Đề cao cảnh giác các loại tội phạm trộm cắp, móc túi tại các lễ hội và điểm thờ tự

Đầu năm nhu cầu du Xuân, tham dự các lễ hội truyền thống, hay tìm đến các đền, chùa, miếu, phủ… để cầu an, là tập tục lâu đời của người dân. Tuy nhiên, trước vấn nạn móc túi còn diễn ra, để đảm bảo an ninh an toàn, CATP Hà Nội đã triển khai các biện pháp, giải pháp phòng ngừa, tổ chức mật phục, theo dõi, nếu phát hiện đối tượng có dấu hiệu phạm tội sẽ lập tức kiểm tra, tập trung vào tội phạm trộm cắp, móc túi… kịp thời ngăn chặn các vụ việc có thể xảy ra, không để ảnh hưởng đến tâm lý của người dân khi đi lễ đầu xuân.
Bên cạnh các biện pháp nghiệp vụ của CQCA, người dân cần tự bảo vệ tài sản của mình
Bên cạnh các biện pháp nghiệp vụ của CQCA, người dân cần tự bảo vệ tài sản của mình.

Nhanh chóng bắt giữ đối tượng trộm cắp

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin trình báo của người dân về việc bị móc điện thoại khi đi lễ đầu năm, CA quận Tây Hồ đã nhanh chóng tập trung các đối tượng, ổ nhóm nghi vấn để điều tra, truy bắt.

Đến ngày 24/1, CA quận Tây Hồ, TP Hà Nội đã tạm giữ hình sự đối tượng Chu Văn Dũng, SN 1993, ở xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội đã gây ra 9 vụ móc túi trộm cắp ĐTDĐ tại các điểm du lịch tâm linh.

Cụ thể trước đó, khoảng 14h20 ngày 23/1, CA phường Yên Phụ tiếp nhận tố giác của nhiều du khách, trong đó có chị Phạm Thị H, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội bị mất trộm 1 chiếc ĐTDĐ nhãn hiệu iPhone 14 Pro Max màu tim, trị giá khoảng 37.000.000 đồng khi đi lễ tại chùa Trấn Quốc.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, khoảng 16h00 cùng ngày, tổ công tác của CA phường Yên Phụ, CA phường Quảng An đã nhanh chóng phát hiện, kiểm tra, bắt giữ kẻ gian là Chu Văn Dũng tại khu vực đường Đặng Thai Mai.

Quá trình kiểm tra, tổ công tác kiểm tra cốp xe của Dũng phát hiện 9 chiếc ĐTDĐ được cất giấu trong túi da màu đen. Dũng khai 9 chiếc điện thoại này vừa trộm được của khách đi lễ tại chùa Trấn Quốc và phủ Tây Hồ. Tổ công tác tiến hành lập biên bản và đưa Dũng về trụ sở để làm rõ.

Tại CQCA, Dũng khai nhận đã đến chùa Trấn Quốc, đi lễ đầu năm với mục đích trộm cắp tài sản. Tại đây, Dũng thấy có nhiều du khách sơ hở trong việc bảo quản tài sản, để điện thoại trong túi xách, túi đeo hoặc túi áo khoác ngoài.

Thấy tình trạng đông đúc, nhiều người chen lấn nhau, Dũng trà trộn trộm tài sản bằng cách đến gần, áp sát người đi lễ rồi dùng tay kéo mở khóa túi xách, túi đeo của những người này, nhanh chóng lấy trộm ĐTDĐ được cất bên trong. Sau mỗi lần lấy trộm thành công. Dũng đi ra chỗ vắng người, tắt nguồn điện thoại hoặc tháo bỏ sim trong điện thoại đối với các thiết bị Dũng không tắt được nguồn để chủ tài sản không truy tìm được. Sau đó, Dũng cất giấu điện thoại trộm cắp được vào túi đeo màu đen để trước ngực để tiếp tục quay lại chùa trộm cắp.

Tại Phủ Tây Hồ, Dũng đã trộm được thêm 5 chiếc ĐTDĐ. Tổng cộng Dũng đã trộm được 9 chiếc ĐTDĐ, để trong túi đeo màu đen. Dũng cất chiếc túi này vào trong cốp xe máy rồi tẩu thoát để tìm nơi tiêu thụ. Trên đường đi Dũng bị CQCA kiểm tra, bắt giữ.

Thời điểm bị bắt giữ, đối tượng đã móc túi, trộm cắp 1 chiếc ĐTDĐ nhãn hiệu iPhone 14 Pro Max, trị giá khoảng 37.000.000 đồng của người dân khi đi lễ tại chùa Trấn Quốc. Mở rộng điều tra, Chu Văn Dũng còn khai nhận đã trộm cắp trót lọt nhiều vụ trước đó tại một số đền, chùa và phủ Tây Hồ, lấy đi 9 chiếc ĐTDĐ các loại...

Chị Nguyễn Hương Giang, trú tại phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, một trong những nạn nhân bị móc túi cũng chia sẻ, nhân dịp đầu xuân năm mới, chị và gia đình đến phủ Tây Hồ du Xuân, thì phát hiện túi xách bị rạch móc mất điện thoại. Một cô gái trẻ đứng ngay cạnh chị, cũng hoảng hốt cho biết vừa mất điện thoại iPhone 14 mới mua. Chị nhanh chóng trình báo tới CA và được biết, không chỉ chị mà rất nhiều du khách khác cũng bị móc mất điện thoại tại đây trong ngày mồng 2 Tết.

