Hà Nội linh hoạt, nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, đưa kiến thức pháp luật vào cuộc sống

Năm 2022, năm tổng kết thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 – 2022”, cũng là 10 năm Luật Phổ biến giáo dục pháp luật đi vào cuộc sống. Nhìn lại công tác tư pháp của TP trong năm qua với những thành tựu nổi bật nhưng cũng không ít thách thức, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP Hà Nội Lê Hồng Sơn có cuộc trả lời phỏng vấn PV ấn phẩm PL&XH...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP Hà Nội Lê Hồng Sơn
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP Hà Nội Lê Hồng Sơn

- Năm 2022, Hà Nội tổng kết Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 – 2022”, Đồng chí có những đánh giá như thế nào về hiệu quả của hoạt động hòa giải ở cơ sở?

- Xác định tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở, trong những năm qua kể từ khi Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực thi hành (từ ngày 1/1/2014), TP Hà Nội ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở. Từ ngày 23/11/2016, Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, phát huy vai trò của các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội và các tổ chức chính trị- xã hội trong hóa giải mâu thuẫn phát sinh nội bộ Nhân dân ngay tại cơ sở.

Từ đó, các cấp ủy đảng, chính quyền đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác hòa giải, chú trọng nâng cao chất lượng, đẩy mạnh hoạt động hòa giải ở cơ sở. Cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng hương ước và quy ước... công tác hòa giải góp phần giảm phát sinh mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân, nâng cao khối đại đoàn kết toàn dân, ổn định trật tự an toàn trên địa bàn TP.

Đặc biệt, vừa qua, UBND TP tham mưu Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 13/9/2022 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao trách nhiệm của chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội và các tổ chức chính trị- xã hội trong công tác hòa giải. Trong đó, chỉ đạo tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt”, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác hòa giải.

Có thể nói, hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn TP đã đi vào nền nếp, thống nhất và ngày càng có hiệu quả, góp phần không nhỏ trong việc gắn kết tình làng nghĩa xóm, giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân. Tổ hòa giải được củng cố tại các khu dân cư có sự tham gia của nhiều lực lượng như: Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Chi hội Luật gia và những người có uy tín, năng lực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với hoạt động hòa giải trên địa bàn. 100% các tổ hòa giải đã được kiện toàn bảo đảm số lượng và thành phần theo quy định.

Kết quả triển khai thực hiện Đề án, các chỉ tiêu đưa ra đều đạt được. Chất lượng hòa giải được nâng lên, thể hiện qua tỷ lệ các vụ hòa giải thành năm sau cao hơn năm trước. Tỷ lệ hòa giải thành trong giai đoạn thực hiện Đề án (năm 2019-2022) đạt 84,73%, tăng trung bình 2,46% so với giai đoạn trước thực hiện Đề án năm 2014-2018. Số vụ việc mẫu thuẫn trung bình giảm 515 vụ/năm, đã hỗ trợ đắc lực cho chính quyền trong việc giải quyết trực tiếp những vụ việc vi phạm pháp luật, tranh chấp trong Nhân dân, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp; tiết kiệm thời gian và tiền bạc của cơ quan Nhà nước và công dân.

Đặc biệt, mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” đã từng bước được nhân rộng ở các địa bàn dân cư; thu hút được nhiều thành phần, nhiều lực lượng tham gia, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với hoạt động hòa giải trên địa bàn. Số “Tổ hòa giải 5 tốt” tăng dần qua các năm, chỉ tiêu 60% số “Tổ hòa giải 5 tốt” đã đạt được. Cụ thể, năm 2022, TP có 3.001/4.964 tổ hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt” (đạt tỷ lệ 60,5 %). Năm 2017, năm đầu tiên thực hiện mô hình "Tổ hòa giải 5 tốt” trên toàn TP có 1.698/5.395 "Tổ hòa giải 5 tốt” (chiếm 31,4%). Mô hình "Tổ hòa giải 5 tốt” góp phần đẩy mạnh sự quan tâm của chính quyền trong công tác hòa giải ở cơ sở.

