Giáo dục hướng đến xây dựng phẩm chất con người

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Mục tiêu của đổi mới giáo dục phổ thông là tăng cường phương diện dạy người, rèn luyện đạo đức, nhân cách, phẩm chất của con người”. Và mục tiêu đó đang được ngành giáo dục Thủ đô triển khai thực hiện, bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Một tiết học sáng tạo của trường THCS Nguyễn Du (Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Một tiết học sáng tạo của trường THCS Nguyễn Du (Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Ý chí sẽ làm nên tất cả

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, có một thí sinh đặc biệt, là ông Nguyễn Huy Kỳ, SN 1940, ở Hà Nội. Ông đỗ tốt nghiệp với tổng điểm xét tuyển là 6,44 và được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tặng Bằng khen. Ông Kỳ là học viên lớp 12B Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên quận Thanh Xuân, Hà Nội. Trước kia, ông Kỳ từng có thời gian đi làm công nhân ở Phú Thọ, ngày đi làm, tối đi học. Năm 1968, khi chuẩn bị hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông 10/10 thì ông lên đường đi bộ đội, rồi cùng một số nguyên nhân khách quan khiến Công chưa tốt nghiệp cấp 3.

Cuộc sống mưu sinh, nuôi các con ăn học đã khiến ông Kỳ không có cơ hội tiếp tục đến trường. Với ước mơ được học ngành y, ông đã quyết tâm đi học và dự thi kỳ thi này năm nay. Ông chia sẻ bản thân rất vui khi đạt được mục tiêu đề ra là đỗ tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào một trường trung cấp y học cổ truyền để học tiếp lên y sĩ.

Tuổi già đi học, ông gặp rất nhiều khó khăn nhưng luôn nỗ lực vượt qua. Ông dặn lòng mình không bao giờ được bỏ cuộc, phải cố gắng hết mình hoàn thành mục tiêu học tập đã đặt ra. Với ông, sự học chưa bao giờ dừng lại, ở độ tuổi nào cũng cần học tập. Học trong sách vở, trường học, học ở trường đời,

Ông cho rằng, kiến thức chính là sức mạnh để phát triển bản thân cũng như góp phần vào công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước. Mỗi người góp một phần công sức nhỏ sẽ thành sức mạnh lớn. “Tôi cảm thấy bây giờ được đi học như thế này rất là vinh dự. Tri thức là sức mạnh, còn ngày nào sống ở trên đời này thì cần phải chịu khó học thêm”, ông Kỳ chia sẻ.

Với quyết tâm vươn lên, ông Kỳ đã trở thành tấm gương sáng về tinh thần học tập. Từ đó, lan tỏa đến thế hệ trẻ ý chí vượt qua thử thách, chinh phục ước mơ.

Mục tiêu của đổi mới giáo dục là dạy người, rèn đức

Đề kiểm tra học kỳ I môn Ngữ văn lớp 6 của trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) có câu: “Kể lại một khoảnh khắc khiến em thấy mình thương mẹ biết bao”. Câu chuyện “Mẹ ốm” đầy xúc động của em Nguyễn Nhật Nam, lớp 6A2 đã chạm đến trái tim của các thầy, cô giáo và các bạn học sinh.

Nam viết: “Trên đời, ai cũng có một người mẹ. Tôi cũng thế. Mẹ luôn vất vả, chăm sóc cho gia đình tôi rất chu đáo. Khi anh em tôi không hiểu về bài tập, mẹ luôn sẵn lòng giúp đỡ. Nhưng khoảnh khắc tôi nhận ra mình yêu thương mẹ biết bao thì lại rất khác so với ngày thường”.

Nam kể tiếp: “Hôm đó là vào thứ bảy, tôi được bố dẫn đi chơi. Do mẹ tôi có việc đột xuất nên phải tới Cty. Bố dẫn tôi đến Bờ Hồ để đi bộ quanh hồ. Do có sự kiện lớn nên mọi người tập trung ở đây rất đông đúc. Mọi người đều hò hét rất vui nhộn và náo nhiệt. Sau đó bố dẫn tôi đi mua quyển sách, truyện mà tôi thích. Hôm đấy, tôi cảm thấy rất vui. Nhưng khi đó, một điều không may đã xảy tới. Một người lạ gọi cho bố tôi. Khi bố tôi nhấc máy, đầu dây bên kia bắt đầu nói, bố tôi vô cùng hoảng hốt và sửng sốt. Khi tôi hỏi bố chuyện gì đã xảy ra, bố nói: “Mẹ con đã bị ngất ở Cty do mệt quá”.

