Giá tiêu hôm nay 19/1: Đi ngang ở các vùng trọng điểm

Sau nhiều phiên giảm giá thì hôm nay giá tiêu trong nước đã đi ngang trên diện rộng, giá dao động ở mức 56.000 - 59.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay 19/1: Đi ngang ở các vùng trọng điểm
Giá tiêu đi ngang ở các địa phương

Cụ thể, tại khu vực Đông Nam bộ, giá tiêu tại Bà Rịa Vũng Tàu đang được thương lái thu mua ở mức 59.000 đồng/kg. Tại Bình Phước, Đồng Nai giá tiêu hôm nay duy trì ở 58.000 đồng/kg.

Tại khu vực Tây Nguyên, giá tiêu hôm nay cũng chững lại và đi ngang. Tại Gia Lai giá tiêu hôm nay đang được các thương lái thu mua ở mức 56.000 đồng/kg. Tại Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay ở mức 57.000 đồng/kg.

Thị trường trong nước khá trầm lắng trước khi bước vào đợt nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài. Sau Tết các vùng trồng tiêu chủ lực tại Tây Nguyên và Đông Nam Bộ sẽ bước vào thời điểm thu hoạch rộ. Trước đó một số địa phương tại Đắk Lắk, Đắk Nông đã cho thu hoạch sớm.

Dự báo năm 2023, xuất khẩu tiêu của Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn trong bối cảnh giá thế giới chịu áp lực do nhu cầu tiêu thụ thấp. Nhu cầu hạt tiêu sẽ giảm mạnh vào quý I/2023 với mùa Đông rất khó khăn ở khu vực EU, do cuộc khủng hoảng năng lượng. Nhu cầu nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc chưa thể bứt phá mạnh, mặc dù Trung Quốc đã nới lỏng chính sách "Zero Covid". Dự kiến phải đến đầu quý II/2023, sức mua của thị trường Trung Quốc mới có thể tăng trở lại.

Theo Sở Công Thương Đắk Lắk, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) và UBND tỉnh Đắk Lắk sẽ triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất bền vững hồ tiêu và gia vị theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh nhằm thúc đẩy hình thành các vùng sản xuất hồ tiêu và gia vị theo chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và khoa học công nghệ thông qua cung cấp các giải pháp sản xuất bao gồm kỹ thuật canh tác, kỹ thuật quản lý, xử lý dịch bệnh;

Hướng dẫn xây dựng các sản phẩm liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng, có truy xuất nguồn gốc và từng bước hình thành thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm; triển khai, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kết nối chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ hồ tiêu nói riêng và gia vị nói chung trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2022-2025, điều chỉnh, bổ sung để triển khai thực hiện đến năm 2030.

Trên cơ sở các định hướng chung mang tính tổng thể của ngành hồ tiêu, từ đó đề ra các giải pháp để ngành hồ tiêu nói chung và hồ tiêu Đắk Lắk phát triển bền vững, một mặt ứng phó với tình hình khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, xung đột, dịch bệnh bùng phát, nguy cơ lạm phát kéo dài, tình hình tiêu thụ và giá hồ tiêu có nguy cơ giảm sâu, các giải pháp bao gồm:

Thứ nhất, tiếp tục xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, ổn định diện tích trồng hồ tiêu cũng như sản lượng hồ tiêu đạt chất lượng…

Thứ hai, đổi mới và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, chú trọng phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất có chứng nhận, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, chuyển giao công nghệ…

Thứ ba, tập trung thực hiện một cách hiệu quả và đồng bộ, tránh lãng phí nguồn lực các kế hoạch chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, công thương nhằm góp phần phát triển ngành nông sản.

Thứ tư, chú trọng thực hiện các chương trình tiêu thụ nông sản, xúc tiến thương mại cho sản phẩm hồ tiêu qua chế biến, có giá trị cao về mặt thương phẩm, tìm kiếm các đối tác thu mua mới có tiềm năng từ các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi yếu tố lạm phát, tạo dựng thị trường mới…

Thứ năm, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu lịch sử về giá, sản lượng, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu trong các năm qua từ đó có cơ sở dự đoán, dự báo tình hình tiêu thụ, sản xuất trong những năm tiếp theo.

Giá tiêu 28/11: Nhiều tín hiệu khởi sắc trong tháng tới
Giá tiêu 29/11: Bật tăng mạnh mẽ

Hồng Đức

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.