Luật Đất đai (sửa đổi):

Cần đảm bảo quyền lợi cho người bị thu hồi đất, bổ sung cơ sở dữ liệu thu hồi đất

Ngay khi việc tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được thực hiện, đã có rất nhiều người dân tham gia đóng góp nhằm hoàn thiện dự thảo Luật, đảm bảo thống nhất quản lý của Nhà nước về đất đai, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất…
Cần đảm bảo quyền lợi cho người bị thu hồi đất, bổ sung cơ sở dữ liệu thu hồi đất

Cần đảm bảo quyền lợi cho người bị thu hồi đất, bổ sung cơ sở dữ liệu thu hồi đất (Ảnh: Internet)

Đảm bảo quyền lợi cho người bị thu hồi đất

Tại Chương VII: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Việc thực thi Luật Đất đai năm 2013 đã xảy ra rất nhiều bất cập và người bị thu hồi đất là người luôn bị thiệt thòi. Vì vậy về nguyên tắc khi thu hồi đất được quy định tại Dự thảo Luật lần này, Luật sư – Luật gia Lê Quốc Đạt (Hội Luật gia TP Hà Nội) có một số kiến nghị để đảm bảo quyền lợi cho người bị thu hồi đất. Cụ thể:

Công khai và lấy ý kiến rộng rãi, phải đạt được sự đồng thuận cao trong số những đối tượng bị thu hồi đất trước khi tiến hành thu hồi đất. Điều này thể hiện sự dân chủ và khách quan khi Nhà nước tiến hành thu hồi đất và hạn chế những tiêu cực trong việc che giấu thông tin, không bình đẳng trong thu hồi đất.

Bảo đảm thu hồi đất khi thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội thì về nguyên tắc: Phải có sự thỏa thuận với người bị thu hồi đất; Những dự án phát triển kinh tế - xã hội thì luôn mang lại những lợi nhuận nhất định cho các chủ đầu tư. Mà người bị thu hồi bị áp đặt mức giá đền bù không thỏa đáng thì lợi nhuận với chủ đầu tư là gấp bội và người bị thu hồi đất luôn bị thiệt thòi.

Chủ đầu tư phải bố trí được khu tái định cư xong thì mới được tiến hành thu hồi đất. Điều này xuất phát từ thực tiễn là trong thời gian qua, Luật sư – Luật gia Lê Quốc Đạt tham gia vào nhiều vụ việc bảo vệ quyền lợi cho người bị thu hồi đất, hầu hết chủ đầu tư đều đưa ra những hứa hẹn về khu tái định cư nhưng khi người bị thu hồi đất giao đất xong thì đến khi nhận nhà, nhận đất tái định cư không đúng như thông tin ban đầu chủ đầu tư đưa ra: Bị sụt giảm về vị trí, giao cho những diện tích, vị trí không như thông tin ban đầu công bố. Lúc này người bị thu hồi đất không còn lựa chọn nào khác vì nhà, đất đã bị thu hồi.

Phải công khai toàn bộ số tiền dự toán cho việc bồi thường khi tiến hành thu hồi đất để người bị thu hồi đất biết được với số tiền đó là bao nhiêu thì người bị thu hồi đất có thể mường tượng ra quy mô, độ lớn của dự án cũng như dự kiến số tiền đã nằm trong dự toán ngân sách mà chủ đầu tư đã bỏ ra chi trả cho việc thu hồi đất.

Sau khi công bố số tiền dự toán đó, thu hồi bồi thường xong thì chủ đầu tư phải công khai số tiền đã bồi thường cho những người bị thu hồi và con số này phải được các cơ quan kiểm toán độc lập kiểm toán đồng thời có sự tham gia của Thanh tra Nhân dân nơi xảy ra dự án phải thu hồi đất đó đảm bảo sự chính xác và công khai về mặt tài chính. Vì thực tế hầu như tất cả các dự án, những thông tin gần như là bí mật, không ai được tiếp cận.

Cần bổ sung Cơ sở dữ liệu thu hồi đất

Chương XI. Hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai. Theo luật sư – luật gia Lê Quốc Đạt, đây là Chương mới phù hợp với phát triển khoa học công nghệ 4.0, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý xã hội, quản lý kinh tế và quản lý con người đã rất phổ cập, mọi thông tin tìm kiếm đều trên mạng. Tuy nhiên, Chương này chỉ quy định một cách chung chung nhất Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai gồm các thành phần: (Khoản 2 Điều 135)

Cơ sở liệu về văn bản quy phạm pháp luật về đất đai; Cơ sở dữ liệu địa chính; Cơ sở dữ liệu điều tra, đánh giá đất đai; Cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Cơ sở dữ liệu giá đất; Cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai; Cơ sở dữ liệu về thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai; Cơ sở dữ liệu khác liên quan đến đất đai.

Luật sư – luật gia Lê Quốc Đạt đóng góp ý kiến, cần bổ sung một nội dung: Cơ sở dữ liệu thu hồi đất. Hoặc nếu không, khi Nhà nước thu hồi đất thì Chủ đầu tư phải thiết lập 1 Website (một kênh thông tin của Dự án) để mọi người có thể cùng công khai truy cập vào thu thập được tài liệu, thông tin, dữ liệu, những văn bản có giá trị pháp lý liên quan đến việc thu hồi đất và thông qua đó những người truy cập vào cũng có thể gửi những kiến nghị công khai của mình lên Website, một mặt để các cơ quan quản lý Nhà nước, chủ đầu tư dự án biết. Đồng thời, những người quan tâm đến dự án, cùng bị thu hồi đất biết và cùng tham gia, có sự chia sẻ thông tin và hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau khi họ bị thu hồi đất.

Từ đó, giúp cho việc khiếu nại, giải quyết khiếu nại, vướng mắc được khách quan, đúng pháp luật. Kết quả giải quyết khiếu nại (nếu có) cũng được công bố công khai, rộng rãi tránh khiếu nại vượt cấp, khiếu nại kéo dài.

Sự cần thiết sửa đổi Luật Đất đai
Hội Luật gia TP Hà Nội: Tập huấn phổ biến chính sách mới sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai và Luật Thủ đô

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.