Cô gái bị em bé đổ nước làm hỏng laptop ở quán cà phê: Luật sư nói gì?

Mới đây, câu chuyện tại quán cà phê về cháu bé làm đổ nước vào chiếc MacBook của cô gái trẻ nhưng bố mẹ không chịu trách nhiệm tạo nhiều tranh cãi trên mạng xã hội.
Vụ cô gái bị trẻ đổ nước vào laptop nhưng phụ huynh chỉ "đền" tiền sấy, luật sư nói gì?
Bài đăng của chị L.H. trên trang Facebook cá nhân

Câu chuyện xôn xao mạng xã hội

Sáng ngày 17/12, mạng xã hội xôn xao với thông tin một cô gái bị cháu bé làm hỏng máy tính nhưng cha mẹ của em bé không chịu trách nhiệm. Thông tin này xuất phát từ dòng trạng thái của tài khoản Facebook có tên L.H.

Cụ thể, ngày 11/12, chị H. cùng bạn đến quán cà phê để uống nước và học bài. Trong lúc chị H. chăm chú làm bài chuẩn bị thi cuối kỳ, một em bé từ đâu chạy đến bàn của chị.

Chị H. vừa ngẩng đầu lên thì em bé đã quơ tay vào ly nước của H. Chị H. nhanh tay chụp lại ly nước thì em bé chuyển hướng quơ sang ly nước của bạn chị H. Lúc này, bạn chị H. đang mải làm việc, còn chị H. không kịp chụp ly nước lại. Chiếc ly ngã ra, đổ hết nước lên chiếc Macbook của chị H.

Nhìn thấy sự việc, nhân viên quán chạy đến lau giúp cho chị H. Trong lúc chị H. tức giận, không thể nói chuyện, bạn chị H. đã đứng ra nói chuyện với mẹ của em bé. Người phụ nữ này đưa cho bạn chị H. một số điện thoại và hứa sẽ chịu trách nhiệm.

Ngay sau đó, chị H. đem máy tính ra tiệm sửa chữa. Chị H. cẩn thận quay lại cảnh sửa máy và ý kiến của thợ sửa máy tính. Chị H. còn gọi điện cho mẹ của em bé, nhờ trao đổi với thợ sửa máy tính để biết chi phí sửa chữa. Tuy nhiên, người phụ nữ này nói: “Không cần nói chuyện, máy như thế nào thì sửa như thế thôi”.

Chị H. tin tưởng người phụ nữ này có trách nhiệm nên không hề nghi ngờ. Thế nhưng, lúc chị H. nhắn tin báo tình trạng hư hỏng nặng của máy và đề nghị hỗ trợ, mẹ của em bé không phản hồi. Sau đó, bố của cháu bé gọi lại cho chị. Anh này hỏi chị H. máy của chị mới hay cũ và đã sửa bao giờ chưa?

“Khi em nói là máy em mua mới và chưa từng sửa chữa thì anh bảo “anh không biết máy em mua lại hay mua bóc seal nhưng anh sẽ không chịu trách nhiệm thêm gì ngoài trả tiền sấy máy. Em mang máy ra ngoài thì em phải tự bảo quản, còn trẻ con nó không biết gì, nó làm đổ vào là không may, việc của em là bảo quản máy, không bảo quản được là lỗi do em. Còn em có thích tác động thế nào thì tác động, anh chị sẽ không đền máy cho em đâu, anh nói thế cho em hiểu, còn chị đang cho cháu ngủ rồi, thế nhé”, chị H. chia sẻ.

Nói xong, bố cháu bé cúp máy ngang, chị H. gọi lại hay nhắn tin đều không nghe máy. “Trong cuộc gọi không hề có 1 câu xin lỗi nào từ phía anh này, em cũng chưa hề đòi đền bù gì cả, ý của em từ đầu chỉ xuất phát là nói rõ ràng vấn đề, để nếu sau máy em có vấn đề em còn dễ nói chuyện giải quyết, còn nếu máy em không sao, thì mọi chuyện dừng ở đây, em không yêu cầu hay ăn vạ gì cả…”, chị H. chia sẻ thêm.

Máy tính của chị H. sau đó không mở được loa nên chị mang ra cửa hàng kiểm tra, có gọi và nhắn tin cho vợ chồng chị này đều không trả lời. Thợ nói do main bị chập, rất có nguy cơ bị hỏng luôn. Trường hợp xấu nhất hỏng main thì phải thay main, chi phí 8-9 triệu. “Em có liên hệ nhà anh chị kia thì không nhận được phản hồi nào. Tất cả chỉ dừng lại ở tin nhắn của chị vợ như trong hình và chi trả 150.000 tiền sấy máy”, chị H. viết.

