Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp:

Mở rộng đối tượng, hoàn thiện phương thức thực hiện Động viên công nghiệp

Hiện nay, động viên công nghiệp (ĐVCN) chỉ giới hạn đối với doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực cơ khí, luyện kim, hóa chất và điện tử; chưa áp dụng đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; đối tượng huy động chưa bao gồm được tất cả các thành phần kinh tế tham gia.
Mở rộng đối tượng, hoàn thiện phương thức thực hiện Động viên công nghiệp
Kiểm tra vũ khí, khí tài tại các nhà máy

Thực trạng của ĐVCN hiện nay

Hiện nay, ĐVCN chỉ giới hạn đối với doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực cơ khí, luyện kim, hóa chất và điện tử; chưa áp dụng đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; đối tượng huy động chưa bao gồm được tất cả các thành phần kinh tế tham gia; làm hạn chế khả năng huy động tối đa năng lực, tiềm lực, nội lực công nghiệp quốc gia tham gia ĐVCN.

Đối tượng sử dụng sản phẩm ĐVCN chỉ giới hạn cho Quân đội là chưa đầy đủ, toàn diện và chưa phù hợp với yêu cầu chiến lược trang bị cho LLVTND. Mục tiêu, nhiệm vụ của ĐVCN chưa đáp ứng và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân.

Pháp luật về ĐVCN hiện hành quy định ĐVCN được triển khai thực hiện theo phương thức “giao nhiệm vụ, đầu tư”; chưa phù hợp với hệ thống pháp luật về đầu tư công, giá, đấu thầu khi sử dụng NSNN. Điều này gây ra sự lãng phí, bất cập khi triển khai thực hiện.

Việc triển khai thực hiện nhiệm vụ ĐVCN được phân định, phân cấp đối với doanh nghiệp thuộc quyền của bộ, ngành, Tập đoàn, Tổng công ty; Doanh nghiệp do địa phương quản lý. Quy định này có nhiều điểm chưa phù hợp, còn chồng chéo, phân tán, chưa cụ thể chưa bảo đảm sự quản lý thống nhất của trung ương, chưa phân cấp cho chính quyền địa phương trong thực hiện quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực trên địa bàn; chưa phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ.

Pháp lệnh ĐVCN chưa quy định về quyền và trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp và người lao động trong dây chuyền ĐVCN khi chuẩn bị và thực hành ĐVCN. Chế độ, chính sách trong chuẩn bị và thực hành ĐVCN mới chỉ là quy định khung; chưa đầy đủ, cụ thể, chưa phù hợp với hoạt động đặc thù của ĐVCN; chưa có cơ chế bảo đảm, hỗ trợ, thu hút, khuyến khích, ưu tiên các doanh nghiệp, cá nhân tham gia ĐVCN. Trong thực tiễn, các cơ quan chức năng (cơ quan quản lý, cơ quan thực hiện chi trả chính sách...) chưa đủ cơ sở để thực hiện; người quản lý doanh nghiệp, người lao động khó tiếp cận và thực hiện các thủ tục để thụ hưởng các chế độ chính sách theo quy định của Pháp lệnh và các văn bản liên quan.

Để có thể mở rộng được đối tượng, hoàn thiện phượng thức thực hiện ĐVCN, cần huy động tối đa tiềm lực công nghiệp thuộc các thành phần kinh tế để nâng cao năng lực ĐVCN sản xuất, sửa chữa VKTBKT cho QĐND và Dân quân tự vệ; tạo tiền đề xây dựng kế hoạch, phương án, quyết định số lượng, nhiệm vụ và chỉ tiêu sản xuất, sửa chữa VKTBKT khi thực hành ĐVCN.

Xây dựng cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu và quản lý sản xuất sản phẩm ĐVCN bảo đảm đồng bộ, khoa học, chặt chẽ, minh bạch, hiệu quả. Tăng cường công tác quản lý, điều độ, kiểm tra, giám sát, nghiệm thu; gắn trách nhiệm của cơ quan trực tiếp giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu với cơ quan quản lý, đơn vị nghiên cứu, thiết kế, sản xuất và đơn vị sử dụng; huy động cao nhất tiềm lực công nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện ĐVCN.

Phân định rõ trách nhiệm của Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương nhằm nâng cao hiệu quả quản lý trong thực hiện nhiệm vụ ĐVCN; phân định thẩm quyền của cơ quan, chính quyền địa phương trong thực hiện ĐVCN phù hợp với pháp luật của Nhà nước về chức năng quản lý theo địa bàn, khu vực phòng thủ.

Tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để thực hiện chính sách đối với doanh nghiệp tham gia ĐVCN phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Một số chính sách cần thiết để mở rộng phạm vi đối tượng tham gia ĐVCN

Mở rộng phạm vi đối tượng tham gia ĐVCN thuộc mọi thành phần kinh tế (gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà thành viên hoặc cổ đông nước ngoài có tỷ lệ vốn góp không có quyền quyết định) hoạt động trong các lĩnh vực nghiên cứu KHCN, sản xuất công nghiệp; mở rộng đối tượng sử dụng sản phẩm ĐVCN (gồm Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ).

Hoàn thiện phương thức thực hiện ĐVCN theo hướng bổ sung hình thức đặt hàng, đấu thầu. Quy định trách nhiệm và phân cấp quản lý trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ ĐVCN: Chính phủ thống nhất quản lý và giao Bộ Quốc phòng trực tiếp thực hiện quản lý nhà nước về ĐVCN; phân cấp cho UBND cấp tỉnh có trách nhiệm thực hiện ĐVCN trong địa bàn quản lý đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ.

Bổ sung quy định về chế độ, chính sách đối với Doanh nghiệp và người lao động khi tham gia ĐVCN tương ứng như chế độ, chính sách đối với doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và lực lượng khác (Lực lượng dự bị động viên, Dân quân tự vệ) khi tham gia hoạt động quốc phòng, trong cùng điều kiện, tính chất hoạt động, như: Doanh nghiệp được hạch toán phụ cấp thâm niên, phụ cấp trách nhiệm, độc hại, thu hút và một số khoản chi đặc thù vào giá thành sản phẩm; trong thực hành ĐVCN, được Nhà nước cấp kinh phí bù đắp chi phí trong trường hợp giá sản phẩm được duyệt theo kế hoạch không đủ so với thực tế sản xuất, sửa chữa, kinh phí cho việc duy trì, bảo dưỡng, sửa chữa vận hành dây chuyền ĐVCN trong trường hợp tạm ngừng sản xuất mà không có khả năng tự bù đắp chi phí.

Tăng nguồn lực cho quốc phòng sẽ góp phần phát triển sản xuất, khi triển khai và thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, mục tiêu quốc gia, đề án về xây dựng nền quốc phòng toàn dân.

Tận dụng tối đa tiềm lực, năng lực, nội lực công nghiệp trong nước; phạm vi đối tượng áp dụng để triển khai nhiệm vụ ĐVCN được mở rộng đối với nhiều loại hình doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; đa dạng hóa sản phẩm ĐVCN; liên kết chặt chẽ, chuyên môn hóa giữa các doanh nghiệp để sản xuất sản phẩm; bảo đảm tính cạnh tranh lành mạnh, chống độc quyền trong sản xuất. Không gây lãng phí khi doanh nghiệp sáp nhập, chia tách, phá sản, giải thể, đổi mới công nghệ, thay đổi mục đích kinh doanh, tái cơ cấu…; giảm thiểu kinh phí đầu tư trang thiết bị để sản xuất hoàn chỉnh một sản phẩm tại một doanh nghiệp. Giảm chi ngân sách Nhà nước để hoàn chỉnh dây chuyền ĐVCN; doanh nghiệp có điều kiện phát triển sản phẩm, tăng năng lực công nghệ và trình độ quản lý, tham gia vào thị trường Việt Nam sâu rộng hơn, hiệu quả sử dụng nguồn lực dành cho ĐVCN, đóng góp của doanh nghiệp cho xây dựng lực lượng vũ trang Nhân dân (LLVTND) và nền kinh tế quốc dân ngày càng tăng cao.

Tác động của chính sách đối với doanh nghiệp quốc phòng, an ninh thuộc LLVTND

Các doanh nghiệp này hoạt động theo pháp luật về công nghiệp quốc phòng và quy định của Chính phủ về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh; do vậy, tác động Chính sách không ảnh hưởng đến cơ hội, điều kiện, năng lực thực hiện, quyền và lợi ích của doanh nghiệp.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn có cơ hội được đầu tư nâng cao năng lực từ nguồn vốn tiết kiệm do thay đổi từ nhập khẩu trang bị kỹ thuật sang sản xuất trong nước.