Khi tôi nghe thấy thế, lời nói đó như con dao cứa vào trái tim tôi. Bố chở tôi về nhà và đến Cty đón mẹ tôi. Khi ngồi ở nhà, tôi lo lắng, đứng ngồi không yên. Hàng tá những suy nghĩ ập vào đầu tôi: “Không biết mẹ có sao không?”, “Mẹ có bị gì quá nặng không?”... Khi tôi nghĩ về các căn bệnh sâu xa hơn, trái tim tôi như vỡ thành trăm mảnh. Mọi thứ xung quanh tôi như tối đen lại.

Lúc đó, tôi lại nghĩ tới những hy sinh mẹ đã dành cho cả gia đình tôi. Mẹ chăm sóc tôi từ khi sinh ra, mẹ dạy dỗ, chỉ bảo tôi những cái đúng, cái sai, mẹ luôn dạy cho tôi về đạo đức, kỉ luật trong cuộc sống. Khi nhớ tới những điều đó, nước mắt tôi như muốn lăn dài trên hàng má. Bà tôi dỗ dành tôi và bảo chắc mẹ không sao đâu. Khi bố về, bố bảo do mẹ quá mệt nên mới ngất đi và bảo không sao, sáng mai tôi có thể đến thăm.

Hôm sau, khi tôi tới BV, tôi mừng rỡ chạy vào và hỏi thăm mẹ. Tôi ôm chầm lấy mẹ như lâu lắm không được gặp. Tôi cảm ơn mẹ vì những vất vả, những hi sinh mẹ đã dành cho cả gia đình. Lúc đó, tôi thấy thương mẹ biết bao, thấy cuộc sống của mình không thể thiếu mẹ vậy.

Sau sự kiện đó, gia đình tôi đã làm việc cùng mẹ. Người quét nhà, người lau nhà, mọi người làm việc rất vui vẻ. Nhưng thứ tôi nhận ra trong trải nghiệm trên là hãy yêu quý và biết thương mẹ của mình, giúp bố mẹ khi cần và trở thành đứa con ngoan của bố mẹ”. Nam hứa sẽ cố gắng học thật giỏi, thật chăm chỉ để có thể đền đáp những hy sinh của bố mẹ dành cho em.

Cô Nguyễn Hà Trang (trường THCS Ngô Sĩ Liên) cho biết, kiểm tra học kỳ I là dịp để nhà trường kiểm tra đánh giá mức độ hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của từng học sinh sau một kỳ học. Từ đó, giáo viên sẽ có kế hoạch giảng dạy, giúp đỡ cho học sinh trong thời gian tiếp theo để học sinh tiến bộ hơn. Điều đáng mừng là trong đợt kiểm tra môn Ngữ văn vừa qua, nhiều em viết bài rất tốt.

Bộ trưởng nhấn mạnh đổi mới không chỉ dừng ở phương pháp dạy học môn Ngữ văn, môn Lịch sử, mà là đổi mới giáo dục Lịch sử, đổi mới giáo dục Ngữ văn. Bộ trưởng cho rằng, điều quan trọng là làm sao hấp dẫn được học sinh học và giáo viên hứng thú dạy.

Đổi mới phương pháp dạy và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn trong trường phổ thông vì thế được áp dụng từ năm học 2022 - 2023, thu hút sự quan tâm của nhiều giáo viên, học sinh. Các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP Hà Nội đã thực hiện tốt chủ trương đổi mới hình thức đánh giá, kiểm tra, thi cử môn Ngữ văn theo hướng nâng cao năng lực đọc hiểu, không biến bài thi thành hoạt động “trả bài” khô khan hay các em phải học thuộc văn mẫu.

Nhờ đó, giáo viên, học sinh đều hào hứng trong việc dạy, học Ngữ văn. Các em học sinh được thỏa sức sáng tạo, nêu quan điểm, góc nhìn của bản thân về một vấn đề. Từ đó, phát triển năng lực, đồng thời rút ra cho mình những bài học nhân văn ý nghĩa.

Phát biểu tại Hội thảo đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn, môn Lịch sử ở trường phổ thông hồi tháng 8/2022, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định sự cần thiết và yêu cầu phải đổi mới dạy học, kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn, môn Lịch sử.
Xây dựng lối sống hướng đến những giá trị về đạo đức
Xây dựng đề án đánh giá thực trạng biên chế khối giáo dục Thủ đô
Hà Nội phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

An Nhiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.