Tương tự, tại lễ hội chùa Hương, những ngày qua đã đón hàng vạn lượt du khách khắp nơi về dự lễ, tham quan di tích. Đây cũng là dịp để quảng bá hình ảnh, văn hóa địa phương đến với du khách trong nước và quốc tế.

Do đó, cùng với việc tiếp đón, CA huyện Mỹ Đức phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự - CATP Hà Nội tuần tra, kiểm soát nhiều vòng, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ công tác, đảm bảo tuyệt đối an ninh an toàn, không để bị động bất ngờ, nhất là với các loại tội phạm trộm cắp, móc túi lợi dụng đông người để hoạt động.

“Số lượng người đổ về lễ hội chùa Hương rất đông. Trong quá trình di chuyển, nhiều người sơ hở tài sản như điện thoại, túi xách, ví tiền, rất dễ dẫn đến nguy cơ phát sinh tội phạm. Có thể phát sinh do lòng tham bộc phát, có thể các đối tượng đã lên kế hoạch chuẩn bị trước, nên người dân cần hết sức cảnh giác, đề cao việc tự bảo quản tài sản của mình” - một cán bộ Cảnh sát hình sự, CA huyện Mỹ Đức cho hay.

Các biện pháp phòng ngừa

Trước đó, dự báo về tình hình an ninh, trật tự trong mùa lễ hội dịp đầu năm, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết nhu cầu về tín ngưỡng, tôn giáo, tập tục du xuân đầu năm là thói quen của nhiều người dân Việt. Đây là thời điểm mở cửa trở lại của nhiều hoạt động lễ hội nên chắc chắn lượng người đi lễ hội đầu năm nay sẽ gia tăng, kéo theo đó là hoạt động của các loại tội phạm, như: Các hành vi lợi dụng hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội để trục lợi, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh; các loại tội phạm trộm cắp, cướp giật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản... Do vậy, yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự, phòng chống tội phạm trong dịp lễ hội đầu năm đặt ra cao hơn so với các năm trước.

Trung tướng Tô Ân Xô xác định việc đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông mùa lễ hội đầu năm là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, Bộ Công an đã chỉ đạo CA cả nước tập trung rà soát, bổ sung các phương án đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy, nổ tại các đền, chùa, điểm sinh hoạt văn hoá đông người. Đồng thời, chủ động các phương án đảm bảo an ninh, trật tự, không để các trường hợp lợi dụng lễ hội hoạt động mê tín dị đoan, tổ chức các hoạt động trái với thuần phong mỹ tục, tín ngưỡng dân gian.

Trong kh, người dân đến những nơi thờ tự, hay các lễ hội hầu hết đều mang theo một niềm vui, niềm hứng khởi và ước nguyện, nên đôi khi quên mất việc bảo vệ tài sản của bản thân. Đa phần du khách hiện đều sử dụng các loại ĐTDĐ thông minh, có giá trị, đặc biệt đi xa thường mang theo nhiều tiền, nên chỉ cần chút sơ hở là có thể trở thành “miếng mồi” ngon cho tội phạm.

Dó đó, CATP Hà Nội đã “rải quân” trên khắp các địa bàn, tập trung vào những khu vực trọng điểm như lễ hội chùa Hương, huyện Mỹ Đức; Lễ hội đền Cổ Loa, huyện Đông Anh; Lễ hội đền Sóc, huyện Sóc Sơn và tại các đền, chùa, phủ lớn như: Quán Thánh, Kim Liên, Bạch Mã, Voi Phục, Trấn Quốc, Quán Sứ, phủ Tây Hồ, Văn Miếu Quốc Tử Giám…

Các đơn vị CA các quận, huyện, thị xã một mặt phối hợp nghiệp vụ với Phòng CSHS, mặt khác triển khai các biện pháp phù hợp với tình hình địa bàn, trong đó tập trung vào việc tuyên truyền. Tại các nơi tập trung đông người, CA các đơn vị cũng tổ chức tuyên truyền bằng hệ thống loa phát thanh, hoặc các biển thông báo đề nghị người dân chú ý tự bảo vệ tài sản cá nhân. Bên cạnh các biện pháp nghiệp vụ của CQCA, người dân cần tự bảo vệ tài sản của mình

Dù cho công tác phòng ngừa nghiệp vụ của lực lượng CA là rất quan trọng và tốt đến đâu thì việc nâng cao cảnh giác của người dân vẫn là trọng yếu. Nếu mỗi người tự nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ tài sản thì tội phạm khó có cơ hội hoạt động. Do vậy, bên cạnh các biện pháp, giải pháp đấu tranh, phòng chống tội phạm, rất cần sự chung tay phối hợp của người dân, để nhanh chóng đẩy lùi tệ nạn này. Đặc biệt khi phát hiện các vụ việc cần báo ngay cho lực lượng làm nhiệm vụ để tổ chức điều tra, bắt giữ, không để bỏ lọt tội phạm. Chỉ khi có sự phối kết hợp, chung tay của Nhân dân thì tội phạm mới không có cơ hội hoạt động.

Khởi tố cặp đôi chuyên trộm cắp tài sản tại nơi thờ tự
Công an quận Hà Đông phát 5.000 móc khóa phòng ngừa tội phạm trộm cắp
Phòng ngừa các hiện tượng mê tín dị đoan, không đốt đồ mã tại các cơ sở thờ tự

Dương Huy

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.