Tác động của chính sách đối với doanh nghiệp thuộc trường hợp được mở rộng trong các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, tự động hóa, viễn thông, vật liệu mới, năng lượng, công nghiệp phụ trợ:.

Tác động của chính sách đối với việc mở rộng phạm vi đối tượng sử dụng sản phẩm ĐVCN đối với lực lượng Dân quân tự vệ: Việc sản xuất, sửa chữa các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật này tương tự như đối với vũ khí, trang bị kỹ thuật của Quân đội. Việc mở rộng chính sách góp phần xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, nâng cao năng lực để bảo vệ Đảng, chính quyền, tính mạng, tài sản của Nhân dân, tài sản của Nhà nước tại địa phương; sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, bảo vệ an ninh quốc gia, TTATXH, đấu tranh phòng chống tội phạm.

Tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, cụ thể để Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ ĐVCN; giảm các chi phí không cần thiết do xác định hợp lý nhiệm vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong thực hiện ĐVCN.

Các cơ quan chức năng (cơ quan quản lý, cơ quan thực hiện chi trả chế độ, chính sách...) có đủ cơ sở để thực hiện; chủ doanh nghiệp, người lao động có cơ hội tiếp cận và thực hiện các thủ tục để thụ hưởng chế độ, chính sách theo quy định; bảo đảm tính thống nhất, minh bạch; chi đúng chế độ, chính sách, đúng mục đích, đối tượng, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả; không phát sinh thêm các khoản chi ngoài dự toán ngân sách đã được phê duyệt.

Duy trì, phát triển doanh nghiệp tham gia ĐVCN, tạo việc làm và thu nhập chính đáng cho người lao động. Cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện các hoạt động mang tính độc quyền (sản xuất các sản phẩm quân sự, bí mật quân sự), bảo đảm tiến độ với hoạt động sản xuất mang tính cạnh tranh (sản xuất sản phẩm phổ thông, lưỡng dụng), bảo đảm công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử.

Kết hợp chặt chẽ giữa quản lý theo ngành, lĩnh vực với quản lý theo lãnh thổ; phân định rõ nhiệm vụ quản lý nhà nước giữa chính quyền địa phương các cấp đối với các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn lãnh thổ. Tạo cơ sở thực hiện các biện pháp xây dựng quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo thực hiện kế hoạch xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh; xây dựng và hoạt động tác chiến của bộ đội địa phương, dân quân tự vệ.

Bảo đảm chế độ, chính sách theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ tiêu hao, bù đắp sức khỏe cho đối tượng thụ hưởng sẽ góp phần làm tăng thu nhập, bảo đảm lợi ích, quyền lợi chính đáng, giúp ổn định tâm lý cho các đối tượng trong chuẩn bị và thực hành ĐVCN; góp phần tạo sức hút để huy động thực hiện nhiệm vụ ĐVCN.

Bảo đảm sự công bằng đối với cùng một đối tượng có cùng điều kiện, tính chất hoạt động, đồng bộ, thống nhất với quy định pháp luật hiện hành; nâng cao trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, người lao động và các đối tượng khác tham gia ĐVCN; nâng cao chất lượng, hiệu quả trong chuẩn bị và thực hành ĐVCN, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Bảo đảm cạnh tranh bình đẳng trong sản xuất, kinh doanh; tạo thêm việc làm, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp và thu nhập của người lao động; huy động được tiềm năng kinh tế, tiếp thu công nghệ tiên tiến để nghiên cứu, áp dụng nhằm nâng cao năng lực sản xuất đối với doanh nghiệp; chủ động sản xuất được trang bị kỹ thuật, giảm nhập khẩu từ nước ngoài, có điều kiện dành nguồn vốn đầu tư cho quốc phòng, góp phần tiết kiệm ngân sách Nhà nước.

Giảm tối đa việc đầu tư cho công nghiệp quốc phòng đối với các lĩnh vực, ngành công nghiệp mà doanh nghiệp ngoài LLVTND có thế mạnh; giảm chi ngân sách Nhà nước để hoàn chỉnh dây chuyền ĐVCN, mở rộng thị trường cho công nghiệp dân sinh; không làm tăng chi ngân sách.

Công nghiệp quốc phòng là gì, quy định về cơ sở công nghiệp quốc phòng như thế nào?
Quyết định động viên công nghiệp
Động viên công nghiệp cần tương xứng với sự phát triển của nền công nghiệp nước nhà

Đăng Khôi

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.