Những người giữ an toàn xóm, phố...

Năm qua, nhiều vụ cháy đã xảy ra, trong đó có vụ rất nghiêm trọng, không chỉ thiệt hại về tài sản, mà còn có cả những hy sinh, mất mát. Trước tình hình đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đã triển khai tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC&CNCH trên phạm vi toàn quốc, để kịp thời đưa ra các biện pháp phòng tránh và đẩy mạnh tuyên truyền năng cao ý thức của người dân.
Hoả hoạn luôn tiềm ẩn
Hoả hoạn luôn tiềm ẩn.

Một năm lực lượng PCCC phải căng mình

Năm 2022 là một năm có nhiều vụ hỏa hoạn đáng tiếc và thương tâm, khiến lực lượng PCCC trên cả nước phải căng mình dập “giặc lửa”.

Đầu tháng 8/2022, nhận được tin báo cháy tại địa chỉ số 231 Quan Hoa, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, cán bộ chiến sĩ trong Đội Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) – CA quận Cầu Giấy – Công an thành phố (CATP) Hà Nội, trong đó có các đồng chí Trung tá Đặng Anh Quân (SN 1977; Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH, CA quận Cầu Giấy, CATP Hà Nội); Trung úy Đỗ Đức Việt (SN 1998; cán bộ Đội Cảnh sát PCCC&CNCH, CA quận Cầu Giấy, CATP Hà Nội); Binh nhì Nguyễn Đình Phúc (SN 2003; chiến sĩ nghĩa vụ Đội Cảnh sát PCCC&CNCH, CA quận Cầu Giấy, CATP Hà Nội) lập tức nhận lệnh lên đường. Tưởng chừng như đó chỉ là một vụ cháy bình thường như bao vụ khác, nhưng không ngờ đó lại lần cuối cùng thực hiện nhiệm vụ của các anh.

Quá trình trinh sát, tổ trinh sát trong đó có 3 đồng chí Trung tá Đặng Anh Quân, Trung úy Đỗ Đức Việt và Binh nhì Nguyễn Đình Phúc nhận nhiệm vụ tiếp tục đi lên các tầng trên bên trong nhà với hy vọng tìm kiếm thêm những nạn nhân khác còn bị mắc kẹt.

Cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy trình tổ chức chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của cơ sở dạng nhà ống với nhiều chất dễ cháy như mút, xốp, đồ da, gỗ…, do tác động nhiệt của đám cháy dẫn đến một số bộ phận kết cấu làm trần giả, vật liệu trang trí bên trong nhà mất giới hạn chịu lửa và sập đổ. Khi 3 đồng chí lên tới tầng 4 thì các vật liệu làm trần giả, vật liệu trang trí bên trong nhà sập xuống cầu thang bộ và làm 3 cán bộ, chiến sĩ hy sinh.

Trước khi anh dũng hy sinh, Trung tá Đặng Anh Quân, Trung úy Đỗ Đức Việt và Binh nhì Nguyễn Đình Phúc đã hướng dẫn 8 người bị nạn thoát ra ngoài an toàn.

Chỉ sau đó khoảng 1 tháng, một vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng khác đã xảy ra vào tối ngày 6/9/2022 tại một cơ sở kinh doanh karaoke ở thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. Vào khoảng 20h48 tối cùng ngày, ngọn lửa bất ngờ bùng phát tại tầng 2 của cơ sở kinh doanh karaoke rồi nhanh chóng lan rộng. Hàng chục người, trong đó có nhân viên và khách hát bị mắc kẹt bên trong la hét cầu cứu. Nhiều người hoảng loạn đã nhảy từ tầng trên cao xuống dưới.

Mặc dù lực lượng PCCC&CNCH – CA tỉnh Bình Dương đã nhanh chóng có mặt và triển khai lực lượng dập tắt đám cháy, đồng thời tổ chức cứu nạn cứu hộ, nhưng do cơ sở thiết kế xây dựng với nhiều vật liệu dễ cháy nên đám cháy bùng phát nhanh, rất khó khăn có công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Lực lượng chức năng đang kiểm tra PCCC tại một quán karaoke
Lực lượng chức năng đang kiểm tra PCCC tại một quán karaoke.

Thực tế tình hình PCCC hiện nay

Hai vụ cháy trên chỉ là ví dụ điển hình nhất về vi phạm PCCC để lại hậu quả nghiêm trọng. Thực tế, trên địa bàn cả nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng vẫn còn tồn tại nhiều trường hợp vi phạm về PCCC.