Ngày 16/12, chị H. quá bức xúc nên đăng tải câu chuyện lên mạng xã hội và được nhiều người ủng hộ. Mọi người còn ra sức chia sẻ câu chuyện, mong muốn phụ huynh của em bé hỗ trợ sửa chữa máy tính cho chị H.

Hành vi có lỗi, gây ra thiệt hại thì phải bồi thường

Trao đổi với PL&XH, TS.Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, những sự việc trẻ em hiếu động gây ra thiệt hại đến tài sản là khá phổ biến trong đời sống xã hội, cách giải quyết cũng rất khác nhau tùy thuộc vào từng người và từng mối quan hệ cụ thể. Trẻ em còn quá nhỏ thì cha mẹ có trách nhiệm phải trông, giữ. Nếu trẻ em gây ra thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Về nguyên tắc thì hành vi có lỗi, gây ra thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại. Nếu trẻ em gây ra thiệt hại thì cha mẹ, người giám hộ có trách nhiệm phải bồi thường. Nếu cả hai bên đều có lỗi thì việc bồi thường sẽ tương ứng với phần lỗi của mỗi bên.

Theo TS.Luật sư Đặng Văn Cường, việc bồi thường thiệt hại trong quan hệ dân sự được điều chỉnh bởi các quy định của Bộ luật Dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và bồi thường thiệt hại trong quan hệ dân sự nếu như thiệt hại phát sinh từ các hợp đồng dân sự. Để xác định ai phải bồi thường, bồi thường bao nhiêu thì phải căn cứ vào năng lực trách nhiệm hành vi dân sự, mức độ lỗi và thiệt hại thực tế đã xảy ra.

Với người đã thành niên thì bản thân phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình. Còn với người chưa thành niên, trong đó có trẻ em thì việc chịu trách nhiệm dân sự sẽ phụ thuộc vào từng độ tuổi nhất định và phụ thuộc vào việc trẻ em đó có tài sản riêng hay không và có lỗi như thế nào.

Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân được quy định tại Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể như sau: Người từ đủ 18 tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường. Người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này.

Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

“Như vậy theo quy định của Bộ luật Dân sự thì: Người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha mẹ thì cha mẹ phải bồi thường thiệt hại. Người chưa đủ 15 tuổi được xác định là không có khả năng chịu trách nhiệm bồi thường. Hơn nữa, bản thân họ vẫn chịu sự giám sát quản lý của cha mẹ nên khi họ gây thiệt hại, cha mẹ được xem là có lỗi trong việc quản lý (lỗi suy đoán) nên cha mẹ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Tuy nhiên, nếu tài sản của cha mẹ không đủ mà con có tài sản riêng thì cha mẹ được lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu. Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì bản thân họ phải bồi thường bằng tài sản của mình. Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được xác định là có năng lực chịu trách nhiệm bồi thường, đồng thời người trong độ tuổi này có thể tham gia ký kết một số hợp đồng, giao dịch dân sự (bao gồm cả hợp đồng lao động).

Nếu người gây thiệt hại không đủ tài sản để bồi thường thì cha mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình. Trường hợp người chưa thành niên gây thiệt hại mà có người giám hộ thì sẽ xử lý như sau: Nếu người được giám hộ có đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; Nếu người được giám hộ không có hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; Nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản để bồi thường”, TS. Luật sư Đặng Văn Cường phân tích.

Cũng theo TS. Luật sư Đặng Văn Cường, việc bồi thường thiệt hại trong các quan hệ dân sự không chỉ giải quyết trên cơ sở pháp luật mà còn giải quyết trên cơ sở tình cảm, tình người sao cho hài hòa, đảm bảo công bằng cho các bên. Một trong những nguyên tắc cơ bản trong mối quan hệ dân sự là "cốt ở đôi bên", "tôn trọng sự thỏa thuận của các bên".

Bởi vậy, khi mối quan hệ dân sự có những mâu thuẫn, tranh chấp thì ưu tiên hàng đầu là ưu tiên tự thỏa thuận hoặc trung gian hòa giải, nếu không thể thỏa thuận được, không thể hóa giải được thì có thể đưa sự việc tới tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Vụ cô gái bị trẻ đổ nước vào laptop nhưng phụ huynh chỉ "đền" tiền sấy, luật sư nói gì?
TS.Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp

Trách nhiệm của bố mẹ cháu bé trong câu chuyện như thế nào?

