Mạo danh người nước ngoài thành đạt để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Nhiều người Việt hàng ngày vẫn nhận được những tin nhắn làm quen từ các số điện thoại hoặc tài khoản mạng xã hội lạ, nhiều trường hợp trong số đó thường tự gắn mác là doanh nhân, phi công, sỹ quan, binh lính người nước ngoài,... Nếu không tỉnh táo, chúng ta có thể sẽ dễ dàng sập bẫy lừa đảo.
Mạo danh người nước ngoài thành đạt, tạo lòng tin để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Chị T.A cho biết thường xuyên nhận được những lời mời gọi kết bạn qua ứng dụng WhatsApp.

Chiêu trò không mới

Trong những ngày gần cuối tháng 10/2022, chị T.A (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) liên tục nhận được những lời mời làm quen, kết bạn từ tài khoản lạ thông qua ứng dụng WhatsApp.

Chị T.A cho biết, ban đầu thấy những tài khoản ngỏ lời kết bạn cũng khá lịch sự, vì tò mò, lại thấy là người nước ngoài nữa nên chị T.A cũng yên tâm đồng ý kết bạn và thử nói chuyện.

“Bọn chị chủ yếu nhắn tin qua tin nhắn. Lần đầu tiếp xúc, chị thấy các tài khoản này nói chuyện khá là lịch sự, có tài khoản còn gửi ảnh và tự giới thiệu là phi công chuyên nghiệp người Đức nên khiến mình cũng cảm thấy khá yên tâm khi tiếp xúc. Tuy nhiên đến lần thứ ba, thứ tư,... họ bắt đầu hỏi han hơn nhiều về đời tư, công việc, tình trạng hôn nhân nên khiến mình cũng không thoải mái lắm.” – chị T.A kể.

Sau đó, chị T.A có ngồi nói chuyện với mấy người bạn và được cảnh báo về hình thức người nước ngoài làm quen để lừa tiền. Chị thấy hơi nghi ngờ và về nhà tìm hiểu thì mới biết người gửi ảnh và giới thiệu là phi công kia là giả mạo, hình ảnh cũng được lấy từ một người khác và trên mạng cũng có khá nhiều thông tin cảnh báo về một người chuyên sử dụng hình ảnh như gửi cho chị để lừa đảo.

Chị T.A sau đó đã chặn tài khoản của đối tượng này và cũng “cạch mặt” không dám kết bạn và nói chuyện với người lạ nữa.

Trước đó, một trường hợp khác xảy ra vào ngày 5/8/2022, khách hàng Trần Thị P (thường trú tại xã Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo) đến Agribank chi nhánh huyện Vĩnh Bảo để yêu cầu chuyển 13 triệu đồng vào tài khoản có tên H.P.T, mở tại SHB. Trong quá trình xử lý giao dịch chuyển tiền, khách hàng liên tục nhận các cuộc điện thoại hối thúc việc chuyển tiền.

Nhận định đây là kiểu lừa đảo của bọn tội phạm nhằm chiếm đoạt tài sản, giao dịch viên với tinh thần trách nhiệm và cảnh giác cao đã thuyết phục khách hàng Trần Thị P kể hết câu chuyện mà bọn lừa đảo đã thực hiện. Khách hàng Trần Thị P cho biết, từ hình thức kết bạn qua Facebook, chị được đối tượng bày tỏ những lời lẽ ngọt ngào, hứa hẹn tặng quà có giá trị lớn từ nước ngoài, sau đó, đối tượng yêu cầu người nhận quà chuyển tiền phí hải quan 13 triệu đồng để làm thủ tục nhận hàng…

Sau khi được tư vấn, khách hàng Trần Thị P đã hiểu ra hành vi lừa đảo qua mạng của đối tượng, và không chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng.

Mạo danh người nước ngoài thành đạt, tạo lòng tin để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Hình ảnh của một tài khoản gửi cho chị T.A, người này tự giới thiệu tên là Eric, người Đức và làm phi công. Thực chất, theo tìm hiểu, hình ảnh này được lấy của một phi công nổi tiếng trên mạng xã hội khác tên là Patrick Biedenkapp.

Nhưng vẫn hiệu quả

Trường hợp như của chị T.A và chị Trần Thị P chỉ là hai trong số ít trường hợp may mắn thoát khỏi hành vi lừa đảo nêu trên. Tuy nhiên, còn rất nhiều người đã và đang sập bẫy với những chiêu trò này.

Theo thông tin từ Bộ Công an, hiện nay tội phạm giả mạo người nước ngoài (tự nhận là sỹ quan, binh lính đang tham gia chiến tranh, làm nhiệm vụ quốc tế tại các khu vực chiến sự, là phi công, doanh nhân,...), không có người thân và thông qua mạng xã hội để làm quen, tiếp cận nạn nhân.

Các đối tượng này sau thời gian trò chuyện, tạo dựng niềm tin sẽ lấy lý do gửi quà, đồ vật giá trị, thậm chí là ngoại tệ, vàng nhờ nhận, quản lý, lưu giữ.

Khi nạn nhân đồng ý, bước tiếp theo kẻ gian sẽ giả danh nhân viên sân bay, hải quan, thuế... để yêu cầu nộp tiền cước vận chuyển, thuế, phí, tiền phạt, chi phí tiêu cực... để chiếm đoạt.

Vì cả tin và bị hấp dẫn bởi món quà giá trị cao, không ít người Việt đã sa bẫy và nhiều lần đóng các khoản tiền theo yêu cầu của kẻ gian nhưng thực tế không nhận được gì. Chỉ tới khi bị mất số tiền lớn, nạn nhân mới vỡ lẽ và báo với cơ quan chức năng.

Thời điểm cuối năm, nhu cầu gửi/nhận quà nhiều nên càng dễ tạo được niềm tin với nạn nhân, các hình thức lừa đảo lại được cơ hội để bùng phát. Nhằm tránh rắc rối cá nhân cũng như thiệt hại về tài sản, Bộ Công an đề nghị người dân cảnh giác, không chuyển tiền vào các tài khoản do đối tượng yêu cầu và trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất để được giải quyết.

Trường hợp bị lừa đảo, người dân cần thông báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để tiến hành điều tra, xử lý theo quy định.

Cảnh báo thủ đoạn giả danh Cảnh sát PCCC để lừa đảo chiếm đoạt tài sản Cảnh báo thủ đoạn giả danh Cảnh sát PCCC để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Cảnh giác với thủ đoạn giả danh, mạo danh cơ quan tư pháp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản Cảnh giác với thủ đoạn giả danh, mạo danh cơ quan tư pháp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Giả ngân hàng cho vay rồi lừa đảo chiếm đoạt tài sản Giả ngân hàng cho vay rồi lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Nữ hộ lý làm giả phiếu thu để chiếm đoạt tài sản của Bệnh viện Nữ hộ lý làm giả phiếu thu để chiếm đoạt tài sản của Bệnh viện
Tung chiêu “Khôi phục tài khoản facebook, zalo” để chiếm đoạt tài sản Tung chiêu “Khôi phục tài khoản facebook, zalo” để chiếm đoạt tài sản

Trung Kiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.