Trước tình hình các vụ cháy nghiêm trọng xảy ra, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đã triển khai thực hiện Kế hoạch số 513 ngày 07/10/2022 về tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC&CNCH trên phạm vi toàn quốc.

Theo kết quả thực hiện kế hoạch tính từ ngày 07/10 đến ngày 15/11/2022, các địa phương đã kiểm tra 482.003 lượt cơ sở thuộc diện quản lý PCCC; CQCA kiểm tra 95.246 cơ sở được phân cấp quản lý; Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã kiểm tra 386.757 lượt cơ sở được phân cấp quản lý.

Đối với cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường, đã thực hiện kiểm tra 100% cơ sở theo Điện, đang tiếp tục, kiểm tra 513 lượt cơ sở trên theo trong đợt tổng rà soát, kiểm tra.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, đã phát hiện và xử phạt 17.714 trường hợp vi phạm với số tiền hơn 141 tỷ, trong đó xử phạt 3.675 cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường, với tổng số tiền phạt hơn 20 tỷ đồng. Tạm đình chỉ hoạt động 1.888 trường hợp. Đình chỉ hoạt động 765 trường hợp. Có 6.664 cơ sở ngừng hoạt động để khắc phục tồn tại, vi phạm theo kiến nghị của các cơ quan quản lý nhà nước về PCCC. Thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đối với 1.224 cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường đã bị đình chỉ hoạt động, ngừng hoạt động.

Riêng tại Thủ đô Hà Nội, có gần 1.000 cơ sở kinh doanh bị tạm đình chỉ và đình chỉ do không đủ điều kiện PCCC tính trong đợt kiểm tra này.

Đây là một con số đáng giật mình, bởi suốt thời gian qua đã có biết bao cơ sở kinh doanh dịch vụ vi phạm về PCCC nhưng vẫn hoạt động. Nguy hiểm về hoả hoạn vẫn luôn rình rập và có thể “đánh úp” chúng ta bất cứ lúc nào mà không thể lường trước được.

Một nạn nhân khóc nức nở ôm chầm lấy người chiến sĩ cứu hoả khi được cứu thoát
Một nạn nhân khóc nức nở ôm chầm lấy người chiến sĩ cứu hoả khi được cứu thoát.

Cần nâng cao nhận thức của người dân

Cũng cần ghi nhận, vừa qua công tác rà soát, kiểm tra PCCC của lực lượng PCCC&CNCH đã có những mặt được cải thiện và tích cực hơn. Nhiều trường hợp không đủ điều kiện PCCC đã bị đình chỉ hoạt động, đồng thời công khai danh sách để người dân nắm được. Tuy nhiên, một mặt trận khác về PCCC cũng cần được đẩy mạnh, quan tâm hơn đó là mặt trận tuyên truyền phổ biến kiến thức, trang bị kỹ năng cho người dân.

Trong nhiều trường hợp xảy ra hoả hoạn, trước khi lực lượng PCCC&CNCH có mặt thì kiến thức và kỹ năng về PCCC cũng là một chiếc phao cứu sinh cho người gặp nạn, từ đó tăng tỉ lệ sống sót.

Đồng thời, việc nắm được kiến thức về PCCC cũng sẽ giúp cho người dân sớm phát hiện được những nguy hiểm liên quan đến PCCC, từ đó có thể đề phòng hoả hoạn và có thông tin để báo cho lực lượng chức năng.

Chỉ có cách làm đồng bộ từ chính quyền đến cơ sở và người dân thì mới có thể hạn chế tối đa và nâng cao hiệu quả PCCC.

Đại tá Dương Đức Hải - Phó GĐ CATP Hà Nội nói ngoài việc kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác PCCC&CNCH, các đơn vị cũng cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức, kỹ năng của người dân về PCCC&CNCH; kiện toàn, củng cố lực lượng tại chỗ làm công tác PCCC&CNCH tại khu dân cư, cơ sở, đáp ứng phương châm “4 tại chỗ” bảo đảm thực chất, hiệu quả.
Người cuối cùng giữ ký ức mặt nạ giấy bồi Trung thu trên phố cổ Hà Nội
Tuổi trẻ Thủ đô tham gia tuyên truyền giữ gìn trật tự an toàn giao thông

Duy Minh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.