“Trong vụ việc trên hai yếu tố quan trọng đầu tiên là xác định cháu bé có lỗi hay không và có thiệt hại hay không. Nếu trường hợp cháu bé có lỗi và có thiệt hại xảy ra thì cha mẹ của cháu bé có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại tương ứng với phần lỗi của cháu bé. Trong câu chuyện ở trên, theo thông tin của người bị thiệt hại thì cha mẹ của cháu bé đã thoái thác trách nhiệm, chỉ chịu trách nhiệm một phần nhỏ thiệt hại mà không chịu trách nhiệm đối với tài sản bị hư hại là có vẻ không thỏa đáng, gây ấm ức cho người bị thiệt hại.

Về lý thì nếu không đồng ý, người bị thiệt hại có thể khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Tuy nhiên trên thực tế thủ tục khởi kiện để yêu cầu bồi thường số tiền 10.000.000 đồng là một việc ít khi xảy ra bởi thủ tục tố tụng ở Việt Nam hiện nay rất phức tạp, rắc rối và kéo dài. Thời gian công sức để tham gia một vụ kiện kéo dài đến cả năm trời, chưa nói đến giai đoạn thi hành án thì 10.000.000 đồng không đủ chi phí cho thời gian công sức keo kiệt, có lẽ chính vì thế nhiều người đã bỏ cuộc”, TS. Luật sư Đặng Văn Cường phân tích

TS. Luật sư Đặng Văn Cường chia sẻ thêm: “Bạn trẻ trong tình huống này có thể phần nào đã hiểu được việc khởi kiện để đòi bồi thường thiệt hại là khó khăn nên đã chia sẻ với cộng đồng mạng, hy vọng rằng sự lên tiếng của cộng đồng có thể khiến cha mẹ của cháu bé suy nghĩ lại mà bồi thường cho thỏa đáng.

Trong vụ việc này mâu thuẫn của hai bên về việc xác định giá trị thiệt hại và xác định lỗi. Thực ra nếu có thiện chí để giải quyết thì hai vấn đề này rất dễ để xác định. Thiệt hại thì sẽ do đơn vị sửa chữa thông báo và trên cơ sở hóa đơn thực tế mà người bị thiệt hại phải thanh toán. Còn vấn đề lỗi thì sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố trong đó có vị trí để cốc nước, khả năng quan sát của người có cốc nước đó và trách nhiệm quản lý con cái của các phụ huynh.

Trong vụ việc này có thể sẽ được xác định là lỗi hỗn hợp, trong đó em bé có một phần lỗi và người để cốc nước gần với thiết bị điện tử mà không chú ý bảo vệ cũng có một phần lỗi. Bởi vậy rất khó để có thể yêu cầu cha mẹ em bé bồi thường 100% thiệt hại và có lẽ chỉ bồi thường một phần thiệt hại tương ứng với phần lỗi của cháu bé là phù hợp”.

TS. Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng: “Sự việc thì đã xảy ra, thiệt hại đã có rồi. Nếu cha mẹ của cháu bé không bồi thường thiệt hại trong trường hợp này thì có lẽ bản thân sẽ có những suy nghĩ, dằn vặt và không có gì dám chắc là mình sẽ hoàn toàn may mắn trong mọi tình huống, ai cũng có thể thiếu may mắn, bị thiệt hại và nếu khi đó người khác cũng đối xử với mình như vậy thì sẽ rất ân hận. Bởi vậy, việc liên hệ lại với người bị thiệt hại để bồi thường một phần thiệt hại là điều nên làm để cuộc sống được thanh thản

Còn đối với người bị thiệt hại thì cũng không nên hy vọng là sẽ được bồi thường toàn bộ thiệt hại. Cuộc sống luôn có những rủi ro và những sơ hở, sơ ý đó là những bài học. Đôi khi thiệt hại có thể là học phí khiến chúng ta thận trọng hơn, có ý thức bảo vệ tài sản của mình tốt hơn. Nếu để cốc nước gần thiết bị điện tử thì không chỉ người khác có thể sơ ý làm đổ vào mà bạn bản thân mình cũng có thể sơ ý làm đổ và gây thiệt hại. Bởi vậy vấn đề bồi thường thiệt hại ở đây hợp lý nhất là bồi thường một phần và phần thiệt hại còn lại phải tự chịu và coi đó như một bài học để mình cẩn thận hơn”.

Lan toả kiến thức pháp luật đến học sinh THCS Lan toả kiến thức pháp luật đến học sinh THCS
Không thể biện minh cho sự nóng giận bằng hành vi vi phạm pháp luật Không thể biện minh cho sự nóng giận bằng hành vi vi phạm pháp luật

An Nhiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.