Nghệ An: Thông tin cảnh báo xả lũ vẫn còn những “khoảng trống”

Câu chuyện hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện có phải là một phần nguyên nhân gây lũ, ngập úng cho vùng hạ lưu, việc vận hành hồ chứa liệu đã đúng và công tác điều hành cũng như trách nhiệm quản lý Nhà nước... được cử tri tỉnh Nghệ An hết sức quan tâm.
Nghệ An: Thông tin cảnh báo xả lũ vẫn còn những “khoảng trống”
Vấn đề thông tin tuyên truyền, cảnh báo xả lũ của hồ thủy lợi, thủy điện đến những người ở hạ du còn những “khoảng trống” - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý nhấn mạnh.

Chiều 8/12, HĐND tỉnh Nghệ An đã diễn ra phiên chất vấn, trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Tại phiên chất vấn, một số đại biểu nêu ý kiến về việc cần làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước về lĩnh vực thủy điện trên địa bàn, nhất là vấn đề xả lũ, vận hành xả lũ mùa mưa bão, xây dựng bản đồ ngập lụt, lắp đặt cơ sở dữ liệu theo dõi cảnh báo và cảnh báo sớm về lũ lụt...

Trả lời chất vấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Đệ cho biết, Nghệ An đã xây dựng được 1 bản đồ ngập lụt vùng hạ du sông Cả, còn hạ du Vực Mẫu và sông Sào thì đang xây dựng. Xây dựng xong, cắm mốc và bàn giao cho người dân sử dụng thì phải cắm mốc, kinh phí cho việc này đang gặp khó khăn. Bản đồ ngập lụt cũng chỉ cảnh báo chứ không phải chống lũ.

Nghệ An: Thông tin cảnh báo xả lũ vẫn còn những “khoảng trống”
Ông Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An trả lời chất vấn.

Về dữ liệu hồ chứa, cảnh báo mưa, mực nước trong hồ, lưu lượng đến, lưu lượng xả, hiện Nghệ An đã xây dựng được dữ liệu tại hai hồ là Vực Mẫu và sông Sào, hồ Vực Mẫu đang vận hành còn hồ sông Sào thì không vận hành được do đã xuống cấp. Còn 22 đập thủy điện đều được lắp đặt, vận hành bình thường. Hiện Nghệ An có 22 thủy điện đang hoạt động, 20 hồ thủy điện điều tiết ngày đêm, 2 hồ thủy điện điều tiết năm là Bản Vẽ và Hủa Na.

Qua rà soát cho thấy những bất cập, thứ nhất là xả lũ chưa liên hoàn, sinh ra sạt lở, ngập úng hạ du. Ngoài vận hành xả lũ còn bất cập ở chỗ dòng chảy vùng hạ du hẹp, việc xâm lấn gây ách tắc dòng chảy, mưa lũ ngày càng cục bộ, ảnh hưởng từ đầu nguồn cũng như ảnh hưởng thời tiết nên mưa cục bộ sinh ra sạt lở, ngập úng vùng hạ du. Đã tập trung xây dựng và điều chỉnh phê duyệt tất cả các hồ chứa đều có quy trình vận hành, đã đề nghị Thủ tướng phê duyệt 2 quy trình vận hành liên hồ chứa. Trong mưa lũ các chủ hồ cũng đã vận hành đúng quy định. Việc kiểm tra giám sát thì tỉnh giao Sở Công Thương phối hợp các chủ hồ chứa để có đánh giá báo cáo...

Việc bố trí nhân lực đối với Nhà nước, có 7 công ty về quản lý vận hành hồ đập là ổn định. Đối với công ty tư nhân, đó là 960 hồ thủy lợi giao xã quản lý, xã giao tư nhân quản lý thì đề nghị địa phương với những hồ lớn nên giao cho công ty Nhà nước quản lý, giao cho hợp tác xã quản lý.

Đối với liên hồ chứa, vận hành liên hồ chứa đã ban hành quyết định vận hành liên hồ chứa, nhưng việc vận hành chưa nhuần nhuyễn, tỉnh sẽ chỉ đạo Chi cục Thủy lợi, Ban phòng chống thiên tai ban hành quy trình vận hành, thành lập Ban chỉ đạo cũng như các phương án theo dõi để trình và tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh để có những chỉ đạo những lúc cần thiết để vận hành liên hồ chứa tốt hơn.

Ông Nguyễn Văn Đệ cho rằng, trong công tác phòng chống thiên tai có cái chưa được thống nhất, ví dụ điều hành thủy điện giao cho Công thương quản lý. Thực tế, điều hành thủy điện, thủy lợi thì phải giao cho ngành Nông nghiệp. Do đó bất cập, trong quá trình điều hành chưa được thống nhất, việc này tỉnh sẽ tiếp tục có ý kiến với Bộ xem xét vấn đề này để công tác vận hành hồ chứa tốt hơn.

