Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”:

Niềm tự hào của các thế hệ trên mảnh đất Hà Nội văn hiến, anh hùng

Đó là thông điệp sâu sắc của những chương trình kỷ niệm 50 năm "Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", trong đó có nhiều triển lãm giới thiệu đến công chúng hàng trăm hình ảnh, tài liệu, hiện vật,... về chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta.
Niềm tự hào của các thế hệ trên mảnh đất Hà Nội văn hiến, anh hùng
Lễ khai mạc Triển lãm chuyên đề “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”

Triển lãm chuyên đề “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” khai mạc sáng 15/12 tại Bảo tàng Chiến thắng B.52 nằm trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và Cục chính trị - Bộ Tư lệnh Thủ đô phối hợp tổ chức.

Triển lãm giới thiệu 300 hình ảnh, hiện vật, tài liệu, theo 5 chủ đề: Âm mưu của Mỹ; Hà Nội chiến đấu và chiến thắng; Tội ác của Mỹ và sự trừng phạt; Thế giới ủng hộ và ngợi ca chiến thắng; Hà Nội xưa và nay.

Điểm nhấn của triển lãm là làm nổi bật tinh thần quyết chiến quyết thắng, trí tuệ đặc biệt của dân tộc Việt Nam nói chung, của quân dân Thủ đô nói riêng đã làm nên chiến công huyền thoại, tạo bước chuyển quan trọng đưa sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam đến thắng lợi hoàn toàn.

Triển lãm nhằm khẳng định vị trí, tầm vóc, giá trị lịch sử to lớn của Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cách đây 50 năm - niềm tự hào của các thế hệ trên mảnh đất Hà Nội văn hiến, anh hùng. Qua đó nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp Nhân dân về tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước.

Triển lãm kéo dài đến hết tháng 2/2023.

Niềm tự hào của các thế hệ trên mảnh đất Hà Nội văn hiến, anh hùng
Các đại biểu và công chúng tham quan Triển lãm chuyên đề “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”

Trước đó, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với các đơn vị tổ chức chuỗi sự kiện kỷ niệm, mở cửa phục vụ khách tham quan từ ngày 14/12 tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, số 19 đường Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội.

Cụ thể, trong chuỗi sự kiện, điểm nhấn là Triển lãm "Từ mặt đất đến bầu trời" do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Bảo tàng Chiến thắng B.52, Cục Chính trị - Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn Không quân 923 phối hợp tổ chức.

Triển lãm gồm 2 chủ đề: “B.52: Hà Nội không bất ngờ” và “Từ mặt đất đến bầu trời”, giới thiệu hơn 100 tài liệu đến công chúng, nhằm góp phần làm rõ hơn về thế trận phòng không mà quân và dân Hà Nội và các tỉnh miền Bắc Việt Nam đã chuẩn bị, chiến đấu đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược với mật danh Linerbaker II của Mỹ. Đặc biệt là vai trò chỉ huy, kết nối thông suốt các mặt trận từ căn hầm Chỉ huy Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu (Hầm T1).

Niềm tự hào của các thế hệ trên mảnh đất Hà Nội văn hiến, anh hùng
Sự kiện Ứng dụng công nghệ thông tin để diễn giải câu chuyện lịch sử tại Hầm chỉ huy Tác chiến T1- "Hầm T1 trong đêm bão lửa" mang lại những cảm xúc chân thực cho công chúng

Đặc biệt, Triển lãm lần đầu tiên giới thiệu câu chuyện của 108 phi công Việt Nam, những nhân chứng đã từng tham gia chiến đấu bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Đặc biệt, trong đó là câu chuyện của những phi công trực tiếp tham gia chiến đấu đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B.52 của đế quốc Mỹ cuối năm 1972.

Trong khuôn khổ Triển lãm, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn Không quân 923 tổ chức chương trình tọa đàm, giao lưu cùng các nhân chứng lịch sử, những phi công chiến đấu quả cảm, anh dũng của Phi đội bay đêm đánh B.52 Mỹ. Đồng thời ra mắt, giới thiệu cuốn sách: "108 phi công chiến đấu Việt Nam" và "Hầm chỉ huy tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu trong khu di sản Hoàng thành Thăng Long".

Những câu chuyện chân thực của chính những người trong cuộc sẽ giúp công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng của Thủ đô và dân tộc, từ đó nhắc nhở thế hệ hôm nay sống có lý tưởng, hoài bão, cống hiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bên cạnh đó là sự kiện Ứng dụng công nghệ thông tin để diễn giải câu chuyện lịch sử tại Hầm chỉ huy Tác chiến T1- "Hầm T1 trong đêm bão lửa".

Hầm Sở Chỉ huy Tác chiến T1 của Bộ Tổng Tham mưu thuộc cơ quan Tổng Hành dinh Quân đội Nhân dân Việt Nam, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Căn hầm được xây dựng vào năm 1964, là nơi tiếp nhận những báo cáo cũng như đưa ra các chỉ đạo trực tiếp đến khắp các chiến trường trên cả nước.

Đặc biệt, trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, Hầm Chỉ huy Tác chiến cùng một lúc thực hiện 3 nhiệm vụ lớn: Chỉ huy bắn rơi nhiều máy bay Mỹ; đảm bảo giao thông chi viện cho miền Nam; tổ chức báo động phòng không nhân dân. Chính tại căn Hầm này đã phát ra những hồi còi đầu tiên báo động phòng không trên toàn thành phố Hà Nội khi máy bay Mỹ tiến vào bắn phá Thủ đô. Toàn thể Nhân dân được thông báo vào hầm trú ẩn trước 35 phút. Các đơn vị vũ trang sẵn sàng chiến đấu.

Trong sự kiện chào mừng 50 năm chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội lần đầu tiên ứng dụng công nghệ 3D mapping tái hiện lại hoạt cảnh "Hầm T1 trong đêm bão lửa", diễn giải câu chuyện và không khí làm việc dưới Hầm T1 trong ngày đầu tiên Mỹ đưa B.52 đánh ra Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, đặc biệt là thời khắc chiếc máy bay B.52 đầu tiên bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội trong đêm mở màn chiến dịch, tạo ấn tượng và cảm xúc đặc biệt cho khách tham quan.

Chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”: Tầm nhìn xa chiến lược Chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”: Tầm nhìn xa chiến lược
Chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”: Từ bên kia chiến tuyến Chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”: Từ bên kia chiến tuyến
Tổ chức kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” Tổ chức kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”

An Nhiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.