Thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Cánh Tạng, tỉnh Hòa Bình:

Cần làm rõ việc phát sinh chi phí bồi thường

Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng UBND tỉnh Hòa Bình xem xét, đánh giá cụ thể, xác định nguyên nhân việc phát sinh chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư làm tăng sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án (DA) Hồ chứa nước Cánh Tạng đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Bộ Xây dựng yêu cầu xác định nguyên nhân việc phát sinh chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của DA
Bộ Xây dựng yêu cầu xác định nguyên nhân việc phát sinh chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của DA

Dự án từng không rõ ràng về tính khả thi

DA Hồ chứa nước Cánh Tạng, tỉnh Hòa Bình đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định 491/QĐ-TTg ngày 15/4/2017. Theo đó, tổng mức đầu tư của DA là 3.115 tỷ đồng. Hiện nay, DA được đề xuất điều chỉnh: Cụm công trình đầu mối, bao gồm: Hồ chứa, đập đầu mối, tràn xả lũ và cống lấy nước; Hệ thống đường ống dẫn nước, bao gồm: Đường ống chính, đường ống nhánh cấp 1 và đường ống nhánh cấp 2. Tổng mức đầu tư điều chỉnh của DA là 4.127,884 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.

Theo thuyết minh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh, việc đầu tư xây dựng DA nhằm điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và các ngành kinh tế, cơ sở cho phát triển kinh tế vùng theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần ổn định đời sống Nhân dân 17 xã thuộc hai huyện Yên Thủy và Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình (nay điều chỉnh thành 13 xã do thực hiện sáp nhập các xã của huyện Yên Thủy và Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình); Cấp nước bổ sung vào mùa kiệt cho các công trình tưới đã xây dựng ở hạ du thuộc huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tháng 5/2022, Bộ Xây dựng từng có văn bản hồi âm tới Bộ Công Thương. Nội dung văn bản của Bộ Xây dựng thể hiện: “DA thủy lợi kết hợp thủy điện Cánh Tạng cũng cần được giải trình làm rõ về tính khả thi. Đồng thời, hồ sơ bổ sung quy hoạch bao gồm các bản vẽ thiết kế sơ bộ chưa đảm bảo các quy định về quy cách hồ sơ thiết kế (bản vẽ chưa hoàn chỉnh, tỷ lệ nhỏ, không có khung tên thể hiện chức danh tư vấn và chữ ký xác nhận); thiếu các bản vẽ thể hiện phương án đấu nối của DA vào lưới điện khu vực, nhà quản lý vận hành, hệ thống công trình phụ trợ và hồ sơ còn thiếu những nội dung nêu trên nên Bộ Xây dựng chưa đủ cơ sở để cho ý kiến đánh giá, xem xét việc bổ sung quy hoạch ngành điện của DA thủy điện nêu trên”.

Vẫn còn nhiều bất cập

Bước sang tháng 10/2022, Bộ Xây dựng nhận được Văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc góp ý kiến thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư DA. Tháng 12/2022, trong văn bản gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng tiếp tục chỉ ra một số bất cập của DA như: “DA đã được Bộ TN&MT phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 174/QĐ-BTNMT ngày 23/01/2018, tuy nhiên hiện nay DA đã được đề xuất điều chỉnh quy mô đầu tư xây dựng. Do vậy các nội dung bảo vệ môi trường của DA cần được rà soát, hoàn chỉnh đảm bảo các quy định tại Điều 99 Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14...”.

Bộ Xây dựng cũng đề nghị Bộ NN&PTNT bổ sung đánh giá tính đồng bộ, hiệu quả của DA khi thay đổi quy mô đầu tư hệ thống dẫn nước từ chiều dài tuyến đường ống chính là 33,4 km xuống còn 19,4 km kèm theo 17 km ống nhánh. Đồng thời rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh DA.

Về tính pháp lý của hồ sơ DA, Bộ Xây dựng nêu quan điểm: “Hồ sơ chưa làm rõ pháp luật quản lý chi phí đầu tư xây dựng đối với DA...; Hồ sơ trình điều chỉnh chủ trương đầu tư chưa thuyết minh rõ phần không điều chỉnh và phần điều chỉnh của từng thành phần chi phí trong sơ bộ tổng mức đầu tư điều chỉnh so với sơ bộ tổng mức đầu tư đã được duyệt. Mặt khác, giá trị các thành phần chi phí trong sơ bộ tổng mức đầu tư đã được phê duyệt chưa đồng bộ giữa các báo cáo.

Đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo rà soát, đối chiếu giá trị các thành phần chi phí tại Tờ trình số 565/TTr-BQL-TĐ ngày 15/8/2022 của Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi, Báo cáo kết quả thẩm định nội bộ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh số 1169/BC-XD-TĐ ngày 25/8/2022, Tờ trình số 5680/TTr-BNNKH ngày 30/8/2022 của Bộ NN&PTNT với giá trị các thành phần chi phí tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 15/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ...”.

Đề cập tới phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, Bộ Xây dựng cho rằng, các phương án này được: “Nêu trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh thì chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư công trình đầu mối tăng 474 tỷ đồng; Chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hệ thống đường ống dẫn nước tăng khoảng 202 tỷ đồng (do trước đây nội dung này giao UBND tỉnh Hòa Bình tự chịu trách nhiệm nên không tính trong phương án đã được duyệt).

Đề nghị Bộ NN&PTNT cùng UBND tỉnh Hòa Bình xem xét, đánh giá cụ thể, xác định nguyên nhân việc phát sinh chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư làm tăng sơ bộ tổng mức đầu tư của DA, đảm bảo đúng quy định của pháp luật”.

Cần làm rõ có hay không chuyện vay tiền mất nhà?
Giải quyết tố giác có đúng quy định của pháp luật?
Cần làm rõ giá dịch vụ khám, chữa bệnh và niêm yết công khai

Khắc Hạnh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.