Phát huy vai trò của cơ quan Tư pháp trong hòa giải ở cơ sở

Nhằm thực hiện tốt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” theo Kế hoạch số 159/KH-UBND ngày 23/7/2019 của UBND TP Hà Nội, UBND huyện Ba Vì đã chủ động, quan tâm công tác xây dựng, ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện Đề án, đề nghị UBND các xã, thị trấn rà soát và kiện toàn đội ngũ hòa giải tại cơ sở.
Huyện Ba Vì đã chủ động, quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên cơ sở giai đoạn 2019-2022”
Huyện Ba Vì đã chủ động, quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên cơ sở giai đoạn 2019-2022”

100% hòa giải viên cơ sở được tập huấn kiến thức pháp luật

Theo lãnh đạo Phòng Tư pháp huyện, hàng năm, do sự thay đổi về nhân sự, UBND các xã, thị trấn thường xuyên rà soát và ban hành quyết định kiện toàn đội ngũ hòa giải viên. Cụ thể, tính đến tháng 10/2022, trên địa bàn huyện Ba Vì có 208 tổ hòa giải với 1.583 hòa giải viên gồm đủ các thành viên của Ban Mặt trận tổ quốc thôn, đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, cơ bản các hòa giải viên đều là người có uy tín, có trình độ chuyên môn, hiểu biết pháp luật và có kinh nghiệm hoà giải vụ việc.

UBND huyện Ba Vì đã xây dựng được mục tuyên truyền PBGDPL trên Cổng thông tin điện tử huyện Ba Vì để đăng các thông tin tuyên truyền phổ biến pháp luật và các thông tin về hòa giải cơ sở. Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm văn hóa và thể thao huyện Ba Vì, chọn các bài viết, xây dựng tin bài có nội dung về pháp luật hòa giải ở cơ sở tuyên truyền rộng rãi trên hệ thống loa truyền thanh của xã, thị trấn.

Năm 2019, UBND huyện tổ chức cuộc thi sân khấu hóa “Hòa giải viên giỏi” trên địa bàn huyện Ba Vì, tổ chức vòng thi sơ khảo tại 03 cụm thi thu hút 31 xã, thị trấn tham gia cuộc thi. Năm 2020, UBND huyện đã tổ chức 08 hội nghị tập huấn nâng cao nghiệp vụ và cấp phát tài liệu cho 100% đội ngũ hòa giải viên cơ sở tại các xã thị trấn trên địa bàn huyện Ba Vì.

Năm 2021, UBND huyện đã triển khai cấp phát tài liệu với hơn 4.500 tài liệu cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở theo Đề án “Năng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên cơ sở giai đoạn 2018-2021” tại các xã trên địa bàn huyện Ba Vì để nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải viên trên địa bàn.

Đến nay, 100% các tổ hòa giải được kiện toàn, bổ sung đủ số lượng thành phần cơ cấu hòa giải viên theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở. 100% hòa giải viên ở cơ sở được tham gia tập huấn kiến thức pháp luật, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở theo Chương trình khung và Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở do Bộ Tư pháp ban hành. 100% tổ trưởng Tổ hòa giải trên địa bàn được phát miễn phí báo Pháp luật và Xã hội tuy nhiên, số lượng báo được nhận chưa đều theo quý. 31/208 tổ hòa giải trên địa bàn xã đạt tiêu chuẩn “tổ hòa giải 5 tốt”. Đồng thời, UBND huyện Ba Vì đã xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019 - 2021”.

Phát huy vai trò của cơ quan Tư pháp trong hòa giải cơ sở

Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Trung ương và TP về việc hỗ trợ kinh phí hoạt động cho công tác hòa giải ở cơ sở, UBND huyện Ba Vì đã ban hành văn bản hướng dẫn đối với cấp cơ sở việc xây dựng dự toán kinh phí và chi trả theo đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước và Quyết định số 92/2014/QĐ-UBND ngày 22/12/2014 của UBND TP Hà Nội về việc áp dụng mức chi cho công tác PBGDPL, chuẩn tiếp cận pháp luật và công tác hòa giải cơ sở. Kinh phí thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019- 2022” trên địa bàn huyện Ba Vì là 338 triệu đồng.

Ông Nguyễn Thành Sơn, Trưởng phòng Tư pháp huyện Ba Vì cho biết: “Số vụ việc tranh chấp trên địa bàn huyện chủ yếu xuất phát từ tranh chấp đất đai, trong giai đoạn từ 2019-2022, trên địa bàn huyện đã xảy ra 984 vụ việc tranh chấp, đã hòa giải thành 755 vụ, đa số các sự việc xảy ra tại địa phương đều được hòa giải thành. Điều đó cho thấy công tác hòa giải ở cơ sở đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần giải quyết những mẫu thuẫn trong nội bộ Nhân dân; một số vụ việc hòa giải không thành do mâu thuẫn, tranh chấp phức tạp, lâu dài đòi hỏi ở một cơ quan Nhà nước cao hơn giải quyết”.

Thời gian tới, để công tác hòa giải đạt kết quả tốt hơn nữa, UBND huyện Ba Vì cho biết, sẽ tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan Tư pháp trong công tác hòa giải ở cơ sở, nhất là trong việc phối hợp với Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên cùng cấp của Mặt trận để thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn.

Hòa giải ở cơ sở - Thiết chế giải quyết tranh chấp ngoài tòa án có hiệu quả
Tăng mức thù lao cho hòa giải viên thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở
PBGDPL hướng về cơ sở, bám sát nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.