Tăng cường các giải pháp giải quyết ùn tắc giao thông khu vực Hà Nội và TP HCM

Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đề nghị Công an TP Hà Nội và Công an TP HCM và một số địa phương lân cận tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông khu vực Hà Nội và TP HCM.
Tăng cường các giải pháp phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông khu vực Hà Nội và TP HCM
Tăng cường các giải pháp phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông khu vực Hà Nội và TP HCM

Để thực hiện nghiêm túc Điện chỉ đạo của Bộ Công an về nâng cao hiệu quả công tác, kế hoạch cao điểm bảo đảm TTATGT, trật tự xã hội dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và các Lễ hội đầu Xuân 2023 của lực lượng CSGT; nhằm tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT, phòng ngừa, giải quyết cơ bản tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn các thành phố lớn, nhất là Hà Nội, TP. HCM và các địa phương giáp ranh.

Cục CSGT đề nghị Công an các đơn vị, địa phương Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hưng Yên, TP. Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu bố trí lực lượng, phương tiện, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ bảo đảm TTATGT, phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông trên toàn địa bàn, nhất là Hà Nội, TP HCM và các tuyến cửa ngõ ra, vào thành phố.

Theo đó, Công an các địa phương cần chỉ đạo tổ chức tốt công tác nắm chắc tình hình đặc điểm, hoạt động giao thông trên tuyến, địa bàn phụ trách, tính chất, đặc thù về tình hình giao thông trong các giờ cao điểm, các ngày nghỉ, lễ, tết để bố trí lực lượng trên tuyến, tại các điểm phức tạp về TTATGT phù hợp.

Đối với các địa phương giáp ranh, địa phương trên các tuyến đường hướng về Hà Nội, TP HCM và các Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục CSGT thực hiện công tác phân luồng giao thông từ sớm, từ xa theo nội dung tại phương án của Cục CSGT.

Vào các khung giờ cao điểm hàng ngày (từ 06h - 09h và 16h - 19h30), phải bố trí lực lượng, phương tiện trực chốt thực hiện nhiệm vụ tại các khu vực địa bàn giáp ranh và các tuyến cửa ngõ ra vào thành phố thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông để làm nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển giao thông; phối hợp trao đổi thông tin, thực hiện phân luồng giao thông từ xa, hạn chế tối đa phương tiện có tải trọng lớn di chuyển vào khu vực nội đô thành phố;

Việc bố trí lực lượng làm nhiệm vụ chỉ huy, phân luồng giao thông phải phù hợp với đặc điểm tuyến, địa bàn đối với từng thời gian cao điểm trong ngày (quy luật ùn tắc giao thông trên từng tuyến đường, chiều đường tương ứng với từng khoảng thời gian trong ngày; chủng loại xe, đối tượng di chuyển là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông; địa điểm trụ sở các cơ quan, đơn vị, bệnh viện, trường học, khu công nghiệp trên địa bàn có lượng người tham gia giao thông đến và đi đông gây ùn tắc giao thông...).

Đối với Hà Nội và TP HCM thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả kế hoạch, đặc biệt hoạt động tuần tra kiểm soát lưu động bằng mô tô trên các tuyến đường, các tuyến cửa ngõ ra, vào thành phố để kịp thời phát hiện, giải quyết các vụ việc, các điểm tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc giao thông; bố trí lực lượng, phương tiện phối hợp với Phòng Hướng dẫn, điều khiển giao thông và dẫn đoàn;

Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, Cục CSGT và Phòng CSGT Công an các địa phương giáp ranh thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình giao thông tại khu vực các cửa ngõ và trên tuyến đường hướng vào thành phố để triển khai phân luồng giao thông từ sớm, từ xa theo nội dung tại phương án của Cục CSGT.

Giải pháp giảm ùn tắc trên con đường ra/vào Hà Nội
Hà Nội thí điểm tổ chức lại giao thông tại các nút giao thường xuyên ùn tắc
Giải pháp nâng cao chất lượng trong công tác xây dựng và quản lý khai thác kết cấu hạ tầng giao thông

T.Quang

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.