Cần thiết xây dựng chính sách thu hút doanh nghiệp dân sinh tham gia công nghiệp quốc phòng

Phát triển công nghiệp quốc phòng (CNQP) lưỡng dụng cùng với chính sách thu hút doanh nghiệp dân sinh tham gia vào lĩnh vực CNQP là một trong những chính sách chính của Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Cần thiết xây dựng chính sách thu hút doanh nghiệp dân sinh tham gia công nghiệp quốc phòng

Khuyến khích doanh nghiệp dân sinh tham gia hoạt động CNQP là rất cần thiết. Ảnh minh họa

Về chính sách này, ngay trong tờ trình đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Bộ Quốc phòng đã nêu rất rõ.

Cụ thể, Bộ Chính trị đã ban hành các Nghị quyết chuyên đề về xây dựng và phát triển CNQP với những quan điểm, mục tiêu, yêu cầu, giải pháp phù hợp với từng giai đoạn phát triển đất nước, trong đó xác định “Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng là nhiệm vụ cơ bản vừa có ý nghĩa cấp bách trước mắt, vừa là nhiệm vụ chiến lược lâu dài; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn Đảng, toàn dân, toàn quân”, “Công nghiệp quốc phòng là ngành đặc thù, phải được chăm lo xây dựng và phát triển theo một cơ chế đặc thù và được ưu tiên trong đầu tư phát triển”, “Coi trọng phát triển nguồn nhân lực, nguồn lực khoa học công nghệ, huy động tối đa thành tựu của nền công nghiệp quốc gia phục vụ công nghiệp quốc phòng”.

Nghị quyết đã đề ra sách lược ĐVCN và huy động công nghiệp dân sinh trong phát triển CNQP: “Huy động sự tham gia tích cực, đầy đủ của công nghiệp quốc gia trong các khâu, các bước của công nghiệp quốc phòng, nhất là việc huy động đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ và các cơ sở công nghiệp dân sinh sản xuất các nguyên, vật liệu chính cho công nghiệp quốc phòng”; “Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp then chốt của quốc gia để tham gia sâu, thiết thực hơn vào hoạt động công nghiệp quốc phòng”; “Mở rộng phạm vi hoạt động của khoa học công nghệ dân sinh tham gia nghiên cứu phục vụ công nghiệp quốc phòng”.

Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 16/4/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược Quốc phòng Việt Nam tiếp tục khẳng định mục tiêu “Xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng tự lực, tự cường, lưỡng dụng, ngày càng hiện đại, có trình độ khoa học, công nghệ cao”; Nghị quyết đưa ra giải pháp “…hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp quốc phòng dài hạn, trung hạn phù hợp với điều kiện mới”, “Lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, huy động nguồn lực xã hội cho phát triển giáo dục, đào tạo, xây dựng nguồn lực chất lượng cao...”.

Cùng với đó, xác định công nghiệp quốc phòng là một bộ phận quan trọng của công nghiệp quốc gia, tiềm lực quốc phòng và an ninh đất nước. Ngành Công nghiệp Quốc phòng đã nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa được nhiều loại vũ khí, khí tài, trang bị, đạn dược, các sản phẩm lưỡng dụng, kinh tế có tính chuyên môn hóa với hàm lượng khoa học cao, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc và tham gia tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội.

Phát huy kết quả đó, với tầm nhìn chiến lược, trên cơ sở bám sát thực tiễn, nhất là yêu cầu phát triển Quân đội trong tình hình mới, Đại hội XIII của Đảng xác định: “Xây dựng, phát triển nền công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh hiện đại, lưỡng dụng, vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội”. Đây là giải pháp chiến lược, cụ thể hóa chủ trương: xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; đến năm 2025 cơ bản xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Để hiện thực hóa nhiệm vụ quan trọng này, theo Đại tá Dương Văn Hùng, Viện Chiến lược Quốc phòng, nội dung thu hút nhân sự, doanh nghiệp dân sự tham gia vào CNQP luôn cần tập trung. Theo Đại tá Hùng, nhu cầu đầu tư cho xây dựng, phát triển nền công nghiệp hiện đại là rất lớn, nhất là đầu tư vào những lĩnh vực công nghệ cốt lõi, có tính dẫn hướng, tiên phong trong thiết kế, chế tạo vũ khí, khí tài hiện đại, đặc biệt là các khâu tích hợp hệ thống, kiểm tra, thử nghiệm vũ khí, trong khi đó ngân sách Nhà nước đầu tư cho lĩnh vực này còn hạn hẹp. Vì thế, bên cạnh việc tăng cường nguồn đầu tư của Nhà nước theo tiềm lực đất nước, cần mở rộng phương thức huy động, phát huy tổng thể các nguồn lực cho thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

