Hiệu quả từ nút giao thông hầm chui:

Giải pháp góp phần thay đổi bộ mặt đô thị

Thời gian qua, Hà Nội đã từng bước đưa vào khai thác, vận hành hàng loạt các công trình hạ tầng giao thông đô thị quan trọng; góp phần tăng khả năng kết nối, giảm ùn tắc giao thông, giải tỏa bức xúc dân sinh, tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Giải pháp góp phần thay đổi bộ mặt đô thị
Hầm chui Lê Văn Lương góp phần giảm ùn tắc tại "điểm đen" giữa đường Lê Văn Lương - Tố Hữu và Vành đai 3

Những công trình trọng điểm

Những năm gần đây, Thủ đô Hà nội đã xây dựng và khánh thành hàng loạt công trình giao thông trọng điểm, trong đó có nhiều hầm chui đã và đang góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông ở Hà Nội.

Sau khi hầm chui qua nút Lê Văn Lương - Vành đai 3 được đưa vào sử dụng, “điểm đen” ùn tắc giao thông tại đây đã được giải tỏa. Với ba mức lưu thông: Trên cao - đi bằng - đi ngầm, đây được xem là nút giao hiện đại, giải quyết được ùn tắc tại chỗ.

Tương tự, các hầm chui Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến; Trần Duy Hưng - Vành đai 3 đã phát huy vai trò vô cùng tích cực, quan trọng đối với các tuyến đường hướng tâm trọng yếu khu vực cửa ngõ phía Tây và Tây Nam Thủ đô.

Các chuyên gia giao thông nhận định, nếu không có các hầm chui dọc tuyến Vành đai 3, ùn tác giao thông tại cửa ngõ hướng ra khu vực tỉnh Hà Tây (cũ) sẽ còn trầm trọng hơn nhiều. Trong thời gian qua, các hầm chui được đưa vào hoạt động đã phát huy tác dụng rõ nét.

Anh Trần Văn Tú (quận Hà Đông) cho biết: “Từ nhà tôi đến cơ quan ở quận Ba Đình có thể đi theo Đại lộ Thăng Long, qua hầm chui Trung Hòa; hoặc đi Tố Hữu, qua hầm Lê Văn Lương; hoặc đi Nguyễn Trãi qua hầm Khuất Duy Tiến. Thông thường, kể cả giờ cao điểm chỉ hay xảy ra ở hai đầu hầm, khi các phương tiện trở lại làn đường đi bằng chứ ở hầm thì hiếm khi gặp ùn tắc.

Việc hình thành các nút giao khác mức là biện pháp hiệu quả nhất để giảm thiểu xung đột giao thông tại các nút giao lớn, nhất là trong khu vực đô thị đông dân cư. TP Hà Nội đã rất nỗ lực đầu tư cho hạ tầng, mang lại hiệu quả rất lớn góp phần hạn chế ùn tắc giao thông.

Chẳng hạn, hầm chui Lê Văn Lương khi đi vào sử dụng đã cải thiện đáng kể diện mạo của giao thông Thủ đô, đặc biệt là đặt nền tảng cho cấu trúc giao thông đa tầng. Hầm chui cũng được định hình là một giải pháp hữu hiệu có tính lâu dài cho các nút giao có lưu lượng phương tiện lớn, tạo ra các luồng giao thông thông suốt.

Thay đổi diện mạo giao thông

Nhận thấy rõ những ưu điểm từ công trình hạ tầng giao thông này, ngay sau khi hầm chui nút giao đường Lê Văn Lương - Vành đai 3 đi vào hoạt động, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội đã khởi công xây dựng hầm chui đường Kim Đồng - Giải Phóng, hoàn thành kết nối trục Vành đai 2,5. Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, cá dự án được trên kỳ vọng sẽ giải quyết các điểm nóng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô, tăng khả năng lưu thông của các phương tiện.

Chia sẻ về tiến độ công trình, ông Hồ Đức Phúc, GĐ liên danh Tập đoàn Cienco 4 cho biết, Tập đoàn Cienco 4 là đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong triển khai các công trình hầm chui. Nhiều hầm chui như Lê Văn Lương, Thanh Xuân, Trung Hòa… đã được đưa vào sử dụng, góp phần giảm ùn tắc giao thông Thủ đô. Với nhiệm vụ thi công gói thầu 2,5 hầm chui Kim Đồng - Giải Phóng, ngay sau khi khởi công dự án, nhà thầu sẽ tập trung huy động thiết bị, nhân lực triển khai rào toàn bộ phạm vi đã được bàn giao mặt bằng. Nỗ lực cao nhất để đảm bảo tiến độ thi công công trình.

Ngoài ra, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cũng đề xuất làm hầm chui tại nút giao Đàm Quang Trung - Cổ Linh nhằm khớp nối đồng bộ theo quy hoạch, phát huy hiệu quả tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng như cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 và tuyến đường Vành đai 2 trên cao, dưới thấp đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ.

Nhiều ý kiến đánh giá, những năm gần đây, TP Hà Nội đã xây dựng và khánh thành hàng loạt công trình giao thông trọng điểm, trong đó có nhiều hầm chui đã và đang góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông ở Thủ đô; đồng thời, góp phần kết nối hạ tầng phục vụ vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP.

Tiếp nối hầm chui Lê Văn Lương, vừa qua, UBND TP Hà Nội đã khởi công hầm chui tại nút giao đường Vành đai 2,5 - Giải Phóng với tổng giá trị phê duyệt gần 780 tỷ đồng. Cùng với đó, hầm chui và 4 cầu nhánh tại nút giao đường Vành đai 3,5 - Đại lộ Thăng Long cũng sẽ được xây dựng trong giai đoạn 2022 - 2026 với tổng mức đầu tư hơn 2.400 tỷ đồng.
Từ việc nâng cao ý thức “bỏ rác đúng nơi quy định”
Hà Nội cho phép thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị tại 6 quận nội thành

Triệu Tâm

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.