Quyết liệt thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô:

Tạo không gian phát triển đô thị bền vững

Được đánh giá là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô năm 2022, dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, hi vọng sẽ tạo ra những chuyển biến mới cũng như sự phát triển vùng. Đồng thời việc phát triển hạ tầng dọc vành đai bao quanh Hà Nội với những thiết kế khu đô thị sinh thái, nhằm tạo không gian phát triển đô thị bền vững.
Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của TP Hà Nội
Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của TP Hà Nội

Sau 1 năm chuẩn bị đầu tư, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 56/2022/QH15, ngày 16/6/2022. Đoạn trên địa bàn TP Hà Nội dài 58,2/112,8km, đi qua 7 quận huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông.

Trong lộ trình 5 năm làm "siêu dự án" vành đai 4 (2022-2027), Hà Nội đang đi những bước đầu tiên ở khâu GPMB, cắm mốc chỉ giới đỏ. Đây là tiền đề quan trọng để địa phương khởi động cho một siêu dự án liên kết vùng. Bên cạnh những tính toán tập trung vào đường sá, TP cần có quy hoạch tổng thể về phát triển đô thị xung quanh dự án vì "đường chạy đến đâu, nhà sẽ mọc theo đến đó".

Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về chủ trương triển khai dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Đến nay, cả hệ thống chính trị của TP, đặc biệt 7 quận, huyện có dự án đi qua đã và đang dồn sức thực hiện công tác GPMB để triển khai dự án đúng tiến độ, quyết tâm đến tháng 6/2023 khởi công Dự án.

Theo KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, tuyến vành đai 4 đóng vai trò quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội và các tỉnh trong vùng. Tuyến đường này sẽ giúp giảm tải cho vành đai 3 vốn đã quá tải vì phải gánh hàng nghìn xe trọng tải lớn di chuyển mỗi ngày. Vì vậy, trong thiết kế mới, vành đai 4 cần được đảm bảo chất lượng, quy mô mặt cắt, thiết kế mật độ xe trong một giờ để giải tỏa giao thông cửa ngõ giữa Hà Nội và địa phương lân cận.

Ngoài vai trò kết nối, chuyên gia cho rằng đường vành đai 4 góp phần đẩy nhanh quá trình đô thị hóa ở nhiều huyện, làm tiền đề cho tiến trình "lên quận" của các huyện ngoại thành như Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn. Việc này cũng gián tiếp thúc đẩy quá trình “hút” dân ra khỏi nội đô, góp phần để giải quyết bài toán ùn tắc bao năm nay.

Theo chuyên gia, quy hoạch tổng thể của vành đai 4 cho thấy dự án tiếp cận nhiều tuyến đường xuyên tâm của Hà Nội, trong đó cắt đại lộ Thăng Long. Đây là tuyến đường được định hướng kết nối giữa trung tâm nội đô với khu vực phát triển văn hóa, khoa học và thương mại, dịch vụ.

Ngoài ra, vành đai 4 giao cắt nhiều tuyến đường quan trọng như Hà Nội - Hà Đông, QL 1 đoạn qua Thanh Trì, sau đó cắt qua khu đô thị mới ở Hưng Yên… Đây đều là những tuyến liên kết vùng quan trọng.

Dự án cũng nằm trong hành lang của hệ thống giao thông kết nối từ Lào Cai về Hà Nội, trong đó trọng tâm là sân bay quốc tế Nội Bài với khả năng được nâng cấp lên khoảng 100 triệu hành khách/năm. Vì vậy, nếu nhìn rộng hơn, đây là tuyến đường giúp vận hành nhiều loại hình vận tải hành khách quan trọng từ nội đô ra khắp các hướng. Vì vậy, vành đai 4 hình thành sẽ giúp giải quyết nhiều điểm đen về ùn tắc giao thông của Hà Nội, đặc biệt ở khu vực cửa ngõ như cầu Thanh Trì, QL 2, QL 5...

Cùng với đó, sau khi hoàn thành, tuyến đường này có thể giúp giảm thiểu chi phí vận tải cho DN do kết nối trực tiếp từ sân bay Nội Bài tới các tỉnh, TP lân cận. Theo các chuyên gia, dọc theo vành đai 4, địa phương sẽ không bố trí công trình văn hóa, công cộng, xã hội lớn mà tập trung điểm thêm các công trình mang tính tiện ích như trạm dừng nghỉ, siêu thị…

Với quan điểm “đường chạy đến đâu, nhà mọc đến đó”, nhiều chuyên gia góp ý bên cạnh việc tập trung vào đường sá, Hà Nội cần có quy hoạch tổng thể về phát triển đô thị xung quanh dự án

Bởi vậy, từ vành đai 4 trở vào nội đô, Hà Nội có thể làm những công trình hạ tầng mang tính thu hút người dân như bảo tàng, triển lãm, sân bóng hiện đại, trung tâm thể thao…Giá trị của vành đai 4 vẫn phải là kết nối giao thông vùng, còn những mục tiêu khác như thu hút dân cư từ nội đô sẽ được thực hiện bằng cách thêm hạ tầng xung quanh nhằm phục vụ cho người dân.

Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần mở rộng không gian phát triển cho Thủ đô, tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của TP Hà Nội.

Phát động thi đua triển khai Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô
Tạo hành lang liên kết kinh tế vùng để phát triển Quốc gia

Linh Huy

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.