Cũng vậy, quá trình triển khai, thực hiện cần nghiên cứu, tham khảo, tiếp thu kinh nghiệm của các nước có nền công nghiệp quốc phòng phát triển về thu hút vốn đầu tư, chuyên gia giỏi, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp quốc phòng; áp dụng mô hình đối tác công - tư, liên doanh với nước ngoài… Các cơ quan, đơn vị cần đặc biệt chú trọng đầu tư đổi mới, hiện đại hóa công nghệ, “đi tắt đón đầu”, kết hợp đa năng, lưỡng dụng, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật…

Cùng với đó, cần chú trọng xây dựng, phát triển, thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp quốc phòng; ưu tiên xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ khoa học có trình độ cao, các nhóm nghiên cứu mạnh, chuyên sâu, chuyên gia đầu ngành, đội ngũ kỹ sư giỏi. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng nguồn nhân lực phù hợp với mục tiêu, lộ trình xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng trong từng giai đoạn, nhiệm vụ.

Từ đó, dự thảo quy định các chính sách cho phép và khuyến khích doanh nghiệp dân sinh tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng - an ninh là rất cần thiết nhằm huy động nguồn lực dân sinh cùng Nhà nước phát triển công nghiệp quốc phòng - an ninh.

Trước đó, trong phần góp ý về dự thảo Luật, về chính sách này VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc một số nội dung.

Theo VCCI, đảm bảo tính ổn định của chính sách, các doanh nghiệp, nếu muốn tham gia vào lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, đặc biệt là các lĩnh vực công nghệ cao, cần có sự đầu tư về cơ sở vật chất và công nghệ phù hợp. Các hoạt động này có thể tốn một khoản đầu tư lớn của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp có thể rất ngần ngại bỏ chi phí đầu tư nếu như có những rủi ro lớn khiến họ không chắc chắn về lợi nhuận. Một trong các vấn đề lo ngại của doanh nghiệp là sự thay đổi của chính sách, chẳng hạn lĩnh vực được phép tham gia, hoặc tỷ lệ sản phẩm quốc phòng, an ninh giao cho các doanh nghiệp dân sinh. Do vậy, cần bổ sung nội dung duy trì sự ổn định các chính sách xã hội hoá cho doanh nghiệp dân sinh vào chính sách này.

Về đối tượng hưởng chính sách, Dự thảo đang quy định cho phép các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng - an ninh. Cần lưu ý rằng, lĩnh vực quốc phòng - an ninh là một trong số ít các lĩnh vực ít bị ràng buộc bởi các cam kết thương mại quốc tế, chẳng hạn như quy tắc đối xử công bằng giữa các loại hình doanh nghiệp hay đấu thầu rộng rãi quốc tế. Do vậy, cơ quan soạn thảo nên cố gắng tận dụng không gian chính sách này để hỗ trợ và ưu tiên cho các doanh nghiệp nội địa, giúp nâng cao tiềm lực của các doanh nghiệp này, đóng góp vào quá trình xây dựng nền công nghiệp dân sinh và nền công nghiệp quốc phòng - an ninh của Việt Nam.

Cần thiết có quy hoạch, kế hoạch xây dựng cụ thể để CNQP trở thành mũi nhọn công nghiệp quốc gia
Cần bổ sung chính sách cho nhân sự ngoài quốc phòng tham gia sản xuất

Duy Linh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.