Làng nghề mây tre đan Phú Vinh, nơi nắm giữ linh hồn của sản phẩm OCOP

Những ngày cuối năm, làng nghề Làng Phú Vinh, huyện Chương Mỹ, Hà Nội đang tất bật cho các sản phẩm thủ công phục vụ cho nhu cầu khách hàng đặt trong dịp Tết. Để sản phẩm của Phú Vinh đạt chuẩn OCOP mang đậm đấu ấn tinh hoa của người làng nghề, nơi một thời được gọi với cái tên Phú Hoa Trang (Trời phú cho dân có bàn tay lụa) không thể thiếu vai trò của nghệ nhân, thợ giỏi trong làng như nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, người trọn đời giữ lửa cho làng nghề...
Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung đang giới thiệu sản phẩm mây tre đan cho du khách
Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung đang giới thiệu sản phẩm mây tre đan cho du khách

Cả cuộc đời lấy nghề làm gốc

Cả cuộc đời nghệ nhân Nguyễn Văn Trung luôn lấy nghề mây tre đan làm gốc, làm nguồn sống, nghề thấm vào máu. Chuyện đời, chuyện nghề của ông cũng 5 chìm, 7 nổi. Từ khi làm cán bộ HTX, đến khi ra trường Mỹ thuật dạy làm mây tre đan, với ông Trung, bất kỳ lĩnh vực nào cũng lấy nghề làm ý chí.

Theo chia sẻ của nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, năm 1986 làng gặp khó khăn vì lúc đó Nhà nước xóa bỏ bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường. Người dân trong làng lần lượt bỏ nghề, bỏ làng đi làm ăn xa, còn ông Trung vẫn cặm cụi bám nghề, đan những chiếc giỏi, cái rổ, đồ gia dụng… để kiếm sống qua ngày. Vì ông bảo, đây là nghề ông cha để lại nên ông vẫn cố tìm cách xoay vần.

Hàng ngày, trên chiếc xe đạp lấp lánh những chiếc giỏ tre bắt mắt đến những đồ dùng gia đình rong ruổi trên các con phố đã lọt mắt khách quốc tế mua nhiều và rất thích. Hiểu được tâm lý người nước ngoài rất thích hàng thủ công mỹ nghệ nên ông tìm cách mở cửa hàng trên phố cổ và mang nghề lên đó vừa làm vừa bán sản phẩm.

Đến năm 1988 thì ông gặp được một khách người Đài Loan đến xem hàng, mua hàng và ngỏ ý mốn ký hợp đồng với số lượng lớn. Người khách Đài Loan trước khi ký hợp đồng họ đòi hỏi xem cơ sở sản xuất, xem làng nghề xem có đúng nghề thủ công và có đảm bảo đủ cung cấp sản phẩm cho họ.

Sau khi tham quan cơ sở và được giới thiệu về làng nghề truyền thống và hiện tại đang thừa thợ giỏi nhưng thiếu đầu ra cho sản phẩm. Doanh nhân Đài Loan (Trung Quốc) ký 1 Container đầu tiên các mặt hàng: Trang trí nội thất, vật dụng bao bì, bát đĩa. Vị doanh nhân này cho ứng 20 triệu trước về huy động cả làng làm trong vòng 1 tháng.

Người làm nghề chỉ biết làm thủ công, làm bằng kinh nghiệm không có điều kiện để tiếp xúc với khoa học kỹ thuật và không có tư cách pháp lý để xuất khẩu. Sau khi làm xong sản phẩm nghệ nhân loay hoay tìm “visa” cho sản phẩm.

Ông Trung kể: “Sau khi thỏa thuận với doanh nhân Đài Loan thì gặp khó khăn không có tư cách pháp lý đề ký hợp đồng xuất khẩu. Mất hơn một tháng loay hoay, tôi đã phải đến trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội nơi mình đã từng học tìm gặp bạn bè, thầy, cô giáo để hỏi đường đi nước bước. Đến đó cũng có duyên gặp được một người bạn giới thiệu xuống một Cty xuất nhập khẩu ở Nam Định nhờ thông qua tổ chức pháp lý để ký hợp đồng. Từ đó khởi đầu cho việc hàng thủ công của làng bay sang trời tây”.

Từ lúc này, làng Phú Vinh có những bước đệm phát triển kinh tế làng nghề và phát triển hơn hẳn các làng thủ công mỹ nghệ trong khu vực. Năm 2004, tổ hợp đứng thứ 2 về phát triển kinh tế, thu nhập đầu người trong tỉnh Hà Sơn Bình cũ.

Tuy nhiên, đang làm ăn thuận buồm xuôi gió đến năm 2006 Đài Loan đã thông báo phá sản. Ông Trung lại một lần nữa chịu hậu quả lô hàng tồn kho khoảng 3.500 sản phẩm, trị giá 40.000 USD không xuất được. Gia đình ông lao đao vay lãi tứ phương để trả tiền công và tiền vật tư cho lô hàng tồn kho, người dân trong làng lại mất việc.

