HĐND TP Hà Nội tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động

Năm 2022, HĐND TP Hà Nội đã bám sát Quy chế làm việc, phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, đã lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo chủ động, khoa học, linh hoạt, thiết thực.
HĐND TP Hà Nội tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động
Quang cảnh Kỳ họp.

Sáng 7/12, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 10, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà đã báo cáo về Kết quả hoạt động của HĐND TP Hà Nội năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà cho biết: Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, là năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết XVII Đảng bộ TP, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

TP Hà Nội đã triển khai nghiêm túc các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, đã phát huy tinh thần chủ động, quyết liệt, đoàn kết, sáng tạo, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai hoàn thành mục tiêu tổng quát cả năm khi kinh tế phục hồi tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, dự kiến hoàn thành 22/22 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 8,8% (kế hoạch là 7 - 7,5%); thu ngân sách ước đạt cao, vượt 6,8% dự toán; văn hóa được chú trọng phát triển, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống của người dân; xây dựng, hoàn thiện các thể chế phát triển Thủ đô; công tác quy hoạch, xây dựng được đẩy mạnh; quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...

Thường trực HĐND TP đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo tinh thần chủ đề năm 2022 của TP là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” để thể chế hóa, ban hành các cơ chế, chính sách và thực hiện tốt các nhiệm vụ theo chức năng, thẩm quyền, đảm bảo đúng quy định, sát với thực tiễn và yêu cầu phát triển của Thủ đô.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả và phù hợp tình hình thực tiễn

Ngay từ đầu năm, Thường trực HĐND TP đã ban hành Chương trình công tác số 01/CTr-HĐND, ngày 3/1/2022 của Thường trực, các Ban và Văn phòng Đoàn ĐB Quốc hội và HĐND TP năm 2022 gồm 138 nội dung trọng tâm. Kết quả, cơ bản toàn bộ các nội dung theo chương trình đề ra và hơn 60 nội dung công việc phát sinh theo chỉ đạo của Trung ương và yêu cầu thực tiễn của TP đã được triển khai đảm bảo chất lượng, tiến độ...

Cụ thể, Phó Chủ tịch HĐND TP cho biết, trong năm 2022 HĐND TP đã tổ chức 6 kỳ họp, trong đó có 1 kỳ họp thường lể và 5 kỳ họp chuyên đề để xem xét các vấn đề quan trọng, cấp thiết của TP. Đã ban hành 48 nghị quyết, trong đó có nhiều nghị quyết rất quan trọng, có tác động sâu rộng đến hiệu lực, hiệu quả của các cấp chính quyền, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội của TP.

Có thể kể đến các nghị quyết như: Kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo của TP Hà Nội; Biện pháp tập trung xử lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn TP; Bố trí, cân đối vốn cho Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực Thành ủy; Mức hỗ trợ trong lĩnh vực y tế và hỗ trợ mức thu học phí năm học 2022 - 2023...

Các kỳ họp được tiếp tục đổi mới theo hướng thực chất, hiệu quả. Các nội dung được chuẩn bị, thẩm tra kỹ lưỡng; chương trình kỳ họp được sắp xếp khoa học, dành nhiều thời gian để các đại biểu thảo luận, nhằm phát huy tối đa kinh nghiệm, trí tuệ của các đại biểu, lan tỏa không khí mới, thực chất và hiệu quả hơn trong hoạt động nghị trường.

HĐND TP Hà Nội tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà báo cáo về Kết quả hoạt động của HĐND TP Hà Nội năm 2022.

Hoạt động chất vấn đổi mới, thực chất, rõ kết quả

Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà, năm 2022, hoạt động chất vấn tại các kỳ họp thường lệ của HĐND TP được triển khai rất nghiêm túc, tiếp tục tăng cường về chất lượng và hiệu quả. Các phiên chất vấn của HĐND TP diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, nghiêm túc, thực chất, trách nhiệm và hiệu quả. Kết quả phiên chất vấn đã cho thấy các vấn đề được HĐND TP lựa chọn chất vấn là “trúng và đúng”, quan trọng, thiết thực, tác động lớn và phù hợp với thực tiễn đặt ra cho TP, đáp ứng nguyện vọng, sự mong mỏi của cử tri và Nhân dân.

Bên cạnh đó, hoạt động chất vấn được tổ chức theo nhóm vấn đề trọng tâm, người bị chất vấn được lựa chọn phù hợp với nội dung chất vấn; những người khác có thể được mời tham dự phiên họp và trả lời chất vấn về vấn đề thuộc trách nhiệm của mình theo đúng quy định. Cách thức đặt câu hỏi và trả lời theo hướng “hỏi nhanh, đáp gọn”. Với một số nội dung yêu cầu chất vấn bằng văn bản đều được nêu rõ trong thông báo kết luận hoặc văn bản của Thường trực HĐND TP để UBND TP và các cơ quan có thẩm quyền trả lời theo quy định.

