Vành đai 2 trên cao của Hà Nội sẽ thông xe vào 11/1/2023: Sẵn sàng khai thác phục vụ Nhân dân

Với chỉ đạo quyết liệt của TP Hà Nội, cùng sự đôn đốc, tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm, giảm thiểu ùn tắc. Ngay trước thềm Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, thêm một dự án hoàn thành, sẵn sàng thông xe đưa vào khai thác phục vụ Nhân dân.
Dự án Vành đai 2 trên cao của Hà Nội đã hoàn thành, sẵn sàng thông xe trước thềm Tết Nguyên đán Quý Mão 2023                             Ảnh: Khánh Huy
Dự án Vành đai 2 trên cao của Hà Nội đã hoàn thành, sẵn sàng thông xe trước thềm Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Ảnh: Khánh Huy

Chiều 5/1, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn thông tin, TP đã chốt kế hoạch thông xe tuyến đường Vành đai 2 trên cao đoạn từ Ngã Tư Sở tới cầu Vĩnh Tuy, kết hợp với mở rộng theo quy hoạch phần đi bằng đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) vào ngày 11/1 tới.

Dự án đường Vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở, bao gồm cả tuyến đường bộ trên cao và phần mở rộng dưới thấp, có tổng vốn đầu tư hơn 9.400 tỷ đồng. Trong đó, đoạn tuyến Vành đai 2 trên cao có chiều dài hơn 5km, điểm đầu tiếp giáp phía Nam cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tiếp giáp với nút giao Ngã Tư Sở. Phần dưới thấp dài trên 3 km, điểm đầu kết nối với cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tại nút giao Ngã Tư Vọng.

Dự án nối liền 3 quận trung tâm gồm: Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, được khởi công từ năm 2018. Trong thời gian thi công, dự án bị gián đoạn nhiều lần do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đến nay, dự án đã hoàn thành, sẵn sàng thông xe đưa vào khai thác phục vụ Nhân dân ngay trước thềm Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Vành đai 2, đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy (đi trùng với đường Láng hiện nay) dài 4 km. Đầu năm 2022, Sở GTVT đề xuất TP nghiên cứu phương án đầu tư hoàn thiện đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy (tuyến Vành đai 2), trong đó có phương án đường trên cao thuộc đoạn tuyến này để làm cơ sở triển khai dự án giai đoạn 2026-2030.

Vành đai 2 là tuyến giao thông đường bộ nội đô khép kín của Hà Nội dài 43,6 km, chạy qua các điểm sau: Vĩnh Tuy - Minh Khai - Đại La - Ngã Tư Vọng - đường Trường Chinh - Ngã Tư Sở - đường Láng - Cầu Giấy - Bưởi - Nhật Tân - Vĩnh Ngọc - Đông Hội - cầu chui Gia Lâm - khu công nghiệp Hanel - Vĩnh Tuy. Hai cầu vượt sông Hồng trên Vành đai 2 là cầu Vĩnh Tuy và cầu Nhật Tân, một cầu vượt sông Đuống là cầu Đông Trù.

Trước đó, lo ùn tắc các trục đường lân cận khi thông xe Vành đai 2 trên cao, Sở GTVT Hà Nội đã nhiều lần họp bàn tìm phương án tối ưu tổ chức giao thông tại hai điểm lên xuống ở Ngã Tư Sở và Ngã Tư Vọng. Sở sau đó nghiên cứu giải pháp phân luồng từ xa, phương tiện đi đường trên cao có thể phải hạn chế tốc độ

Theo GĐ Sở GTVT Nguyễn Phi Thường, khi Vành đai 2 đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở đi vào họat động sau hơn 4 năm thi công. Để tránh gây ùn tắc diện rộng, ngành đã nhiều lần họp bàn tìm phương án tối ưu tổ chức giao thông tại hai điểm lên xuống ở Ngã Tư Sở và Ngã Tư Vọng. Sở sau đó nghiên cứu giải pháp phân luồng từ xa, phương tiện đi đường trên cao có thể phải hạn chế tốc độ.

Theo đó, không chỉ xem xét phương án tổ chức giao thông cho nút Ngã Tư Sở mà phải nghiên cứu trục xung quanh như đường Trường Chinh - Láng - Yên Lãng - Láng Hạ - Lê Văn Lương; Tây Sơn - Ngã Tư Sở - Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến. Bởi khi thông xe Vành đai 2 trên cao, phương tiện cả trên cao và dưới thấp cùng đổ xuống Ngã Tư Sở rồi đi ra đường Láng. Trong khi đường Láng chỉ rộng 10,5 m mỗi chiều; lưu lượng tối đa 3.000 phương tiện/giờ, nhưng hiện đã lên đến 8.000 phương tiện/giờ nên thường xuyên ùn tắc giờ cao điểm.

Ngoài ra, Hà Nội hiện có khoảng 10 triệu dân với 7 triệu phương tiện, trong đó có một triệu ôtô. Số ôtô trong 10 năm qua tăng gấp 30 lần. Trung bình mỗi năm phương tiện tăng 4-5% trong khi quỹ đất dành cho giao thông đô thị tăng 0,28%.

Trước mắt, để giải quyết các điểm ùn tắc Sở GTVT đã tái lập tổ công tác liên ngành về tổ chức và chống ùn tắc. Tổ họp hàng tuần để nghe báo cáo ngoài hiện trường, sau đó xem xét thảo luận, đưa ra phương án tổ chức giao thông, giải quyết dứt khoát từng điểm đen. Với những trục đường lưu lượng giao thông lớn, ngành sẽ tổ chức đếm xe và áp dụng phần mềm mô phỏng để có cơ sở khoa học, thực tiễn tổ chức giao thông.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, sự tin tưởng ủng hộ của Nhân dân, bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, hiện đại. Nhiều tuyến đường trọng điểm được mở ra, góp phần thúc đẩy chuỗi liên kết vùng, đẩy nhanh quá trình triển kinh tế xã hội, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Hà Nội: 3 công trình giao thông sẽ đưa vào khai thác trong năm 2023
Giảm thiểu ùn tắc khi phát triển hạ tầng giao thông
Hà Nội sẽ thông xe Vành đai 2 trên cao vào ngày 11/1/2023

Linh Huy

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.