Tại Hà Nội, thời gian qua, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã góp phần nâng cao hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trình độ hiểu biết pháp luật, hình thành trong mỗi cá nhân ý thức chấp hành pháp luật, ý thức “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”; xây dựng thói quen, lối sống của người dân ứng xử theo pháp luật, góp phần xây dựng văn hóa pháp lý, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Những đơn vị tích cực thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở như: Sở Tư pháp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Luật gia TP, Đoàn Luật sư TP và một số quận, huyện tích cực thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở: Thanh Xuân,, Mỹ Đức, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Thanh Trì, Bắc Từ Liêm, Gia Lâm, Chương Mỹ, Hoài Đức, Hoàng Mai.

Học sinh Trường Tiểu học cơ sở Tây Sơn (quận Hai Bà Trưng) biểu diễn tiểu phẩm, lan tỏa thông điệp chung tay chấp hành pháp luật.
Học sinh Trường Tiểu học cơ sở Tây Sơn (quận Hai Bà Trưng) biểu diễn tiểu phẩm, lan tỏa thông điệp chung tay chấp hành pháp luật.

- 10 năm Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đi vào cuộc sống. Tại Điều 8 của Luật PBGDPL quy định: Ngày 9/11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 10 năm qua, Đồng chí có thể cho biết, Hà Nội đã hưởng ứng Ngày Pháp luật như thế nào?

- Ngay từ khi Luật PBGDPL có hiệu lực và quy định ngày 9/11 là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hàng năm, UBND TP đều ban hành Kế hoạch hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam để định hướng, chỉ đạo các ngành, các cấp từ TP đến cơ sở hưởng ứng Ngày Pháp luật. 100% các Sở, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP ban hành Kế hoạch hoặc văn bản chỉ đạo, tổ chức triển khai tại ngành, đơn vị mình các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật. 100% các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP đã ban hành Kế hoạch triển khai Ngày Pháp luật.

Chủ đề Ngày Pháp luật hàng năm trên địa bàn TP luôn bám sát các sự kiện chính trị pháp lý của đất nước và Thủ đô theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Thành ủy, HĐND và UBND TP. Nội dung hưởng ứng Ngày Pháp luật tập trung vào giáo dục ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, phát huy tinh thần tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân; tuyên truyền gương “Người tốt, việc tốt” trong tuyên truyền, xây dựng, thực hiện và bảo vệ pháp luật; phê phán, đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật hoặc lệch chuẩn xã hội; Phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cải cách hành chính; bảo vệ môi trường; đất đai; dịch vụ công trực tuyến; trật tự văn minh đô thị; vệ sinh môi trường; trật tự xây dựng và đô thị; Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP; Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan thuộc TP, ứng xử khi tham gia môi trường mạng xã hội...

UBND TP tổ chức nhiều hoạt động trong đợt cao điểm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Hàng năm, TP đều tổ chức lế mít tinh hưởng ứng Ngày Pháp luật gắn với tổng kết Cuộc thi tìm hiểu pháp luật, tổ chức tọa đàm trên truyền hình, xây dựng phóng sự hưởng ứng Ngày Pháp luật.

- Thưa Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội, Đồng chí có thể cho biết, còn những vướng mắc, khó khăn nào trong công tác hòa giải ở cơ sở?

- Bên cạnh những thành tựu, thực tế cho thấy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số chính quyền cấp xã đối với công tác hòa giải có lúc, có nơi chưa được thường xuyên, sự phối hợp giữa chính quyền ở sở cấp xã với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP cùng cấp và tổ chức chính trị-xã hội có nơi chưa chặt chẽ nên chưa thực sự phát huy được hiệu quả của công tác hòa giải. Việc duy trì giao ban hàng tháng, lưu trữ hồ sơ về các vụ việc hòa giải, sổ giao ban, sổ theo dõi công tác hòa giải, biên bản hòa giải thành… chưa đầy đủ gây khó khăn thanh toán thù lao cho hòa giải viên.

