Hoàn thiện pháp luật theo hướng mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý

Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.
-	Hội thảo khoa học “Hoàn thiện chính sách, pháp luật công tác xã hội trong lĩnh vực Tư pháp”
Hội thảo khoa học “Hoàn thiện chính sách, pháp luật công tác xã hội trong lĩnh vực Tư pháp”

Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người yếu thế

Tại Hội thảo khoa học “Hoàn thiện chính sách, pháp luật công tác xã hội trong lĩnh vực Tư pháp” vừa Ban Tuyên giáo Trung ương, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp và Bộ LĐ-TB&XH tổ chức, bà Chu Thu Hiền, Ủy ban Xây dựng pháp luật và Trợ giúp pháp lý, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, trách nhiệm chính trong việc trợ giúp pháp lý cho người nghèo và người yếu thế trong xã hội thuộc về Nhà nước. Tuy nhiên, các cơ quan, tổ chức và cộng đồng xã hội, cá nhân khác có điều kiện thì cũng có thể thực hiện việc trợ giúp pháp lý để giúp đỡ các đối tượng này.

Việc trợ giúp pháp lý nhằm giúp những đối tượng chính sách, người nghèo, người yếu thế được trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Qua đó, giúp họ nâng cao hiểu biết pháp luật, nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật; góp phần bảo đảm cho họ tiếp cận công lý, thực hiện quyền bào chữa, nhờ người khác bào chữa, quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự.

Nhà nước đã ban hành Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật này quy định chi tiết về các đối tượng được trợ giúp pháp lý, lĩnh vực trợ giúp pháp lý, các chủ thể thực hiện trợ giúp pháp lý và các vấn đề khác có liên quan đến công tác trợ giúp pháp lý.

Để công tác trợ giúp pháp lý có hiệu quả, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đã quy định các chủ thể tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý, nâng cao tiêu chuẩn trợ giúp viên pháp lý, tương đương với tiêu chuẩn của luật sư; nâng tiêu chuẩn của cộng tác viên trợ giúp pháp lý và tạo thuận lợi hơn cho luật sư tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, do xác định trợ giúp pháp lý là trách nhiệm của Nhà nước nên Nhà nước tiếp tục duy trì các Trung tâm trợ giúp pháp lý, chi nhánh Trung tâm cùng đội ngũ trợ giúp viên pháp lý.

“Thực tế cho thấy, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý chủ yếu dưới hình thức tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và pháp luật về tố tụng hoặc là người đại diện ngoài tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý trước cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Với các chủ thể tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý nêu trên, người nghèo, đối tượng chính sách, người yếu thế được trợ giúp pháp lý có thể được bảo đảm bình đẳng với những người khác khi phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến pháp luật”, bà Hiền cho biết.

Hoàn thiện pháp luật về trợ giúp pháp lý

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì việc tham gia trợ giúp pháp lý vẫn còn những bất cập cần tháo gỡ trong quy định về các nhóm đối tượng được trợ giúp pháp lý. Theo bà Chi Thị Hiền, một trong những bất cập đó là sự chồng chéo trong quy định của pháp luật gây khó khăn trong quá trình áp dụng và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người được trợ giúp pháp lý.

Như tại Khoản 7, Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định người khuyết tật, nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người chỉ thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý khi họ có khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 và Luật Người khuyết tật năm 2010 thì nạn nhân của hành vi mua bán người và người khuyết tật thuộc đối tượng đương nhiên được trợ giúp pháp lý mà không cần có thêm điều kiện “có khó khăn về tài chính” hoặc yêu cầu nào khác nữa.

Hoặc trường hợp là thân nhân của liệt sĩ (cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ) theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 thì được trợ giúp pháp lý miễn phí. Tuy nhiên, tại Điểm a, Khoản 7, Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 lại quy định thân nhân của liệt sĩ chỉ được trợ giúp pháp lý miễn phí khi họ có khó khăn về tài chính. Quy định đã thu hẹp đối tượng được trợ giúp pháp lý là người có công với cách mạng, chưa phù hợp với chính sách đền ơn đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước…

Từ hạn chế đó, đề xuất giải pháp để tăng cường hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách và nhóm người yếu thế tại Việt Nam: Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về trợ giúp pháp lý theo hướng mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý (đối với người người đã được trợ giúp pháp lý miễn phí theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 và phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 và Luật Người khuyết tật năm 2010; người chưa thành niên…).

Tăng cường vai trò của đội ngũ luật sư trong việc tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý bằng việc quy định điều kiện, trình tự thủ tục đơn giản hơn để huy động được cả các luật sư trẻ và các luật sư có nhiều kinh nghiệm tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách và nhóm yếu thế.

Tuyên tuyền pháp luật hiệu quả thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý
Mở rộng đối tượng, hoàn thiện phương thức thực hiện Động viên công nghiệp
Người khuyết tật có được trợ giúp pháp lý miễn phí

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.