Lúc này gia đình ông vẫn túc tắc sản xuất để giữ chân khách biết đến làng nghề vừa bán sản phẩm mới vừa bán hàng tồn kho không xuất đi Đài Loan được. Đúng là trời không phụ lòng người. Một ngày có một chủ khách sạn lớn của Hàn Quốc tại Hà Nội tìm đến làng nghề để đặt các mặt hàng nội thất của khách sạn. Cả làng chỉ có một mình nhà ông duy trì nghề nên doanh nhân đã ký hợp đồng lớn các mặt hàng trang trí cho khách sạn.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung chia sẻ: “Lúc đầu chỉ ký hợp đồng làm trang trí nội thất cho khách sạn, sau chủ DN thấy hàng đẹp họ ký tiếp lô hàng làm vỏ bao bọc nồi lẩu bằng mây tre. Sau chủ khách sạn còn ký một hợp đồng một tháng ông ra thao tác, làm nghề tại khách sạn đó để phục vụ trực tiếp khách du lịch.”

“Một nghề thủ công bao giờ cũng bị tác động bởi nền kinh tế thị trường, nên người dân của làng không chú trọng, không quyết tâm gìn giữ thì vô cùng khó có thể còn nghề. Ông cha ta để lại thì dù là một vật phẩm đều quý vì nó không chỉ có giá trị về kinh tế mà nó có giá trị văn hóa gia đình. Không những thế, đây lại là cả một nghề. Nếu muốn làm giàu thì nghề thủ công mỹ nghệ cần phải xuất khẩu đi nước ngoài, còn không nó vẫn có chỗ đứng trên thị trường trong nước. Vì thế phải biết vận hành nó để phát triển theo thương trường như cốt cách làng nghề không thể bỏ được thì nghề mới tồn tại...”, ông Trung nói.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, người trọn đời giữ lửa cho làng nghề...
Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, người trọn đời giữ lửa cho làng nghề...

Hồn cốt quyết định giá trị sản phẩm

Làng nghề mây tre đan ở Chương Mỹ có điều kiện thuận lợi để thực hiện Chương trình OCOP vì ở đây hội tụ nhiều thợ giỏi, nghệ nhân tài ba họ luôn vận động không ngừng sáng tạo mẫu mã sản phẩm từ mây, tre, giang để tạo ra các sản phẩm thủ công đảm bảo chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật. Hiện tại, sản phẩm OCOP mây tre đan Phú Vinh đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới và được yêu thích, đánh giá cao. Trong đó có nhiều sản phẩm đạt 3 sao, 4 sao như: Bộ đèn đan vảy rồng, bát bộ ba, khay để hoa quả...

Để có một sản phẩm hoàn thiện, các công đoạn sản xuất mây tre đan đòi hỏi sự cẩn thận, cầu kỳ từ khâu chọn nguyên liệu. Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung chia sẻ: Chẻ nan mây là một kỹ thuật khó. Thân cây mây là thân tròn, phía bên trong lại có lõi nên chẻ không khéo sẽ bị lạng chỗ dày, chỗ mỏng, vì vậy đòi hỏi người thợ có tay nghề cao. Tùy theo từng sản phẩm mà người thợ có cách chẻ nan riêng. Sợi nan lúc thì chẻ thành từng ống tròn, lúc chẻ thành bẩy hoặc chín nan mỏng.

Với cách chẻ lột, người thợ sẽ có cách lấy được cả phần cật và lõi của cây mây, kỹ thuật chẻ nhiều nan mỏng đều tay thì phải người thợ có kinh nghiệm mới làm được. Hiện nay, kỹ thuật chẻ lẻ khi làm nan sợi tre, mây của người Việt được các nước có nghề mây tre đan đánh giá có tính ứng dụng khoa học, sáng tạo cao. Khi chẻ mây tre, người ta phân ra nhiều loại. Loại sợi to thường dùng để đan các sản phẩm thông thường; còn sợi nhỏ dùng để làm những mặt hàng cao cấp, cầu kỳ…

Để cho sản phẩm có độ đa dạng về màu sắc, người làng nghề Phú Vinh còn có bí quyết tạo màu riêng. Các nan mây sau khi chẻ, phơi khô, sấy sẽ được nhúng vào các chậu lá cây sòi băm nhỏ đã được nấu sôi. Sợi nan được nhúng vào nước khoảng 15-20 lần sau đó phơi trong nắng cho khô. Các nan nhúng nước sồi sẽ có màu vàng đều. Muốn màu đen óng ả, các nan mây được đem ngâm bùn ao từ ba đến năm ngày. Đây là cách tạo màu hoàn toàn tự nhiên, không hóa chất giúp cho sản phẩm mây tre đan của Phú Vinh luôn là những sản phẩm thân thiện với môi trường, không gây hại cho sức khỏe người sử dụng và có độ bền màu cao tới 30-40 năm.

Giá trị sản phẩm không chỉ nằm trong độ tinh xảo từ đôi bàn tay người thợ mà còn nằm trong giá trị cốt lõi của sự kết tinh từ tinh hoa làng nghề và hỗn hợp hội nhập văn hóa, văn minh của mỗi làng nghề. Trong đó người nắm giữ hồn cốt chính là nghệ nghệ nhân, thợ giỏi trong làng. Vì thế nên muốn để sản phẩm OCOP vươn xa không bị vấp ngã người làng nghề nên để sản phẩm đi trên cái hồn, cái cốt làm gốc.

Hà Nội tổ chức Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề 2022
Hà Nội: Đánh giá, phân hạng OCOP cho 45 sản phẩm
Hà Nội khai thác kinh tế du lịch từ sản phẩm OCOP

Nguyễn Vũ – Hải Anh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.