Tình huống pháp lý vụ người cha bị chủ chó hành hung khi bảo vệ con

Chuyên gia pháp lý cho rằng, nếu nạn nhân đề nghị xử lý và kết quả giám định thương tích có tỷ lệ phần trăm theo quy định thì CQĐT có thể khởi tố vụ án hình sự.
Anh Dũng được kết luận thương tích nặng vùng mặt
Anh D. được kết luận thương tích nặng vùng mặt

Mới đây, anh Nguyễn Hoàng D., SN 1989, sống tại chung cư Saigon Riverside trên đường Đào Trí, phường Phú Thuận, quận 7, TP HCM bị chủ chó là anh Đào Thế V., SN 1995, hành hung đến mức nhập viện, khi bảo vệ con trai trước chú chó thả rông trong chung cư khiến dư luận phẫn nộ.

Trước đó, tối 2/2, anh D. dẫn con trai đi vào sảnh chờ thang máy ở chung cư. Lúc này, con chó của anh Đào Thế V. không rọ mõm, không có dây xích và không có người dắt tiến sát lại con trai của anh D.

Lo sợ con trai bị chó cắn, anh D. dùng chân ngăn con chó lại. Bất ngờ, anh V. xông đến dùng tay đánh thẳng vào mặt khiến anh D. té xuống nền nhà. Không những vậy, theo lời anh D., anh V. đã có lời lẽ đe doạ anh rồi mới rời đi. Sau đó, anh D. đến Công an địa phương trình báo và đến BV cấp cứu. Chẩn đoán bước đầu, anh D. bị vết thương mí mắt trái, chấn thương mặt, mắt trái, gò má trái, phần mềm ngực trái, vỡ mảnh 1x2 milimet răng cửa hàm dưới trái.

Liên quan đến vụ việc này, Công an phường Phú Thuận đã mời anh V. lên CQCA làm việc. Anh này thừa nhận đã dùng tay đánh vào mặt anh D. vì xót con chó của mình đồng thời xin lỗi anh D. Tuy nhiên, người bị hành hung vẫn đề nghị xử lý theo pháp luật.

Hình ảnh chủ chó hành hung anh D. được camera an ninh ghi lại
Hình ảnh chủ chó hành hung anh D. được camera an ninh ghi lại

Liên quan đến vụ việc trên, luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định của pháp luật, người nuôi chó phải xích, nhốt giữ trong khuôn viên của gia đình mình. Trường hợp đưa chó ra khỏi khuôn viên gia đình phải đeo rọ mõm hoặc xích và có người dắt, đảm bảo an toàn cho những người xung quanh.

Cụ thể, khoản 3 Điều 66 Luật Chăn nuôi 2018 quy định, chủ nuôi chó, mèo cần phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, đồng thời chủ vật nuôi cũng phải giữ gìn vệ sinh môi trường và bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y. Các biện pháp bảo đảm an toàn hiện nay bao gồm: Đeo rọ mõm cho chó; xích giữ chó khi ra đường; một số biện pháp khác.

Ngoài ra, khoản 1 Điều 7, Nghị định 05/2007/NĐ-CP về Phòng, chống bệnh dại ở động vật quy định: "Tất cả chó, mèo trong diện tiêm phòng bắt buộc phải được tiêm vắc xin phòng bệnh dại theo quy định của cơ quan thú y". Người vi phạm về nuôi chó có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp không tiêm phòng, không quản lý chó nơi công cộng để chó cắn người dẫn đến hậu quả chết người, chủ vật nuôi có thể bị xử lý hình sự về tội “Vi phạm quy định an toàn nơi đông người” theo Điều 295, BLHS.

Trường hợp đưa chó ra nơi công cộng mà không có người dắt, không xích (thả rông) mà chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 04/2020/NĐ-CP.

Từ phân tích trên, luật sư Nguyên cho rằng, hành vi thả chó, không rọ mõm ra sảnh nhà chung cư là hành vi vi phạm pháp luật, với hành vi này chủ chó có thể bị xử phạt hành chính đến 2 triệu đồng. Trường hợp, nếu không may con chó cắn con trai anh Nguyễn Hoàng D. thương tích nghiêm trọng hoặc tử vong, chủ chó có thể bị xử lý hình sự về tội “Vi phạm quy định về an toàn nơi đông người” theo Điều 295 BLHS.

Tiếp theo, về việc chủ chó hành hung anh D, luật sư Nguyên cho biết, việc xử lý vụ việc như thế nào, xử lý đến đâu trước tiên sẽ phụ thuộc vào yêu cầu của người bị hại. Đối với hành vi gây thương tích cho nạn nhân trong vụ việc, theo kết luận ban đầu là bị vết thương mí mắt trái, chấn thương mặt, mắt trái, gò má trái, phần ngực trái, vỡ mảnh 1x2 milimet răng cửa hàm dưới trái. Nếu sau khi giám định, tỷ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân dưới 11% và không thuộc một trong các trường hợp tại khoản 1 Điều 134, BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 thì anh V. có thể xử phạt hành chính do vi phạm quy định về trật tự công cộng. Cụ thể, người này có thể bị phạt tiền từ 5 - 8 triệu đồng căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 7, Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Trường hợp tỷ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân trên 11% hoặc dưới 11% nhưng cơ quan chức năng xác định người thực hiện hành vi có tính chất côn đồ thì anh V. có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 134, BLHS năm 2015. Theo đó, căn cứ vào tỷ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân, người có hành vi phạm tội có thể phải đối diện với mức hình phạt: Thấp nhất là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; cao nhất là bị phạt tù đến 14 năm.

Hé lộ nguyên nhân vụ người bố dùng búa hành hung con trai
Bởi các em còn thiếu và yếu các kỹ năng tự bảo vệ bản thân
Công an xác minh vụ việc nữ tài xế bị hành hung sau khi va chạm giao thông

Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.