Nhiều địa phương chưa khuyến khích, huy động được các luật sư, luật gia, những người có kiến thức pháp luật đã nghỉ hưu, đủ tiêu chuẩn tham gia làm hòa giải viên tại địa bàn sinh sống hoặc hỗ trợ, giúp đỡ hòa giải viên thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở. Đa phần hòa giải viên tuổi cao, còn hạn chế về nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải ở cơ sở (hòa giải viên chiếm khoảng 7% có trình độ chuyên môn luật), tài liệu pháp luật để cung cấp cho hòa giải viên phục vụ công tác hòa giải còn hạn hẹp, việc theo dõi ghi chép sổ hòa giải ở cơ sở còn chưa kịp thời, thường xuyên...

Do đó, cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội và các tổ chức chính trị - xã hội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Hội Luật gia trong việc hòa giải mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ Nhân dân ngay tại cơ sở. Thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ hòa giải và đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” và các tổ chức tự quản tại cộng đồng dân cư. Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, trang bị kỹ năng, nghiệp vụ về công tác hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Cảnh sát Cơ động, CA TP Hà Nội tuyên truyền về phòng - chống bạo lực học đường tại trường tiểu học Phương Liệt (quận Thanh Xuân, Hà Nội)
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Cảnh sát Cơ động, CA TP Hà Nội tuyên truyền về phòng - chống bạo lực học đường tại trường tiểu học Phương Liệt (quận Thanh Xuân, Hà Nội)

- Theo Đồng chí, để tiếp tục lan tỏa Luật PBGDPL, Hà Nội cần triển khai những giải pháp nào?

- Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Luật PBGDPL, ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tư pháp, công tác PBGDPL cần tập trung vào một số nội dung. Trong đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật PBGDPL, hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Năm hàng năm. Gắn thực hiện Luật PBGDPL với thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và Nhân dân.

Bên cạnh đó, gắn việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật với thực hiện nhiệm vụ chính trị của TP, với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và sửa đổi Luật Thủ đô, có các cơ chế, chính sách đặc thù, tạo sự phát triển cho Thủ đô và các vấn đề dư luận quan tâm. Tăng cường hiệu quả công tác truyền thông về vị trí, vai trò, ý nghĩa của Hiến pháp và pháp luật, góp phần tạo đồng thuận xã hội và đưa pháp luật vào cuộc sống.

Cùng với đó, tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa nội dung hình thức, cách thức tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật với việc đổi mới công tác PBGDPL, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL tiến tới thực hiện chuyển đổi số trong công tác PBGDPL. Huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật nói riêng, công tác PBGDPL nói chung. Nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân, xây dựng văn hóa pháp lý, ý thức chủ động học tập, nâng cao ý thức tự giác tìm hiểu, tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân. Bảo đảm công khai, minh bạch thông tin liên quan đến pháp luật, quyền được thông tin và cơ hội tiếp cận thông tin của Nhân dân Thủ đô.

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP Hà Nội Lê Hồng Sơn. Nhân dịp năm mới, xin kính chúc đồng chí và gia đình sức khỏe, hạnh phúc, an khang.

Đánh giá cao những kết quả ấn tượng mà TP Hà Nội đã đạt được qua 10 năm thực hiện Luật PBGDPL và hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhận xét, Hà Nội đã tìm ra cách làm đúng để hưởng ứng, thực hiện các định hướng chung của T.Ư nhưng lại có bổ sung, sáng tạo cách làm phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Thủ đô. Việc TP tổ chức thành công Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về ứng xử trên môi trường mạng” là một ví dụ điển hình khi Ban tổ chức lựa chọn chủ đề cuộc thi rất thời sự, thu hút được sự tham gia của đông đảo các cơ quan, tổ chức và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn.
Hà Nội: Chủ động, sáng tạo với đa dạng hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật
Hà Nội thực hiện các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt
Phương châm điều hành của năm 2023 là "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả"

Hoa Đỗ

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.