Về nội dung này, ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công thương cho rằng, quy trình vận hành liên hồ do Chính phủ phê duyệt, quy trình lớn quy mô từ 1 tỷ m3 trở lên hoặc từ 500 triệu đến 1 tỷ m3 nhưng dưới mức đó là thành phố hoặc khu công nghiệp thì Bộ Công thương phê duyệt, còn lại do UBND tỉnh phê duyệt. Ở Nghệ An có thủy điện Bản Vẽ và Hủa Na là do Bộ phê duyệt, còn lại là do tỉnh phê duyệt. Sở Công Thương đã lấy ý kiến các sở ngành liên quan để thẩm định kỹ phê duyệt các quy chế vận hành hồ thủy điện. Và trong quy chế vận hành đều nêu rất rõ các nội dung về cơ chế vận hành, quy chế vận hành các hồ thủy điện.

Về giám sát được thực hiện chặt chẽ, thường xuyên qua hệ thống cơ sở dữ liệu. Hiện nay trên 22 hồ đập thủy điện thì đã có cơ sở dữ liệu trực tuyến về Bộ Công thương, trong đó có 15 hồ chứa nhập dữ liệu tự động, 2 hồ chứa bán tự động và 5 hồ chứa nhập dữ liệu thủ công và có điều chỉnh 5 năm một lần. Bản đồ vùng hạ lưu, hiện có một bản đồ sông Cả được Bộ Nông nghiệp phê duyệt, tuy nhiên hiện nay chưa sử dụng hiệu quả là chưa rõ ranh giới vùng hạ lưu. Tháng 9 vừa qua, Sở đã tham mưu UBND tỉnh, báo cáo Bộ Nông nghiệp để làm rõ vùng hạ lưu nhằm phục vụ công tác quản lý.

Nghệ An: Thông tin cảnh báo xả lũ vẫn còn những “khoảng trống”
Ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An.

Việc xả lũ đều tuân theo quy định, Nghệ An có 22 hồ đập thuy điện nhưng chỉ có 2 hồ có chức năng tích lũ và xả lũ là Bản Vẽ và Hủa Na. Hủa Na xả lũ chủ yếu về Thanh Hóa, còn Bản Vẽ năm vừa rồi là không xả lũ, đỉnh nước đập dâng là 200m nhưng năm vừa rồi đỉnh lũ chỉ 170m, được tích lũ lớn nhất là 198m. Về thủy điện Chi Khê, chỉ điều chỉnh quy hoạch chứ không thi công vượt thiết kế.

Kết luận phần chất vấn chiều 8/12, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý khẳng định Nghệ An là tỉnh có hồ thủy lợi, thủy điện lớn nhất nước (chiếm 15%), lại chịu tác động của nhiều loại hình thiên tai. Trong khi đó, các hồ đập xuống cấp, thiếu thiết bị quan trắc lượng mưa, bản đồ ngập lụt - đây là vấn đề được tỉnh, cử tri quan tâm, lo lắng. Từ đầu năm 2022 đến nay, thiên tai tại Nghệ An đã làm chết 11 người, bị thương 1 người, 98 nhà bị sập, 973 nhà bị hư hỏng, tốc mái. Thiệt hại lớn về sản xuất nông, lâm nghiệp và các công trình hạ tầng thiết yếu…

Chỉ tính riêng đợt mưa lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 4 vào tháng 10/2022, thiệt hại hơn 1.000 tỉ đồng. Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý nhấn mạnh rằng, các nội dung giải trình cho thấy, tỉnh đã rất chủ động trong phòng chống thiên tai, góp phần giảm nhẹ tác động. Nhưng cũng đã cho thấy những vấn đề căn cơ, cần phải quan tâm khắc phục. Đó là số lượng công trình thủy lợi, hồ đập xuống cấp nhiều gây nguy cơ mất an toàn cao. Thiếu các thiết bị quan trắc, hệ thống giám sát thông mình chưa đảm bảo, một số chính quyền cơ sở chưa làm hết trách nhiệm…

Vấn đề thông tin tuyên truyền, cảnh báo xả lũ của hồ thủy lợi, thủy điện đến những người ở hạ du còn những “khoảng trống”. Như việc thông tin cảnh báo xả lũ lúc 2h sáng chẳng hạn, tất nhiên đã có cảnh báo trước 4 tiếng trước lúc xả lũ nhưng lại thông báo khi 2h sáng, 6h đã xả trong khi người dân đang ngủ thì sao nắm được thông tin và chuẩn bị kịp. Do đó cần nghiên cứu ngay cả trong quy trình xả lũ, trong thực tiễn điều hành có bất cập thì tìm cách khắc phục.

Vì sao gần 150 cán bộ y tế tại Nghệ An xin nghỉ việc? Vì sao gần 150 cán bộ y tế tại Nghệ An xin nghỉ việc?
Vì sao tỷ lệ người lao động nhận được tiền hỗ trợ thuê nhà còn thấp? Vì sao tỷ lệ người lao động nhận được tiền hỗ trợ thuê nhà còn thấp?
HĐND tỉnh Nghệ An họp xem xét nhiều nội dung quan trọng HĐND tỉnh Nghệ An họp xem xét nhiều nội dung quan trọng

Hoàng Phạm

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.