất khẩu cá tra giảm 50%, xuất khẩu tôm giảm 46%, xuất khẩu cá ngừ giảm 32%,... Xuất khẩu thủy sản sang các thị trường chính trong tháng 1 đều giảm mạnh, trong đó Hoa Kỳ giảm 56%, Trung Quốc, Hồng Công (Trung Quốc) giảm 55%, EU giảm 35%,... VASEP đánh giá, bức tranh xuất khẩu thủy sản sẽ khó bừng sáng trở lại ngay trong những tháng đầu năm khi nền kinh tế thế giới được dự báo có thể sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay.

Bên cạnh đó, xuất khẩu dệt may của Việt Nam tháng 1 chỉ đạt 2,5 tỷ USD giảm 30,7% so cùng kỳ năm ngoái. Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu cho biết, ngay từ thời điểm đầu năm, đã có thể thấy rõ hàng loạt khó khăn của toàn ngành. Ngay cả thị trường dệt may toàn cầu năm nay, tốc độ tăng trưởng đều thấp hơn nhiều so các năm trước, dự báo chỉ tăng trưởng dao động trong khoảng từ 2,5% đến 4% Các thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam đã có dấu hiệu suy giảm từ quý IV/2022 và dự kiến tiếp tục suy giảm hoặc chỉ tăng trưởng thấp trong thời gian tới.

Ngành xuất khẩu hạt Điều, Hiệp hội Ðiều Việt Nam (Vinacas) đã xem xét điều chỉnh giảm mục tiêu doanh số xuất khẩu điều năm 2023 ở mức còn khoảng 3,1 tỷ USD. Trong khi Điều thuộc mặt hàng xuất khẩu đạt tăng trưởng cao, kéo dài 10 năm liên tục, như: năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu điều đạt 3,07 tỷ USD, năm 2021 đạt 3,64 tỷ USD.

Ðề cập hoạt động xuất nhập khẩu năm 2023, Bộ Công thương và các chuyên gia đều nhận định, để duy trì, giữ ổn định và gia tăng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu là mục tiêu hết sức thách thức. Bởi xuất khẩu của nước ta bị tác động từ 3 kênh. Kênh thương mại quốc tế gặp khó khi nhiều nền kinh tế là đối tác lớn của Việt Nam tăng trưởng giảm sút, tổng cầu giảm tác động đến xuất khẩu. Kênh đầu tư quốc tế cũng ảm đạm khi lãi suất thế giới tăng khiến dòng vốn chảy ra bên ngoài, tạo sự giảm sút về giá trị đăng ký vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Kênh tài chính tiền tệ mờ nhạt gây nên áp lực mất giá đối với đồng tiền Việt Nam, khiến giá trị quy đổi nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao.

Ở trong nước, giá xăng dầu, nhiên liệu đầu vào đang neo ở mức cao, cộng hưởng với đà phục hồi tiêu dùng tạo thành áp lực lạm phát, chi phí sản xuất tăng cao,... tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu

Cục trưởng Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) Lê Triệu Dũng cho hay: hiện nay hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trở thành đối tượng của các biện pháp phòng vệ thương mại từ các nước nhập khẩu xảy ra ngày càng nhiều. Tính đến hết năm 2022, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã bị 22 quốc gia/vùng lãnh thổ tiến hành điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với tổng cộng 225 vụ việc. Không chỉ những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như sản phẩm gỗ, cá tra, cá basa, tôm,... nhiều mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu rất thấp như mật ong, gạch men,... cũng vẫn bị điều tra phòng vệ thương mại.

Khai mở thị trường xuất khẩu mới cho hàng hoá Việt

Xuất khẩu được đánh giá rất quan trọng với nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên xuất khẩu của Việt Nam hiện tập trung phần lớn tỷ trọng ở một số thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Trong khi đó, theo dự báo của nhiều tổ chức kinh tế, những thị trường này sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong ngắn hạn, lạm phát và sức tiêu dùng chưa được cải thiện.

Trong khi đó các quốc gia có dân số đông như Nam Mỹ, Brazil đều là đối tác thương mại lớn của Việt Nam ở khu vực này. Theo số liệu từ Thương vụ Việt Nam tại Brazil, năm 2022 kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Brazil đạt 6,78 tỷ USD, tăng 6,6% so với năm 2021. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu hơn 2,24 tỷ USD, giảm 1%, nhập khẩu đạt 4,55 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2021. Mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu phục vụ cho sản xuất.

Ông Ngô Xuân Tỵ - Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Brazil (kiêm nhiệm Bolivia, Guyana, Suriname) cho hay: Brazil là thị trường lớn và rất tiềm năng cho hàng hóa Việt Nam. Thị trường này không quá khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, thị hiếu của người dân rất đa dạng.

Tuy nhiên tiếp cận thị trường Brazil sẽ gặp một số khó khăn, khoảng cách địa lý xa, chi phí logictics cao, rào cản ngôn ngữ. Thị trường này Việt Nam chưa có hiệp định thương mại tự do hay thoả thuận thương mại, do vậy thuế nhập khẩu rất cao, có những mặt hàng lên đến 35% như dệt may, da giày. Mặt khác, sự cạnh tranh khốc liệt về chất lượng và giá cả từ các nhà cung ứng Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippine, Singapore cũng là vấn đề lớn.

Với bối cảnh đó, lãnh đạo Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị liên quan, trong đó có Cục Xúc tiến thương mại tập trung các hoạt động khơi mở thêm thị trường mới cho hàng hoá Việt và thị trường Nam Mỹ là một đích đến.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng: Trong thời gian tới, Bộ Công Thương phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xem xét đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do, thỏa thuận thương mại với các nước khu vực Nam Mỹ để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Đây là thị trường chúng ta cần tập trung và quan tâm trong năm 2023 và những năm tiếp theo...

Sản xuất sản phẩm xanh đảm bảo 15 mặt hàng 'tỷ đô' xuất khẩu sang Âu-Mỹ
Thị trường tiêu dùng nội địa cứu cánh xuất khẩu
Hàng hóa xuất khẩu sang các thị trường lớn phải chuẩn hóa với quy định mới

Nguyễn Vũ

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.