Công viên ở Thủ đô sẽ khoác lên mình lớp áo xanh, sạch, đẹp

Các công viên “sống lại” nghĩa là những lá phổi của TP nói chung và mỗi người dân nói riêng sẽ được hít thở nhiều không khí trong lành hơn, sẽ được hưởng thụ các không gian tiện ích công cộng tốt hơn.
Hạ thấp hàng rào Công viên Thống Nhất, tạo không gian mở với khu vực đường Trần Nhân Tông
Hạ thấp hàng rào Công viên Thống Nhất, tạo không gian mở với khu vực đường Trần Nhân Tông.

Hãy xem công viên như chính ngôi nhà của mình

Hà Nội hiện có khoảng 60 công viên, vườn hoa lớn nhỏ, phục vụ cho khoảng 8,3 triệu dân. Nghĩa là cứ hơn 138.000 người sẽ có một không gian công cộng. Đây là con số rất khiêm tốn so với nhu cầu của người dân. Nhìn ra các nước, đơn cử Singapore, diện tích nhỏ hơn Hà Nội và mật độ đô thị hóa rất cao, vậy nhưng "quốc gia TP" này có tới hơn 300 công viên và vườn thực vật cùng 4 khu bảo tồn thiên nhiên có tổng diện tích trên 2.300 ha.

Số lượng công viên ở Hà Nội vốn đã ít ỏi, ấy vậy mà trong số 60 công viên trên địa bàn, nhiều nơi lại đang bị bỏ không, hoang hóa, chưa được quan tâm đầu tư cải tạo đúng mức. Không ít công viên, khu vui chơi mặc dù được khởi công từ nhiều năm qua song đến nay chưa hoàn thành, để lãng phí đất đai và nguồn lực xã hội. Còn với hệ thống công viên đang vận hành thì các hạng mục xuống cấp, khiến người dân Thủ đô vốn đã “khát” không gian xanh lại càng “khát” hơn.

Điều đáng nói là công viên thì thiếu, xuống cấp, xập xệ, trong khi khoảng 20 năm trở lại đây, các dự án bất động sản, tòa nhà chung cư cao tầng lại "mọc lên như nấm". Các công trình cao tầng góp phần thay đổi diện mạo Thủ đô, giải quyết nhu cầu nhà ở của một bộ phận người dân, nhưng đổi lại là sự quá tải hạ tầng đô thị và… cạn kiệt dần quỹ đất dành cho công viên.

“TP Hà Nội đặt mục tiêu rõ ràng năm 2023 phải làm sống lại các công viên ở Hà Nội, người dân phải được công bằng, tiếp cận các dịch vụ đó”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh từng nhấn mạnh tại phiên giải trình của Thường trực HĐND TP. Theo đó, TP sẽ mở ra một số mô hình mới về đầu tư công viên, cây xanh. Mô hình đầu tư như thế nào thì người dân vẫn được hưởng lợi. Không có chuyện dựng hàng rào, bán vé thu phí vào công viên.

Từ thực tế trên, cuối tháng 12/2022, được sự chấp thuận của UBND TP Hà Nội, Cty TNHH một thành viên Công viên Thống Nhất đã thực hiện hạ thấp hàng rào công viên Thống Nhất, tạo không gian mở với khu vực đường Trần Nhân Tông.

Việc chuyển công viên Thống Nhất từ công viên "đóng" sang "mở" đã xóa bỏ rào cản, giúp người dân dễ dàng tiếp cận với không gian công cộng. Đặc biệt, nó còn góp phần phát huy giá trị đích thực của không gian xanh, nâng chất lượng sống của người dân. Không chỉ dừng lại ở công viên Thống Nhất, Hà Nội dự tính tiếp tục “mở” các công viên, vườn hoa.

Ông Nguyễn Thanh Phối (quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ quan điểm, công viên chính là nơi hội tụ những tinh hoa văn hóa, không chỉ là văn hóa với con người, với thiên nhiên mà nó còn là đời sống tinh thần của cộng đồng dân cư trên địa bàn đó.

“Cuộc sống của người dân, sức khỏe của nhân dân phụ thuộc rất nhiều vào công viên. Vì thế, chúng tôi mong muốn, cần xây dựng và giữ vững nét xanh, sạch, đẹp của công viên. Với những công viên chưa đáp ứng được vấn đề này thì phải được quan tâm đầu tư để công viên là điểm đến lý tưởng của người dân địa phương và du khách nước ngoài”, ông Phối góp ý.

