Diễn đàn Kinh tế Thế giới chính thức khai mạc tại Thụy Sĩ

Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2023 đã chính thức được khai mạc tại TP Davos (Thụy Sĩ).
Diễn đàn Kinh tế Thế giới chính thức khai mạc tại Thụy Sĩ
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2023 diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ.

Theo đó, ngày 16/1 (giờ địa phương), WEF 2023 đã được khai mạc và dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 20/1. Chủ đề của hội nghị năm nay là "Hợp tác trong một thế giới phân mảnh".

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh thế giới đối mặt nhiều thách thức như khủng hoảng khí hậu, căng thẳng kinh tế toàn cầu, những tác động tiêu cực của cuộc xung đột Nga - Ukraine....

Các phiên họp dự kiến sẽ xoay quanh chủ đề về thực tế xu hướng toàn cầu hóa, tác động của căng thẳng thương mại và sự gián đoạn chuỗi cung ứng, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Ngoài ra, những tác động của xung đột Nga - Ukraine đối với chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu và chính sách quốc phòng được cho là một trong những nội dung đang quan tâm.

Kết quả khảo sát của WEF được công bố tại hội nghị cho thấy có tới 2/3 các nhà kinh tế trưởng thuộc các công ty trong lĩnh vực công và tư nhân đưa ra dự đoán một cuộc suy thoái toàn cầu trong năm 2023. Trong số đó, có 18% cho rằng viễn cảnh suy thoái là “cực kỳ có khả năng xảy ra” - tỷ lệ cao hơn gấp đôi so với cuộc khảo sát trước đó hồi tháng 9/2022 của tổ chức này.

Khảo sát của WEF cũng cho thấy có sự khác biệt lớn giữa các khu vực. Nhiều chuyên gia đưa ra kỳ vọng tỷ lệ lạm phát năm 2023 dao động quanh mức 5% đối với Trung Quốc đến 57% đối với châu Âu do khu vực này chịu tác động của việc giá năng lượng tăng.

Cuộc khảo sát của WEF bao gồm 22 hồi đáp từ một nhóm các nhà kinh tế cấp cao đến từ các tổ chức quốc tế bao gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các ngân hàng đầu tư, các công ty đa quốc gia và các tập đoàn tái bảo hiểm.

“Mức lạm phát cao, sức tăng trưởng chậm, nợ chồng chất và môi trường phân hóa cao làm giảm động lực cho những đầu tư cần thiết để phục hồi tăng trưởng và nâng cao mức sống cho những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới", Giám đốc điều hành WEF - Saadia Zahidi nhận định.

Chương trình của WEF năm nay tập trung vào các giải pháp và các hợp tác công tư để giải quyết nhưng thách thức cấp bách nhất của thế giới.

Hội nghị sẽ khuyến khích các nhà lãnh đạo trên thế giới hợp tác với nhau về các vấn đề liên quan đến năng lượng, khí hậu, đầu tư, thương mại, công nghệ tiên tiến và hợp tác địa chính trị trong một thế giới đa cực.

Chủ đề được quan tâm nhất lại là một vấn đề ngắn hạn là làm thế nào để kiềm chế lạm phát.

WEF là một trong những diễn đàn toàn cầu uy tín và hoạt động hiệu quả, thu hút sự quan tâm và tham dự của hầu hết lãnh đạo các nước lớn, đại diện các tổ chức quốc tế cũng như các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới.

Hằng năm, WEF tổ chức nhiều diễn đàn cấp toàn cầu và khu vực, quy tụ các nhà lãnh đạo chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các học giả từ khắp thế giới để bàn luận về những vấn đề kinh tế - phát triển và thời sự toàn cầu.

Biến thể phụ XBB.1.5 lây lan nhanh có khiến dịch bệnh phức tạp hơn Biến thể phụ XBB.1.5 lây lan nhanh có khiến dịch bệnh phức tạp hơn
Tầng ozone phục hồi hoàn toàn trong 40 năm tới Tầng ozone phục hồi hoàn toàn trong 40 năm tới

Tuấn Khang

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.