Ngăn chặn thực phẩm bẩn tấn công người tiêu dùng dịp cận Tết

Liên tiếp các vụ hàng hóa không nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) bị bắt giữ khi đang được vận chuyển, tập kết để đưa đến bàn ăn phục vụ người tiêu dùng (NTD). Tết đến là cơ hội cho các gian thương kinh doanh bất chính, cũng là lúc nỗi lo của NTD tăng hơn bao giờ hết vì sức khỏe bị đe dọa bởi bữa ăn hàng ngày.
Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở tại địa chỉ số 483 đường An Dương Vương, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đang kinh doanh 1 tấn ức vịt đông lạnh và 180kg cánh gà đông lạnh không có hóa đơn chứng từ.
Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở tại địa chỉ số 483 đường An Dương Vương, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đang kinh doanh 1 tấn ức vịt đông lạnh và 180kg cánh gà đông lạnh không có hóa đơn chứng từ.

Qua các vụ việc hàng hóa không đảm bảo vệ sinh ATTP bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ cho thấy, nỗi lo về ATTP cuối năm vẫn luôn hiện hữu, đòi hỏi công tác phát hiện, đấu tranh của lực lượng chức năng cần phải triển khai mạnh mẽ hơn nữa. Đội Quản lý thị trường số 9 - Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Đội 5 - Phòng Cảnh sát môi trường - CATP Hà Nội vừa phát hiện và thu giữ khoảng gần 2 tấn nội tạng động vật có dấu hiệu bị phân hủy đang trên đường đi tiêu thụ.

Theo đó, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra đột xuất xe tải BKS 29H -17814 đang dừng đỗ tại trước số nhà 50 ngõ 28 Xuân La, phường Xuân La, quận Tây Hồ. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình được bất kì hóa đơn chứng từ liên quan đến nguồn gốc số nầm lợn, trứng non đông lạnh.

Theo đại diện Đội 5, Phòng Cảnh sát môi trường - CATP Hà Nội, nếu không được phát hiện kịp thời, số nội tạng động vật này có thể sẽ được tiêu thụ tại các cơ sở kinh doanh ăn uống, nhà hàng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe NTD.

Đoàn kiểm tra phát hiện trên thùng xe có chứa 1 tấn nầm lợn và 0,8 tấn tràng trứng gà. Tại thời điểm kiểm tra lái xe không xuất trình được hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của số thực phẩm trên
Đoàn kiểm tra phát hiện trên thùng xe có chứa 1 tấn nầm lợn và 0,8 tấn tràng trứng gà. Tại thời điểm kiểm tra lái xe không xuất trình được hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của số thực phẩm trên.

Trước đó, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ 1 tấn ức vịt đông lạnh và 180kg cánh gà đông lạnh tại 1 hộ kinh doanh trên địa bàn phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Số ức vịt và cánh gà đông lạnh này không có hóa đơn chứng từ, không có căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ hàng hóa là hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Trong tháng 10/2022, Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 17, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội đã thu giữ gần 100 tấn thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc.

Theo đó, khi tiến hành kiểm tra kho hàng tại KCN Quang Minh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội, lực lượng chức năng phát hiện trong kho tập kết các mặt hàng thực phẩm đông lạnh gồm thủ lợn, móng lợn, chân gà, thịt dê nguyên con, dạ dày lợn, ức vịt xông khói, lòng lợn, tai lợn… Đây là kho hàng của Cty TNHH An Việt có địa chỉ tại lô 45-2 KCN Quang Minh, huyện Mê Linh.

Tại thời điểm kiểm tra, toàn bộ số hàng này đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, không có tem nhãn phụ tiếng Việt. Qua kiểm đếm, lực lượng chức năng phát hiện có nhiều sản phẩm được thị trường ưa chuộng với giá bán hàng chục triệu đồng cho một sản phẩm, như: Đùi lợn muối Tây Ban Nha, dê muối nguyên con...

Các sản phẩm này đều không đủ điều kiện bán ra thị trường, bởi có xuất xứ từ nước ngoài và trong tình trạng “3 không”: Không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch và không được cấp phép nhập khẩu theo quy định. Nhìn bằng mắt thường, khó phát hiện ra đây là thực phẩm bẩn (TPB) nhưng trên tem mác cho thấy nhiều sản phẩm đã hết hạn sử dụng từ 1 đến gần 2 năm...

Gần 100 tấn thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc bị phát hiện của Cty TNHH An Việt tại kho hàng địa chỉ lô 45-2 KCN Quang Minh, huyện Mê Linh
Gần 100 tấn thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc bị phát hiện của Cty TNHH An Việt tại kho hàng địa chỉ lô 45-2 KCN Quang Minh, huyện Mê Linh

Đại tá Bùi Đức An - Trưởng phòng 6 Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường cho biết: “Phương thức hoạt động của các đối tượng buôn bán, kinh doanh TPB này là nhập lậu hoặc tạm nhập tái xuất rồi tìm cách tuồn vào thị trường nội địa tiêu thụ. Đặc biệt, để tránh bị phát hiện, các đối tượng nhập hàng di chuyển vào ban đêm, thường xuyên thay đổi cung đường... Nếu không kịp thời phát hiện, xử lý, số TPB nói trên sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe NTD”.

Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết, qua công tác kiểm tra, nắm bắt tình hình hàng hóa dịp Tết Nguyên đán năm nay, tình trạng hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra rất phức tạp. Theo ông Linh, hiện tuyến biên giới ở các tỉnh phía Bắc, Trung Quốc đã rào chặt các đường mòn, lối mở nên mấy tháng qua hàng lậu không thể đi qua đường này mà vòng vào biên giới giáp các tỉnh miền Trung và phía Nam. Hiện, hàng hóa từ miền Trung, miền Nam đổ bộ ra miền Bắc rất lớn...

Qua đó, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, những hàng hóa này khó tiêu thụ được tại các TP lớn nên phần lớn đổ bộ về các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Trong khi 60-65% dân số cả nước hiện tập trung ở nông thôn nên nguy cơ người dân sử dụng các sản phẩm hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng trong dịp Tết rất lớn.

Ông Linh cũng đề nghị các siêu thị, trung tâm thương mại khi phân phối hàng hóa Tết, cần lựa chọn những mặt hàng chất lượng, kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc sản phẩm. Còn với NTD nên chọn những thực phẩm có chứng nhận vệ sinh ATTP, không ham rẻ mà mua phải những TPB trà trộn, có nguy cơ gây hại cho bản thân và gia đình.

Theo kế hoạch, Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh, TP tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các kho bãi, điểm tập kết hàng hóa gần biên giới, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, kho chứa hàng đông lạnh, các đơn vị nhập khẩu kinh doanh thực phẩm đông lạnh...

Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP đã ban hành Kế hoạch triển khai công tác đảm bảo ATTP Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023. Các cơ quan liên ngành sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành từ Trung ương đến cấp xã tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các TP lớn.

Đối tượng kiểm tra là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và các lễ hội như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm... và các cơ sở dịch vụ ăn uống.

Lại chuyện thực phẩm bẩn dịp cuối năm
Nghệ An: Chở thực phẩm bẩn đi tiêu thụ, gặp công an liền vứt hàng bỏ chạy
Hà Nội: Chủ động nguồn cung nông sản, thực phẩm dịp Tết
Cẩn trọng khi mua thực phẩm Tết trên mạng

Thái Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.