Để người dân có thể hưởng thụ

Theo các chuyên gia đô thị, việc giữ lại hàng rào cũng không ích gì trong khi việc phá bỏ rào hoàn toàn có thể dễ dàng quản lý được bằng cách có nhiều lối mở đi vào công viên như công viên ở các nước và thực tế ở khu vui chơi công cộng khác như hồ Gươm, hồ Tây… Nếu cần thiết, việc quản lý, bảo vệ khu vực xung quanh công viên có thể giao cho các phường, xã tiếp giáp, lấy đó làm tiêu chí để đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của cơ sở.

Luận bàn về vấn đề này, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam nhấn mạnh, trong đời sống đô thị hiện đại, công viên là thể chế văn hóa không thể thiếu được. Tuy nhiên, thời gian qua Hà Nội và một số địa phương khác có tình trạng, nhiều công viên xuống cấp, bị bỏ hoang nhiều năm, gây lãng phí quỹ đất, người dân thì không có nơi vui chơi, giải trí.

Để giải quyết tình trạng này, theo ông Nghiêm, cần phải thành lập cơ quan liên ngành, rà soát lại thực trạng của các công viên trên địa bàn để đánh giá mức độ sai lệch, lãng phí hoặc chệch hướng trong quá trình phát triển công viên. Từ đó, điều chỉnh lại theo quy hoạch phát triển chung của TP để đạt chất lượng cao nhất.

Ở một góc độ khác, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng cho rằng, cần nỗ lực trả lại đúng nghĩa công viên ở Thủ đô. Việc này sẽ góp phần giải cơn khát” không gian xanh cho TP. Công viên phải là nơi người dân thường xuyên đến để hưởng những tiện ích của nó.

Về vấn đề nhiều công viên bị xuống cấp, bỏ hoang, chậm tiến độ, ông Tùng cho rằng cần phải xem xét trách nhiệm, quản lý quy hoạch như thế nào. Cần phải giám sát việc thực hiện quy hoạch, chúng ta không được buông lỏng việc đó, làm xong rồi, hoàn chỉnh rồi thì khi đến lúc thực hiện lại làm sai quy hoạch.

Theo ông Tùng, cần có biện pháp quản lý quyết liệt hơn nữa, đổi mới hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, bởi chúng ta bước vào thời kỳ kỹ thuật số, kỷ nguyên số, chuyển đổi số, tất cả mọi việc quản lý phải được thực hiện một cách nghiêm túc.

“Theo thống kê, tỉ lệ cây xanh bình quân đầu người của Hà Nội hiện chưa đến 2m2/người. Thậm chí, tại các quận trung tâm, tỉ lệ này còn thấp hơn, chỉ ở mức 0,9m2/người. Trong khi tiêu chuẩn đặt ra là 7m2/người. Thiếu không gian xanh nhưng Hà Nội hiện đang là TP có nhiều công viên đang bỏ hoang hoặc xuống cấp nghiêm trọng nhất cả nước”, ông Tùng cho hay.

Theo ông Tùng, Nghị quyết của TP là quyết tâm chính trị, lấy người dân làm trung tâm để cải thiện môi trường sống của Hà Nội, để Hà Nội xứng đáng là một TP sáng tạo, TP vì hòa bình, TP văn hiến, văn minh, giàu bản sắc… Để thực hiện các mục tiêu đó thì cần có biện pháp quản lý quyết liệt hơn nữa, đổi mới hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, bởi chúng ta bước vào thời kỳ kỹ thuật số, kỷ nguyên số, chuyển đổi số, tất cả mọi việc quản lý phải được thực hiện một cách nghiêm túc.

Hà Nội cần có chủ trương xóa bỏ các hàng rào công viên, làm công viên mở, trả lại công viên cho cho cộng đồng. Lúc này vấn đề đặt ra còn nhiều hơn nữa, phải giáo dục tuyên truyền ý thức cho người dân Thủ đô. Người dân phải biết giữ gìn công viên, vườn hoa của mình. Bởi đó là khoảng trống, khoảng xanh rất quý giá trong đô thị, vừa là văn hóa, vừa là nhân văn, vừa tạo nên bản sắc của người Hà Nội.

“Giải tỏa cơn khát” không gian xanh cho Thủ đô
Tạo môi trường xanh - sạch - đẹp để Nhân dân vui xuân đón Tết

Triệu Tâm

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.