Để chuẩn bị Kỳ họp thứ 10 - Kỳ họp thường lệ cuối năm 2022, căn cứ ý kiến, kiến nghị của cử tri, đề xuất của các Ban HĐND và đại biểu HĐND TP, Thường trực HĐND TP lựa chọn 3 trong số 4 nhóm vấn đề dự kiến chất vấn tại kỳ họp gồm: Tái chất vấn việc thực hiện các kết luận sau giám sát, chất vấn, giải trình của HĐND, Thường trực HĐND và những cam kết, lời hứa của UBND TP và một số cơ quan của TP; Chất vấn nhóm vấn đề về bảo vệ môi trường trong hoạt động xử lý nước thải; Chất vấn nhóm vấn đề về thoát nước; Chất vấn về công tác di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch trên địa bàn TP.

Hoạt động giải trình, giám sát chuyên đề phù hợp với tình hình thực tiễn

Về hoạt động giải trình của Thường trực HĐND, giám sát chuyên đề của HĐND, Thường trực, các Ban và Tổ đại biểu HĐND TP, theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP, trong năm 2022 hoạt động này bảo đảm đúng luật và tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng, được triển khai linh hoạt, phù hợp tình hình.

Đặc biệt, bám sát diễn biến tình hình trên địa bàn TP và chỉ đạo của Thành ủy, Thường trực HĐND đã có những chỉ đạo, điều chỉnh các chương trình, nội dung giải trình, giám sát theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, gắn với thực tiễn, giảm thành phần đoàn giám sát, số lượng các cuộc giám sát trực tiếp; đồng thời tăng cường giám sát thực địa, đẩy mạnh giám sát việc thí điểm thực hiện chính quyền đô thị ở những địa bàn không tổ chức HĐND phường…

Các đoàn giám sát, khảo sát của HĐND, Thường trực, các Ban HĐND Thành phố đều có sự phối hợp tham gia của các sở, ngành và Ủy ban MTTQ Việt Nam TP được thực hiện với các hình thức phù hợp trong điều kiện đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh, tạo sự đa dạng, phát huy trí tuệ, kinh nghiệm và chuyên môn của các đơn vị, cá nhân.

Điểm mới là sự chủ động phối hợp trong hoạt động giám sát giữa HĐND với Đoàn ĐBQH TP. Nhiều cuộc giám sát quan trọng của HĐND TP đã mời ĐB Quốc hội ứng cử trên địa bàn tham dự vừa phát huy được trí tuệ của đại biểu, vừa cung cấp thông tin, tạo tiếng nói thống nhất, hiệu quả hơn trên diễn đàn dân cử, nâng cao quy mô, chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát. Qua đó, chương trình giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban và Tổ đại biểu HĐND TP đã được thực hiện cơ bản đảm bảo thời gian, các nội dung giám sát đúng trọng tâm, trọng điểm, sát thực tiễn. Công tác chuẩn bị phục vụ giám sát được thực hiện kỹ càng, nghiêm túc; kết luận giám sát nêu rõ kết quả đạt được, hạn chế yếu kém, nguyên nhân, trách nhiệm, biện pháp và thời gian khắc phục.

Cùng đó, chất lượng báo cáo giám sát được nâng cao. Các báo cáo kết quả giám sát, khảo sát được công bố công khai, gửi tới UBND TP và các đơn vị - đối tượng giám sát để nghiên cứu, tiếp thu và triển khai thực hiện, đồng thời được đăng trên Trang thông tin điện tử của HĐND TP để cử tri và Nhân dân theo dõi, giám sát.

Quá trình theo dõi việc giải quyết các kết luận giám sát, tái giám sát tiếp tục được chú trọng, được phân công, giao theo từng lĩnh vực tới lãnh đạo chuyên trách các Ban HĐND, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP chịu trách nhiệm theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát. Có văn bản đôn đốc, nhắc nhở nếu chậm giải quyết hoặc đưa vào nội dung chất vấn tại kỳ họp, phiên giải trình của Thường trực HĐND TP.

Trong năm 2022, Thường trực HĐND TP tổ chức 2 phiên giải trình với các vấn đề lựa chọn “trúng và đúng”, phù hợp với thực tiễn. Đó là phiên giải trình về việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn TP Hà Nội và Phiên giải trình về công tác quản lý đầu tư xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các dự án khu đô thị, khu nhà ở có quy mô tự 2 ha trở lên trên địa bàn TP.

