Vùng đệm Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long bị xâm hại:

Trách nhiệm bảo vệ di sản là của toàn dân

Di sản văn hóa từ lâu đã là niềm tự hào của mỗi quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Bởi nó không đơn thuần là nét đẹp văn hóa mà còn được xem như yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quá trình xây dựng và phát triển bền vững của một đất nước. Trách nhiệm bảo vệ di sản là của toàn dân.
Dự án đầu tư xây dựng đầm nuôi cá Song của Cty CP Nhật Long nằm trong vùng đệm Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long
Dự án đầu tư xây dựng đầm nuôi cá Song của Cty CP Nhật Long nằm trong vùng đệm Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long

Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long bị xâm hại

Thực tế những năm qua, những bất cập trong công tác bảo quản, tôn tạo, phục chế các di sản vật thể (sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia) vẫn chưa được triệt để khắc phục, gây hậu quả nghiêm trọng, khiến dư luận lo lắng.

Điển hình như vụ việc vi phạm tại vùng lõi, khu vực dễ tổn thương nhất của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, nhiều công trình xây dựng trái phép cũng đã tồn tại từ rất lâu, nhưng đến nay không có động thái xử lý. Điển hình là việc Cty CP Du thuyền Đông Dương đã tổ chức xây dựng bến cập tàu với hàng trăm khối bê tông chìm và nổi trên mặt biển tại Hòn Cỏ và Hòn Cây Chanh. Dù bị lực lượng chức năng lập biên bản, dừng thi công vì không có giấy phép xây dựng, nhưng sau đó 2 công trình này vẫn được hoàn thiện.

Một lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh đánh giá, hành vi lấn chiếm đất, mặt nước, tự ý xây dựng công trình trái phép là trường hợp vi phạm nghiêm trọng tại nhiều khu vực trong vùng lõi Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Những vi phạm này kéo dài trong nhiều năm không được xử lý dứt điểm đã gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng tiêu cực tới công tác quản lý Di sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Theo tìm hiểu của PV, trong quá trình thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đầm nuôi cá song tại phường Hà Phong, TP Hạ Long, Cty CP Nhật Long đã xây dựng đê bao, nhà làm việc, nhà ăn công nhân và một số công trình phụ trợ khác trong vùng đệm Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Năm 2014, Cty CP Nhật Long bị xử phạt vi phạm hành chính vì xây dựng nhà điều hành 2 tầng không có giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, đã hơn 8 năm trôi qua, đến thời điểm hiện tại, công trình xây dựng không phép này của Cty CP Nhật Long vẫn chưa bị cưỡng chế tháo dỡ theo quy định của pháp luật.

Sau tất cả những tổn thương đã gây ra cho Vịnh Hạ Long, chưa thấy ai đứng ra nhận trách nhiệm về việc này. UBND TP Hạ Long và BQL Vịnh Hạ Long thay vì ngăn chặn từ đầu, đến nay cũng vẫn dừng lại ở việc xử lý trên văn bản. Không chỉ tại khu vực nói trên, ghi nhận cho thấy, quanh tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, còn nhiều khu vực núi, rừng bị một số người dân chiếm dụng, mở đường làm trang trại nhưng đến nay vẫn chưa chịu tháo dỡ, di dời.

Dự án đầu tư xây dựng đầm nuôi cá Song của Cty CP Nhật Long nằm trong vùng đệm Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long
Dự án đầu tư xây dựng đầm nuôi cá Song của Cty CP Nhật Long nằm trong vùng đệm Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long

Xây dựng Luật Di sản văn hóa sửa đổi

Trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tế đang diễn ra, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa cũng dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập cả về nội dung và hình thức trong từng lĩnh vực cụ thể. Do vậy, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch đang đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa sửa đổi, để bắt kịp sự vận động của xã hội, điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Từ nhiều góc độ, các chuyên gia, nhà quản lý đều đồng thuận cho rằng Luật Di sản văn hóa cần sớm được sửa đổi, bổ sung. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, việc sửa đổi cần lấp những khoảng trống đang hiện hữu. Điều quan trọng nhất, sửa đổi Luật phải khơi dậy và đánh thức trong mỗi con người tình yêu, nhận thức quan trọng về di sản, từ đó mỗi người sẽ tự nguyện tham gia quá trình bảo vệ, phát huy.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam nhấn mạnh vai trò của phản biện xã hội trong việc thực hiện Luật Di sản văn hóa. Theo đó, giám sát, phản biện xã hội trong lĩnh vực di sản văn hóa là hoạt động có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Luật Di sản văn hóa, góp phần vào việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

“Thực tiễn cho thấy, rất nhiều vụ việc nổi cộm, bức xúc, các hiện tượng tiêu cực trong ứng xử với di sản được báo đài đưa tin hay người dân phản ánh thông qua mạng xã hội, đã kịp thời cung cấp thông tin đến các nhà quản lý. Vì vậy, cần tranh thủ ý kiến đóng góp, tư vấn của các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực di sản, nhất là đối với những trường hợp phức tạp, nhạy cảm, gây nhiều tranh cãi...”, PGS.TS Đỗ Văn Trụ nêu.

Quan tâm đến nội dung này, từ thực tiễn nghiên cứu và giảng dạy, PGS.TS Dương Văn Sáu, Trưởng khoa Văn hóa du lịch, trường ĐH Văn hóa Hà Nội đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa đồng thời kỳ vọng, lần sửa đổi này sẽ tạo điều kiện cho sự ra đời và phát triển “kinh tế di sản” ở Việt Nam.

Theo PGS.TS Dương Văn Sáu, mục đích xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nhằm hoàn thiện, tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đảm bảo tính phù hợp, không chồng chéo với hệ thống pháp luật khác có liên quan. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính gắn với kiểm tra, thanh tra, kiểm soát, giám sát việc thực thi pháp luật về di sản văn hóa để đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Cần phải khẳng định, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là sự nghiệp của toàn dân, của tất cả các tổ chức và cá nhân trong xã hội, trong đó, Nhà nước đóng vai trò tạo ra khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách; còn nhân dân đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ, gìn giữ, lưu truyền và phát huy giá trị di sản văn hóa. Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi trọng, quan tâm và xác định di sản văn hóa là bản sắc của văn hóa dân tộc, là cơ sở để xây dựng nền văn hóa mới, con người mới, là một nguồn lực để xây dựng và phát triển đất nước. Ngay từ Sắc lệnh số 65/SL-Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta về bảo tồn di sản văn hóa, do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 23/11/1945, cách đây 77 năm, mà ngày này, từ năm 2005 đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy là ngày Di sản văn hóa Việt Nam, đã khẳng định: “Bảo tồn cổ tích là công việc rất quan trọng và cần thiết trong công cuộc kiến thiết nước Việt Nam”. Bảo tồn di sản văn hóa là trách nhiệm của toàn xã hội, nghiêm cấm mọi hành vi hủy hoại di sản văn hóa.

Show thời trang “Bước chân di sản” quảng bá du lịch, văn hóa, di sản Việt Nam
Việt Nam nhấn mạnh lợi ích của thương mại và đầu tư phải hài hoà với trách nhiệm bảo vệ môi trường

Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.