Tại các phiên giải trình, Thường trực HĐND TP và các vị đại biểu HĐND TP đã phát huy tinh thần dân chủ, trách nhiệm, tập trung trao đổi, nêu yêu cầu giải trình tập trung vào các nhóm vấn đề gồm: Các thiết chế văn hóa là dự án có vướng mắc, chậm triển khai; Hệ thống thiết chế văn hóa còn thiếu, chưa đồng bộ; Các khu vui chơi, giải trí; công viên vườn hoa, sân chơi...; Các thiết chế văn hóa sử dụng chưa hiệu quả, sai mục đích; các cơ chế chính sách về công tác quản lý, khai thác và sử dụng thiết chế văn hóa.

Kết luận phiên giải trình về công tác quản lý đầu tư xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các dự án khu đô thị, khu nhà ở có quy mô tự 2ha trở lên trên địa bàn TP, Thường trực HĐND TP đề nghị UBND TP xây dựng kế hoạch tổng thể để khẩn trương xử lý dứt điểm, toàn diện khắc phục các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức; có các giải pháp, lộ trình cụ thể để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng hoàn chỉnh đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của từng khu đô thị và toàn bộ các khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn Thành phố hiện đang thực hiện dở dang.

Bên cạnh đó, công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cử tri luôn được quan tâm. Cùng với việc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thường lệ theo quy định, Thường trực HĐND TP đã chỉ đạo các Ban, các Tổ đại biểu, đại biểu HĐND TP duy trì tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân qua nhiều kênh khác nhau. Qua đó, toàn bộ các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được tổng hợp đầy đủ, chuyển tới UBND TP và các cơ quan có thẩm quyền để báo cáo trả lời, giải quyết cụ thể; được xem xét, chuyển tải thành các nội dung phục vụ chất vấn, giải trình, giám sát của HĐND TP.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP, trong năm 2022, HĐND TP đã bám sát Quy chế làm việc, phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, đã lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo chủ động, khoa học, linh hoạt, thiết thực; các nghị quyết, ban hành cơ chế, chính sách, các biện pháp thiết thực, khả thi. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo được triển khai nghiêm túc, quyết liệt, toàn diện, hiệu quả, hoàn thành theo kế hoạch với chất lượng, hiệu quả cao.

HĐND TP Hà Nội tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động
Các đại biểu tham dự Kỳ họp.

9 nhiệm vụ trọng tâm năm 2023

Năm 2023, tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, dịch bệnh Covid-19 còn tiềm ẩn nguy cơ, diễn biến phức tạp. HĐND TP tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của TP, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục phối hợp, triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về “Thí điểm Tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội”; Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính đặc thù đối với thành phố Hà Nội; Nghị quyết XVII Đảng bộ Thành phố và 10 Chương trình công tác của Thành ủy, các Nghị quyết của HĐND Thành phố, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023 và cả nhiệm kỳ.

Hai là, tham gia tích cực, trách nhiệm các nội dung, nhiệm vụ quan trọng năm 2023 của Thành phố: Sửa đổi Luật Thủ đô; Lập quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến các năm 2050 và các chương trình, kế hoạch công tác của Thành uỷ.

Ba là, thực hiện hiệu quả Đề án số 15-ĐA/TU, ngày 12/5/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội”.

Bốn là, tiếp tục cải tiến, đổi mới các hoạt động kỳ họp, chất vấn, giải trình, giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND theo quy định của Luật và Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó tăng cường việc theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND. Tổ chức tốt việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND Thành phố bầu theo hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2023.

Năm là, tổ chức tốt các cuộc tiếp xúc cử tri định kỳ, chuyên đề. Triển khai hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tổng hợp, theo dõi, đôn đốc, giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri.

Sáu là, thực hiện có hiệu quả, chất lượng, đúng quy định công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; quan tâm, theo dõi, đôn đốc kết quả giải quyết theo quy định.

Bảy là, tiếp tục thực hiện kế hoạch bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đại biểu HĐND các cấp Thành phố; duy trì tổ chức các hội nghị giao ban chuyên đề của Thường trực HĐND các cấp nhằm trao đổi, nâng cao kỹ năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND.

Tám là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của HĐND Thành phố; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động của HĐND các cấp; mở rộng các kênh tiếp nhận, đối thoại, trao đổi giữa HĐND với cử tri và các cơ quan, đơn vị.

Chín là, phối hợp, tham dự các hoạt động tại các kỳ họp Quốc hội. Tham gia tích cực vào chương trình xây dựng pháp luật, các dự án Luật trình Quốc hội, các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và thành phố. Mở rộng quan hệ đối ngoại với các tỉnh, TP trong nước và quốc tế.

Thống nhất 42 nội dung sẽ xem xét tại Kỳ họp của HĐND TP Hà Nội
Khai mạc Kỳ họp thứ 10, HĐND TP Hà Nội khóa XVI

HP

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.